Chuyên gia ‘mách nước’ triệt sốt đất

Lệ Chi - 10/04/2021 17:24 (GMT+7)

(VNF) - Trước tình trạng “sốt ảo” giá đất đã và đang diễn ra ở nhiều địa phương, gây ra những hệ lụy không đáng có, các chuyên gia kiến nghị nên đưa tội “thổi giá đất” vào Bộ Luật Hình sự hiện hành, hoặc cần công khai các quy hoạch, cần đánh thuế người có nhiều bất động sản, thay đổi chính sách tín dụng…

VNF
Chuyên gia ‘mách nước’ triệt để những cơn sốt đất khắp nơi

Nói về giải pháp để triệt những cơn sốt đất, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA), đề xuất cần đánh thuế chuyển nhượng rất cao để triệt tiêu ý chí của nhà đầu tư.

Cụ thể, nếu nhà đầu tư mua đi bán lại sẽ bị đánh thuế cao trong 2-3 năm đầu khi chuyển nhượng. Đồng thời, nhà nước cũng cần đánh thuế những người có nhiều bất động sản và đánh thuế ở mức cao nếu không đưa đất vào sử dụng.

Chủ tịch HoREA cho biết hiện nay, nhà nước có chính sách thu hồi đất chậm đưa vào sử dụng nhưng chỉ thu hồi những dự án bất động sản không đưa vào sử dụng.

Ông Châu viện dẫn ở Trung Quốc, chính quyền sử dụng những công cụ này rất tốt, như khi có “bong bóng” thì ngay lập tức chính quyền địa phương áp thuế suất cao.

Trong khi đó, tại Việt Nam, thuế suất thuộc luật thuế phải được Quốc hội thông qua nên chưa kịp thời. Do đó, ông Châu gợi ý có thể giao mức thuế suất này cho Chính phủ quyết định để phù hợp với diễn biến thị trường.

Với cơ chế về tín dụng, ông Châu cho rằng việc cho vay 70% giá trị tài sản bảo đảm có thể tạo cơ hội để nhà đầu tư vay mua lướt sóng nhiều hơn. Chính sách tín dụng này cũng cần thay đổi ở những giai đoạn sốt giá nhà đất, như giảm hạn mức cho vay xuống từ 70% về 30-50% tùy giai đoạn, kiểm soát việc đầu tư lướt sóng qua dòng tín dụng đổ vào thị trường bất động sản.

Với công cụ về quy hoạch, ông Châu đề nghị các tỉnh cần quy hoạch sử dụng đất, có kế hoạch sử dụng đất hằng năm, ví dụ định hướng phát triển TP. HCM về hướng nào, mỗi năm sẽ được quy hoạch.

“Việc này nằm trong tầm tay của chính quyền các tỉnh, thành nên cần được triển khai hiệu quả, vừa tăng nguồn cung cho thị trường nhà đất, vừa kiểm soát được thị trường bất động sản”, Chủ tịch HoREA cho hay.

Đồng quan điểm về tác động của quy hoạch đến giá đất, KTS Phạm Thanh Tùng nhấn mạnh hiện tại quy hoạch rất nhiều bước và rất phức tạp.

“Để ngăn chặn sốt đất, trước hết cần công khai quy hoạch, phải họp báo nghiêm túc để công khai thông tin, bởi vì định hướng thông tin rất quan trọng”, ông Tùng kiến nghị.

Ở góc độ là luật sư, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. HCM lại cho rằng một trong những nguyên nhân khiến tình trạng sốt đất cục bộ là do các ngân hàng gia tăng số dư nợ tín dụng.

Trong quý đầu năm 2021, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng 2,13% nhưng tín dụng bất động sản lại tăng nhanh hơn mặt bằng chung. Nhiều ngân hàng thương mại đang chạy đua cho vay tiêu dùng, trong đó các gói cho vay bất động sản với lãi suất chỉ từ 4,99%-10%/năm.

“Động thái này của các ngân hàng đã thúc đẩy người dân vay để đầu tư vào bất động sản”, vị luật sư nhấn mạnh.

Ông Hậu kiến nghị các ngân hàng dưới sự quản lý nhà nước phải có cơ chế và chính sách chặt chẽ để lường trước được những rủi ro trong việc cho vay bất động sản.

“Chính sách quản lý cần thống nhất về cơ chế định giá đất theo thị trường. Về lâu dài nên bỏ khung giá đất do Chính phủ ban hành và giao UBND cấp tỉnh ban hành giá đất theo mục đích sử dụng đất để tính các nghĩa vụ tài chính về đất đai cũng như bồi thường khi thu hồi đất. Có cơ chế giám sát việc xây dựng bảng giá đất một cách công khai minh bạch”, luật sư đề xuất.

Còn luật sư Trần Thanh Quyết kiến nghị rằng cần xem xét bổ sung vào Bộ Luật Hình sự hiện hành quy định về hình sự tội “thổi giá đất”.

Theo ông Quyết, quy định về tội đầu cơ (Điều 196) hiện nay không còn phù hợp để điều chỉnh những phát vấn đề phát sinh trên thực tế như tình trạng sốt đất hiện nay.

Ông Quyết cũng đồng thời đề nghị bổ sung quy định chặt chẽ về điều kiện hành nghề môi giới bất động sản.

>>> Xem thêm: Hơn 3 năm theo đuổi, Hưng Thịnh chính thức nắm dự án KĐT 2.400 tỷ ở Quy Nhơn

Cùng chuyên mục
Tin khác