Đa cấp tiền ảo chiêu cũ lừa người mới

Mai Phương - 16/05/2021 15:18 (GMT+7)

Một số chiêu trò đã cũ, được cảnh báo liên tục nhưng những kẻ lừa đảo vẫn đang sử dụng để dụ dỗ người chơi nhằm chiếm đoạt tiền.

VNF
Lừa đảo vẫn liên tục diễn ra. Ảnh: Đào Ngọc Thạch.

Chiêu “lùa gà”, bơm thổi...

Ngày 14/5, Công an TP. Hà Nội công bố khởi tố vụ án hình sự, khởi tố 3 bị can là những đối tượng cầm đầu trong trong ổ nhóm tổ chức xây dựng, quản trị và điều hành 4 sàn giao dịch vàng, tiền ảo, ngoại tệ (gọi chung là forex) trái phép, như: Rforex.com, Yaibroker, Vistaforex, Exswiss và nhiều website khác được copy giao diện tương tự giống các sàn trên. Các tổ chức này đã lôi kéo gần 12.000 người thuộc 27 quốc gia tham gia với tổng số tiền đã nộp vào sàn là 4,3 triệu USD.

“Bài” của những kẻ lừa đảo này cũng tương tự một số sàn forex trước đây và nhiều sàn đang hoạt động. Đó là các đối tượng tự xây dựng website, mua tên miền nước ngoài và giới thiệu đó là các sàn ngoại hối của nước ngoài, uy tín, an toàn. Chúng thường xuyên tổ chức các hội thảo quy mô lớn ở các nhà hàng, khách sạn sang trọng, mời những người tự xưng là “chuyên gia hàng đầu” về tài chính và những người đã đầu tư thành công để thuyết trình, quảng bá và hứa hẹn khi tham gia đầu tư sẽ có mức lãi cao 15 - 30%/tháng. 

Một số kịch bản lừa đảo khác cũng đang được sử dụng như bơm thổi rồi bán hay còn gọi là “lùa gà”, thường được sử dụng trong các sàn forex. Chẳng hạn gần đây tự dưng có một loạt nghệ sĩ, người nổi tiếng bỗng lên tiếng quảng bá cho những đồng tiền ảo, coin rác. Nếu lượng người nghe theo tham gia càng nhiều thì giá càng lên và những kẻ đã có sẵn cứ việc bán ra thu tiền lãi. Kẻ đến sau chỉ còn ôm những coin rác vô giá trị đó và tiền đã một đi không trở lại. Thậm chí cả tỷ phú Elon Musk cũng sử dụng chiêu này để bơm thổi cho những đồng tiền số mình đầu tư. Câu chuyện lan đột biến gần đây ở Việt Nam cũng là hình thức tương tự. 

Hai kiểu lừa đảo nói trên thường hoạt động theo mô hình đa cấp ponzi. Lôi kéo người tham gia vào nhiều hoạt động hay mua sản phẩm, dịch vụ với nhiều tên gọi hay ho như bảo hiểm khoản đầu tư, hoàn tiền khi mua hàng, giật đơn nhận tiền... hứa hẹn trả lãi khủng với hoa hồng nhiều tầng lớn, càng giới thiệu nhiều người chơi càng có tiền hoặc bỏ tiền ra mua các gói đầu tư càng lớn càng VIP, càng nhận hoa hồng cao. Kiểu này chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn vì lấy tiền người sau trả người trước để tạo lòng tin trong thời gian đầu rồi... ôm cả cục biến mất. 

Có trò rất đơn giản nhưng vẫn có nhiều người bị mất tiền triệu. Đó là vẽ ra câu chuyện đại loại như một cựu chiến binh Mỹ, một người giàu góa vợ tận xứ sở Nigeria, Trung Đông nào đó và sau nhiều ngày làm quen, muốn gửi về cho người bạn vài chục ngàn hay trăm ngàn USD, vàng... Nhưng hàng tiền cứ mắc kẹt và bạn phải ứng ra một khoản tiền, bắt đầu từ vài triệu đồng sau lên tới tiền tỉ để có thể nhận được khoản tài sản kếch xù đó.

Biến thể khác của chiều lừa tạm ứng nhỏ hơn là có cuộc điện thoại gọi trúng thưởng và chỉ cần nạp thẻ cào điện thoại hay chuyển một ít tiền để làm thủ tục nhận thưởng; Hay giao món hàng con, cháu đã đặt nhưng sau khi trả tiền thì đó là loại không sử dụng được. Thậm chí cả câu chuyện tự xưng là công an, điều tra viên và yêu cầu bạn phải chuyển tiền tạm ứng để giải quyết vì liên quan đến vụ án, số nợ của một đơn vị khác...

1 phút tài khoản mất 2.000 USD

Trong vụ án hình sự những kẻ điều hành 4 sàn forex trái phép nêu trên, cơ quan công an chỉ rõ, nhà đầu tư khi tham gia các sàn forex trái phép thực chất là chơi với chủ sàn. Khi người chơi thua là chủ sàn được hưởng tiền đó; nếu người chơi tiếp tục thì chủ sàn sẽ can thiệp kỹ thuật với quyền truy cập tài khoản để chặn quyền truy cập, dẫn đến người không thể rút được tiền.

Cụ thể, khi cơ quan công an yêu cầu kẻ cầm đầu thực nghiệm tiến hành các thao tác can thiệp kỹ thuật vào hệ thống của Rforex trên tài khoản MT5 của một người chơi trên trang Rforex.com. Kết quả chỉ trong chưa đầy 1 phút, tài khoản của người chơi đã thua lỗ khoảng 2.000 USD.

Hàng loạt sàn forex lừa đảo vẫn công khai lôi kéo người tham gia. Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Trong khi đó, với những vụ lừa đảo đa cấp, bơm thổi thì sau khi đánh sập sàn, chặn người chơi truy cập... những kẻ lừa đảo cũng ôm tiền biến mất. Thậm chí trước đó người chơi chỉ biết trao đổi với những nhân viên tư vấn cấp dưới qua Zalo, tin nhắn nên hoàn toàn không biết những kẻ chủ sàn thật sự là ai, ở đâu. Khi tiền bị mất hết thì chỉ biết kêu trời...

Theo chuyên gia đầu tư tài chính Phan Dũng Khánh, hiện nay lừa đảo tài chính hiện đại kết hợp công nghệ cao diễn ra rất nhiều. Phổ biến vẫn là kẻ lừa đảo hứa trả lợi nhuận cực cao, vài phần trăm đến vài chục vài trăm phần trăm không phải 1 năm mà 1 tháng, thậm chí là trong 1 tuần. Một phần sẽ trả lãi bằng tiền mặt nhưng số tiền được trả lại luôn luôn dưới tổng tiền nộp vào trước khi sàn… biến mất.

Ví dụ nhà đầu tư nộp 100 triệu đồng được hứa trả 10%/tháng thì bạn sẽ nhận được đúng khoản lãi này tới tháng thứ 7 mà thôi (và bạn đã mất 7 tháng đi quảng cáo là sàn tốt lắm, đàng hoàng lắm, tôi đã nhận được tiền lãi hằng tháng rồi đây, để chiêu dụ thêm bạn bè, người thân quen của bạn vào hệ thống của họ một các vô thức). Còn đa số do hứa hẹn trả lãi cao nên họ sẽ phát hành một dạng chứng khoán của dự án (hoặc công ty) hay một loại token, tiền điện tử cho người tham gia. Số tiền hoặc chứng khoán này sẽ không rút được hoặc chỉ được giao dịch trên sàn nội bộ do chính chủ dự án đặt ra. Nghĩa là tiền lời đó chỉ có trên giấy thôi...

Nói chung bất kỳ dự án, dịch vụ nào hứa hẹn lợi nhuận gấp 3 lần lãi suất ngân hàng trở lên thường sẽ có mùi lừa đảo và nhà đầu tư cần cảnh giác và không để lòng tham dẫn dắt. 

Theo TNO
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.