Chuyến thăm Philippines của ông Tập Cận Bình: Gặt hái nhiều ‘quả ngọt’

Chu La - 21/11/2018 12:28 (GMT+7)

(VNF) - Philippines và Trung Quốc ngày 20/11 đã ký kết 29 thỏa thuận thuộc lĩnh vực thương mại, hạ tầng và giáo dục, trong đó đáng chú ý là biên bản ghi nhớ về khai thác dầu khí chung trên biển.

VNF
Tổng thống Duterte Philippines tiếp ông Tập Cận Bình đến thăm Philippines.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Philippines của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, lãnh đạo hai nước đã nhất trí nâng cấp quan hệ lên tầm hợp tác chiến lược toàn diện.

Ông Tập Cận Bình khẳng định rằng Trung Quốc và Philippines cùng chung các lợi ích rộng lớn ở Biển Đông vì vậy hai nước có thể tiếp tục quản lý những bất đồng thông qua tham vấn hữu nghị, thúc đẩy hợp tác thiết thực trên biển và đóng góp thích hợp cho hòa bình và ổn định khu vực cũng như sự thịnh vượng của người dân.

Theo ông Tập, Trung Quốc và Philippines, đều là các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, nên tăng cường phối hợp và hợp tác trong các vấn đề quốc tế và khu vực.

Đáp lại, ông Duterte nói hai bên xây dựng được “một sự tin tưởng sâu sắc” đồng thời tiết lộ rằng ông và ông Tập đã bàn thảo việc tăng cường thương mại và đầu tư, và sự tham gia của Trung Quốc vào chương trình cơ sở hạ tầng lớn trị giá 180 tỷ USD mang tên “Xây, Xây nữa, Xây mãi” do ông khởi xướng.

Thỏa thuận về việc khai thác dầu khí chung trên biển được Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị ký dưới sự chứng kiến của Tổng thống Rodrigo Duterte và ông Tập.

Hiện chi tiết về thỏa thuận này vẫn chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, theo dự thảo khung được Thượng nghị sĩ đối lập Philippines Antonio Trillanes công bố, hoạt động thăm dò sẽ được thực hiện dựa trên nguyên tắc lợi ích và tôn trọng lẫn nhau, đồng thời không ảnh hưởng tới lập trường của hai bên về chủ quyền và quyền hàng hải.

Chuyến thăm của ông Tập diễn ra hai năm sau khi ông Duterte tuyên bố ông sẽ thay đổi chính sách ngoại giao để tách khỏi đồng minh lâu năm Mỹ và hướng về Trung Quốc. Bắc Kinh và Manila trước đó từng tranh cãi gay gắt về vấn đề chủ quyền ở Biển Đông.

Ông Duterte hiện đang đối mặt với những chỉ trích từ các đối thủ vì đã nhún nhường Trung Quốc quá nhiều trong chính trị để chạy theo những hứa hẹn cho vay và đầu tư hàng tỷ USD, nhưng chưa được thực hiện và cũng chưa được chính thức cam kết.

Dù Bắc Kinh và Manila hiện chỉ hướng tới thực hiện các dự án ở vùng biển không xảy ra tranh chấp chủ quyền, các luật sư cũng như nhà ngoại giao Philippines vẫn lo ngại trong tương lai, hai bên có thể mở rộng dự án ra những khu vực biển có tranh chấp.

Xem thêm >> Điện Kremlin: Tác động để ngăn ứng viên Nga thành Chủ tịch Interpol là ‘can thiệp bầu cử'

Theo SCMP
Cùng chuyên mục
Tin khác