Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.
Hàng loạt thương hiệu lớn như CocaCola, Ford, Microsoft, Lego, Unilever... đã tuyên bố rút quảng cáo khỏi Facebook và Instagram từ ngày 1/7.
Hành động trên thuộc chiến dịch tẩy chay tập thể có tên “Stop Hate For Profit” do 6 tổ chức dân quyền phát động, mục đích buộc Facebook kiểm soát chặt chẽ các nội dung thù địch trên nền tảng.
Động thái này hiện đang gây chú ý và tạo ra những tranh luận trong cộng đồng chuyên gia IT cũng như kinh doanh. Để góp thêm một góc nhìn về hiện tượng tẩy chay Facebook nói trên, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Quang Tinh Tú, Giám đốc quản lý Conversion Asia, sáng lập cộng đồng UAN:
- Ông có thể lý giải căn nguyên của hiện tượng tẩy chay Facebook?
Ông Bùi Quang Tinh Tú: Việc Facebook đang đối mặt với cuộc khủng hoảng khi hơn 100 thương hiệu hàng đầu thế giới đồng loạt tầy chay quảng cáo với khẩu hiệu “Stop Hate for Profit” (Ngừng kiếm tiền từ sự thù địch) chỉ là “giọt nước tràn ly”.
Những vụ tẩy chay thế này không phải chưa từng xảy ra. Cách đây nhiều năm, Facebook đã gặp phải những vấn đề tương tự khi không thể kiểm soát những thông tin được đăng tải. Mặc dù đã có những cố gắng trong việc khắc phục, kiểm dịch thông tin nhưng cuối cùng Facebook vẫn để tình trạng này xảy ra trên diện rộng.
Thêm vào đó, Facebook dù sở hữu hệ thống AI lưu giữ thông tin riêng nhưng hệ thống này vẫn có những giới hạn trong việc nhận diện cách hành xử của con người. Vì vậy, nó không đáp ứng được kỳ vọng của tất cả người dùng Facebook, khiến những thông tin, nội dung được truyền tải ẩn chứa nhiều sai phạm và thiếu minh bạch.
Ngoài ra, làn sóng tẩy chay Facebook xảy ra trong giai đoạn nước Mỹ đang ráo riết chuẩn bị cho cuộc bầu cử, do đó chiến dịch này có thể trở thành một cuộc tranh luận chính trị.
Cuối cùng, một nguyên nhân sâu xa khác dẫn đến việc Facebook phải hứng chịu làn sóng tẩy chay, chính là do cách hành xử của người sử dụng Facebook. Về bản chất, Facebook không “dắt mũi” người dùng mà “học hỏi” theo xu hướng của họ.
Khi người dùng tiếp cận, bấm nút “Thích” (like) và “Chia sẻ” (share) những thông tin thiếu chính xác, gây kích động hoặc liên quan đế vấn đề nhân quyền trên Facebook, những thông tin này khi được chia sẻ sẽ trở thành một làn sóng lan truyền, tiếp cận rộng rãi đến nhiều người hơn. Việc người dùng xem và chia sẻ những tin tức, thông tin liên quan đến vấn đề đó sẽ khiến hệ thống AI của Facebook thu nhận và điều hướng người dùng tiếp cận những thông tin tương tự. Cơ chế hoạt động này đã khiến cho một số người cảm thấy Facebook càng ngày càng xa rời giá trị nó vốn có.
Tuy nhiên, mọi người không hề nghĩ rằng, chính thói quen “like”, “share” vô tội vạ hay việc thường xuyên lựa chọn xem những nội dung có tính kích động đó sẽ khiến người dùng có thể liên tục tiếp xúc với những thông tin đó bởi tính năng “đọc ý nghĩ người dùng” của Facebook.
- Liệu làn sóng tẩy chay có ảnh hưởng đáng kể đến Facebook?
Trong 10 năm trở lại đây, mặc dù liên tục hứng chịu chỉ trích về các chính sách khác nhau, doanh thu của Facebook chưa từng giảm.Tương tự, về bản chất, cuộc tẩy chay này không gây hại quá lớn đến doanh số Facebook.
Năm 2019, Facebook tuyên bố có 7 triệu doanh nghiệp và agency quảng cáo trên nền tảng của mình, trong đó có các tập đoàn hàng đầu như Microsoft và Samsung, từng chi đến 100 triệu USD cho quảng cáo trên Facebook trong giai đoạn 2012 - 2013. Ước tính, trang mạng xã hội lớn nhất hành tinh này thu về 70 tỷ USD từ tiền quảng cáo mỗi năm.
Trên thực tế, nhiều công ty chỉ cam kết tẩy chay trong một tháng, vào tháng 7. Ngoài ra, có lẽ quan trọng hơn, phần lớn doanh thu quảng cáo của Facebook đến từ những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Và những hãng lớn như Unilever hay CocaCola chỉ chiếm phần rất nhỏ trong tổng doanh thu của Facebook.
Với các doanh nghiệp lớn, có quy mô toàn cầu, sở hữu nhiều hệ thống phân phối thì mạng xã hội chỉ là một phần trong hệ sinh thái quảng cáo. Và Facebook cũng không phải là kênh đóng góp quá quan trọng trong mục tiêu thu hút và tìm kiếm khách hàng của họ. Các nhãn hàng lớn sử dụng Facebook như một trong nhiều kênh để chuyển tải thông điệp cũng như quảng bá, nâng cao uy tín thương hiệu. Ngoài Facebook, họ sẽ có nhiều sự lựa chọn khác.
Tuy nhiên, đối với nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ khác, ngoài Facebook ra, họ không có nhiều sự lựa chọn. Đối với các doanh nghiệp nhỏ, quảng cáo trên Facebook rẻ và hiệu quả hơn so với những nền tảng như TV hay báo đài. Ngoài ra, Facebook cho phép doanh nghiệp hướng đến nhóm đối tượng khách hàng nhiều khả năng sẽ sử dụng sản phẩm, chứ không quảng cáo đại trà. Đó là lý do nhiều bên vẫn sẽ không ngừng quảng cáo.
Vậy nên, rất khó có thể khẳng định làn sóng này sẽ lan rộng và kéo dài trong tương lai. Việc các doanh nghiệp lớn quay lưng để chứng tỏ cho Facebook cũng như công chúng thấy rằng họ không chỉ quan tâm tới lợi nhuận, mà còn cả những giá trị cốt lõi. Họ không chấp nhận hình ảnh của họ xuất hiện bên cạnh những nội dung tiêu cực, bạo lực cũng như ủng hộ những vấn đề về nhân quyền và đạo đức. Vì vậy, các nhãn hàng lớn tạm ngưng quảng cáo trên mạng xã hội không có nghĩa là ngừng dùng mạng xã hội.
- Với làn sóng tẩy chay mạnh mẽ lần này, theo ông, Facebook cần ứng xử thế nào để duy trì vị trí độc tôn của mình?
Facebook chỉ độc tôn ở một số quốc gia, khu vực chứ không chiếm lĩnh trên thị trường toàn thế giới. Mỹ là một quốc gia có khá nhiều nền tảng mạng xã hội, chính vì vậy các doanh nghiệp lớn sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Hay thậm chí ở một số quốc gia lớn như Trung Quốc, Facebook thậm chí không tồn tại.
Theo tôi, Facebook nên xử lý vấn đề này theo đúng “tốc độ” của một tập đoàn. Ngoài việc tổ chức các cuộc họp báo như đã thực hiện, Facebook cần đưa ra những cam kết sẽ sửa chữa, giải quyết những vấn đề sai lệch thông tin và xử lý ngôn từ gây thù địch trên nền tảng mạng xã hội này.
Đồng thời, Facebook cần đưa ra một số tính năng giúp người dùng có lựa chọn sáng suốt đối với những nội dung thông tin tiếp nhận trên Facebook. Hoặc Facebook sẽ phải siết chặt hơn việc quảng cáo, đưa ra những quy định gắt gao hơn, không cho phép chứa những từ ngữ, nội dung liên quan đến tôn giáo, chính trị, các vấn đề liên quan tới nhân quyền.
Nhìn ở góc độ tích cực, chính làn sóng tẩy chay từ các nhãn hàng lớn đã góp phần tạo ra sức ép, ép buộc Facebook phải có những thay đổi tích cực hơn trong tương lai để có thể duy trì vị trí độc tôn của mình ở một số quốc gia và khu vực.
Trên thực tế, Facebook đã gỡ bỏ các bài viết kích động bạo lực, gây cản trở bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới cũng như dán nhãn cảnh báo vào những bài viết có giá trị nhưng vi phạm các chính sách của Facebook.
Theo đó, những người dùng Facebook muốn chia sẻ nội dung đó sẽ thấy một cảnh báo nhắc nhở rằng nội dung mà họ đang chia sẻ có thể vi phạm các chính sách của Facebook. Twitter cũng có chính sách tương tự khi quyết định dán nhãn cảnh báo chứ không gỡ bỏ những nội dung có giá trị tin tức nhưng gây tranh cãi, thường là các dòng tweet của các lãnh đạo thế giới.
- Liệu đây có phải là lời cảnh tỉnh cho các nền tảng mạng xã hội khác trong việc sàng lọc thông tin?
Về bản chất, mạng xã hội vẫn đang vận hành đúng theo cách mà nó được tạo ra. Phải chăng sẽ phù hợp hơn khi nói đây là lời cảnh tỉnh cho những người sử dụng mạng xã hội?
Người Mỹ thường có câu: "Không có bữa trưa nào là miễn phí". Trong khi đó, Facebook hay nhiều nền tảng mạng xã hội khác lại miễn phí cho người sử dụng, thậm chí miễn phí cho cả một số hoạt động kinh doanh của các cá nhân trên nền tảng mạng xã hội này.
Những gì Facebook có thể kiếm được từ người sử dụng là thông tin về việc họ thích xem phim gì, đọc báo nào, nhu cầu mua sắm những cái gì, khuynh hướng chính trị ra sao… Những thông tin này sẽ được cung cấp cho các doanh nghiệp để họ đặt mua chỗ đăng quảng cáo trên Facebook.
Cho nên, khi mọi người sử dụng bất cứ dịch vụ nào miễn phí, đồng nghĩa với việc chấp nhận đem chính những thông tin, dữ liệu cá nhân của mình đi rao bán để đổi lấy sự tiện lợi khi sử dụng dịch vụ.
Khi bắt đầu thấy được những hậu quả do chính việc đó gây ra, mọi người thường có xu hướng tìm một cá nhân đứng ra nhận lỗi và chịu trách nhiệm, thay vì “tiên trách kỷ hậu trách nhân”.
Theo tôi, mọi người cần nhìn nhận lại mọi thứ theo hai góc độ. Nói như thế không có nghĩa là mạng xã hội hoàn toàn thoát khỏi trách nhiệm trong câu chuyện này. Tuy nhiên, trước khi tiếp nhận hay chia sẻ một thông tin nào đó, người dùng cũng cần suy nghĩ, tra cứu nhiều nguồn tin khác nhau và đừng tin nhanh, “share” vội để tránh ảnh hưởng tiêu cực.
- Ông dự báo thế nào về triển vọng của Facebook nói riêng và kỷ nguyện mạng xã hội nói chung trong tương lai?
Theo đơn vị nghiên cứu thị trường ANTS, giá trị thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam hiện đạt khoảng 550 triệu USD, trong đó Facebook và Google chiếm đến 70% thị phần, riêng Facebook chiếm hơn 40% thị phần. Tuy nhiên trong "miếng bánh" Facebook đang có, giới trong ngành ước tính các nhãn hàng lớn chỉ đóng góp chưa đến 1/4 tổng doanh thu.
Đối tượng đóng góp doanh thu quảng cáo cho Facebook tại Việt Nam chủ yếu là những doanh nghiệp nhỏ, do đó việc một vài doanh nghiệp lớn rút quảng cáo chưa hẳn là vấn đề với mạng xã hội này. Và chừng nào Facebook vẫn được đông đảo người sử dụng, mạng xã hội này sẽ vẫn là mảnh đất quảng cáo màu mỡ cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên điều này sẽ chỉ đúng nếu như danh sách "nghỉ chơi" Facebook không lan rộng và kéo dài trong thời gian tới.
Không chỉ riêng Facebook, các nền tảng mạng xã hội khác cũng sẽ tiếp tục tồn tại. Tuy nhiên, trong tương lai, người dùng sẽ có xu hướng phân mảng trong việc sử dụng mạng xã hội.
Hiện tại, mặc dù Facebook đang chiếm vị thế độc tôn ở Việt Nam, nhưng trong tương lai có thể sẽ không còn là mạng xã hội duy nhất nữa. Người dùng có thể lựa chọn các nền tảng mạng xã hội khác như Tiktok, Zalo, Telegram, WhatsApp. Và trên chính những nền tảng chat này cũng đã hình thành các trang mạng xã hội nhỏ, do đó người dùng sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong việc tiếp nhận và chia sẻ thông tin.
Ngoài ra, định nghĩa về mạng xã hội ngày càng được mở rộng. Trong tương lai, mạng xã hội có thể được hiểu như một công cụ mà người dùng có thể thành lập một nhóm, từ chục người đến hàng nghìn người, để chia sẻ và trao đổi thông tin.
Tóm lại, việc các nhãn hàng lớn như Unilever và CocaCola tẩy chay quảng cáo cũng đã đánh dấu nỗ lực đáng kể của các hãng lớn nhằm buộc các công ty công nghệ phải có những thay đổi cần thiết, bài trừ các hành vi, nội dung xấu trên nền tảng trực tuyến của mình, đồng thời phải có trách nhiệm giải trình và đưa ra sự minh bạch hơn.
Rõ ràng, 2020 sẽ là năm khó khăn cho các công ty sở hữu mạng xã hội, nhưng “Stop Hate for Profit” sẽ không là gì nếu như nó không kéo dài ít nhất qua mùa thu năm nay.
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.