(VNF) - Các công ty tài chính đã qua thời ‘con gà đẻ trứng vàng'. Nhiều công ty thua lỗ triền miên do nợ xấu ngày càng tăng cao. Dù đang gặp khó khăn nhưng thị trường cho vay tiêu dùng ở Việt Nam vẫn rất tiềm năng và được kỳ vọng sớm hồi phục.
Lợi nhuận suy giảm, nợ xấu gia tăng
Thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển. Vài năm trước, tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm, góp phần giúp người dân, đặc biệt là những người yếu thế, tiếp cận được các dòng vốn chính thức; hạn chế tình trạng tín dụng đen.
Nhưng từ 2020 đến nay, thị trường tài chính tiêu dùng đối mặt với những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và sự suy giảm tổng cầu.
Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), tỷ lệ nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống có xu hướng gia tăng, khoảng gần 3,7% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng, trong khi từ năm 2018 đến năm 2022, tỷ lệ nợ xấu này chỉ trên dưới 2%.
Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính có nguy cơ tăng hơn 15%. Không ít công ty tài chính gặp tình trạng nợ xấu tăng nhanh, phải thu hẹp quy mô hoạt động, cắt giảm nhân sự, thậm chí thua lỗ nặng do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao.
Đơn cử, tại Công ty FE Credit, lợi nhuận trước thuế ghi nhận tăng trưởng mạnh trong các năm 2016, 2017, vượt ngưỡng 4.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 50% thu nhập ròng của ngân hàng hợp nhất) sau đó dần sụt giảm mạnh.
Năm 2022, FE Credit ghi nhận mức lỗ kỷ lục 3.937 tỷ đồng. Đến năm 2023, công ty tài chính này vẫn lỗ nhưng đã giảm.
Dù FE Credit chưa công bố chính thức kết quả kinh doanh năm 2023 nhưng theo báo cáo mới nhất của Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), lũy kế cả năm 2023, FE Credit ghi nhận thu nhập hoạt động đạt 17.756 tỷ đồng, giảm 13,8% so với năm 2022 và lỗ trước thuế 3.529 tỷ đồng.
Tại VietCredit, giai đoạn 2017-2022, tổng thu nhập hoạt động của doanh nghiệp này tăng trưởng mạnh, cao nhất lên tới 1.456 tỷ đồng. Dù tổng thu nhập lên tới nghìn tỷ đồng nhưng chi phí trích lập dự phòng rủi ro tăng, chi phí hoạt động cũng bị đội lên. Vì vậy, lợi nhuận tại VietCredit các năm chỉ vài chục tỷ đồng.
Năm 2023, dù ghi nhận khoản lãi đột biến trong quý IV (lợi nhuận sau thuế quý này ở mức 155,3 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay) nhờ xử lý nợ xấu song lợi nhuận cả năm của VietCredit vẫn giảm sâu 66,1% so với năm 2022, xuống còn 25,6 tỷ đồng do hoạt động kinh doanh chính sụt giảm và chi phí dự phòng tăng cao.
Tới cuối năm 2023, tổng tài sản của VietCredit đạt 6.852 tỷ đồng, tăng 4,9% so với đầu năm; số dư cho vay khách hàng tăng 4,6%, lên 4.621 tỷ đồng. Sau khi gia tăng trong 4 quý liên tiếp, nợ xấu của VietCredit đã đạt đỉnh vào cuối quý IV/2023. Tính đến 31/12/2023, nợ xấu của VietCredit lên tới 853 tỷ đồng, tăng 62% so với đầu năm, tương ứng tỷ lệ nợ xấu ngưỡng 18,47% trong khi hồi đầu năm ở mức 11,88%.
Tại HD Saison, lãi trước thuế năm 2023 của công ty này giảm tới 42% so với năm 2022, xuống còn 660 tỷ đồng và thu nhập hoạt động đạt 5.959 tỷ đồng, tăng 4,5% so với năm 2022.
Dư nợ của HD Saison tính đến cuối năm 2023 đạt 16.086 tỷ đồng, giảm so với năm 2022. Số dư nợ xấu của HD Saison ở mức 1.225 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ xấu 7,6%.
Trong khi đó, Công ty TNHH MTV Home Credit Việt Nam chưa công bố kết quả kinh doanh cả năm 2023. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, công ty tài chính này thu về hơn 211 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu là 3,22%. Mới đây, Home Credit đã chính thức về tay người Thái với giá gần 21.000 tỷ đồng.
Có thể thấy, kết quả kinh doanh của các công ty tài chính tiêu dùng đều đi xuống trong bối cảnh tệp khách hàng chính của họ rơi vào khó khăn, kéo theo nợ xấu tăng nhanh.
Tại Việt Nam, hiện có 16 công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép, song giá trị tích cực mà các công ty này hướng đến đang bị pha loãng bởi hàng trăm công ty tín dụng “đen”. Nhiều công ty tài chính đang gặp khó khăn do nợ xấu ngày càng tăng cao, khách hàng cố tình "quên nợ" hoặc rủ nhau “bùng nợ”.
Theo VNBA, tốc độ giải ngân cho vay tiêu dùng trong năm 2023 đạt thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Dư nợ tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính năm 2023 giảm khoảng 40% so cuối năm 2022. Tính đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ cho vay của các công ty tài chính chỉ còn 134.000 tỷ đồng, trong khi nợ xấu tăng 10-15%. Tín dụng tiêu dùng tăng chậm, còn nợ xấu không dễ kiểm soát, đồng thời tình trạng “bùng nợ” không được xử lý khiến các công ty tài chính “chùn tay”.
Kỳ vọng hồi phục
Thị trường cho vay tiêu dùng đang gặp khó khăn. Nhưng theo nhận định của các nhà phân tích, “khó khăn chỉ là tạm thời”, cho vay tiêu dùng ở Việt Nam vẫn rất tiềm năng.
Chuyên gia của FiinGroup nhìn nhận: “Việt Nam được xem là một trong những quốc gia châu Á có thị trường tài chính tiêu dùng giàu tiềm năng với dân số 100 triệu người, độ tuổi trung bình trẻ (33,7 tuổi) cùng với sự phát triển kinh tế ổn định, mức tiêu dùng của người dân ngày càng tăng”.
Sau khi trải qua một năm giảm do kinh tế đi xuống, sức mua chậm thì cầu tín dụng tiêu dùng được kỳ vọng hồi phục trong năm nay. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng cho vay tiêu dùng nhìn chung sẽ chậm lại so với giai đoạn trước và được tập trung vào khách hàng sẽ ít rủi ro hơn.
Ông Lê Phương Hải, Phó Tổng giám đốc VietCredit cho hay, hiện có phân khúc cho vay tiêu dùng sáng, có phân khúc sẽ yếu đi. Trong đó, phân khúc thẻ tín dụng, nhất là thẻ tín dụng nội địa sẽ tăng trưởng tốt. Còn phân khúc cho vay tiêu dùng mua thiết bị phục vụ nhà cửa, đời sống, mua xe hai bánh, điện thoại sẽ khó tăng trưởng hơn.
Theo ông Hải, với các dự báo kinh tế dần hồi phục và tăng kích cầu tiêu dùng nội địa để đẩy sức mua, các công ty tài chính có kế hoạch đẩy mạnh cho vay trong năm 2024, với mức tăng khoảng 30-40%. Nhưng NHNN chỉ cấp tăng trưởng tín dụng theo các tiêu chí đã định ở mức 14%.
NHNN đã có Văn bản 9668/NHNN-CSTT gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc đẩy mạnh cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng.
Dù thị trường còn khó khăn nhưng với chủ trương đẩy mạnh tiêu dùng, trong đó có cả tín dụng, nhằm tăng sức mua…, tín dụng ở phân khúc này được kỳ vọng cải thiện. Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực NHNN, cho hay, tín dụng tiêu dùng là xu hướng của thế giới. Ở các nước phát triển như Mỹ, tỷ lệ tín dụng tiêu dùng chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 60-70% tổng dư nợ cho vay.
Ông Tú khẳng định NHNN rất quan tâm tiêu dùng tín dụng vì hoạt động này không chỉ đáp ứng nhu cầu chi tiêu của người dân và góp phần kích cầu, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mà còn giúp giảm quy mô và hoạt động tín dụng đen. Các ngân hàng và công ty tài chính cần đẩy mạnh cho vay tiêu dùng trong năm nay để kích cầu tiêu dùng, sức mua, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song cần kiểm soát rủi ro nợ xấu.
Theo giới phân tích, để tín dụng tiêu dùng phát triển, các công ty tài chính cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phát triển hệ thống chấm điểm tín dụng, đánh giá chính xác điểm tín dụng của khách hàng; tăng hiệu quả và tốc độ xử lý tín dụng, thực thi các nguyên tắc của một tổ chức tài chính bền vững, đẩy mạnh cho vay có trách nhiệm. Đồng thời, cần phải có hàng lang pháp lý chặt chẽ hơn, bảo đảm khoản vay, giúp thị trường ổn định, lành mạnh.
Về phía khách hàng, khi vay vốn tại các công ty tài chính, các tổ chức tín dụng này cần phải tìm hiểu kỹ về các điều khoản, lãi suất... để tránh các trường hợp lãi suất quá cao, mất khả năng thanh toán.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone