Đại sứ EU: 'Ở Việt Nam trong thời dịch là một may mắn xa xỉ'

Trọng Thuấn - 26/11/2020 07:34 (GMT+7)

Đại sứ EU Giorgio Aliberti nói ông may mắn khi ở Việt Nam trong thời điểm Covid-19 hoành hành do việc khống chế đại dịch tại đây được thực hiện tốt hơn các nước châu Âu.

VNF
Đại sứ EU Giorgio Aliberti

Trao đổi với Zing nhân dịp 30 năm quan hệ Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU), Đại sứ Aliberti chia sẻ cảm nghĩ khi quan sát quá trình chính phủ Việt Nam ứng phó và kiểm soát dịch Covid-19. Qua đó, Việt Nam chứng tỏ được năng lực của mình và điều này có lợi trong việc thu hút những nhà đầu tư châu Âu một khi đại dịch qua đi.

"Vacccine Covid-19 phải được chia sẻ"

- Tầm giờ này năm ngoái, đại sứ đã có cuộc trao đổi trực tuyến với độc giả của Zing, không lâu sau khi bắt đầu nhiệm kỳ ở Việt Nam. Đâu là những điểm nổi bật trong năm đầu tiên của ông?

- Đầu tiên chắc chắn phải là EVFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU), vì đó là chủ đề được bàn thường xuyên ngay từ ngày đầu tôi đến đây, với những cột mốc như hiệp định được phê chuẩn ở Nghị viện châu Âu, phê chuẩn ở Quốc hội Việt Nam, rồi có hiệu lực.

Năm nay đặc biệt khó khăn vì Covid-19. Việc tôi ở đây được coi là may mắn “xa xỉ”, khi so sánh với châu Âu và các nơi khác trên thế giới, vì dịch đã được kiểm soát ở Việt Nam. Khi tôi nhìn lại 12 tháng qua, tôi nghĩ Việt Nam đã trở thành ví dụ tốt về đối phó với dịch.

- Đại dịch lan rộng ở châu Âu đã ảnh hưởng tới quan hệ Việt Nam - EU như thế nào?

- Tình hình dịch bệnh ở châu Âu hiện khó khăn hơn nhiều so với ở đây, nhưng chúng tôi vẫn sẽ cố gắng và chắc chắn sẽ vượt qua được.

Chúng tôi cũng lạc quan về nỗ lực toàn cầu tìm ra vaccine. Chúng tôi tin rằng vaccine phải được chia sẻ. Không chỉ có nước giàu, mà tất cả đều có quyền tiếp cận vaccine.

Tôi thấy Việt Nam chứng tỏ được mình là đối tác ngày càng quan trọng, thể hiện sự nghiêm túc và khả năng quản lý, và điều này tất nhiên có lợi cho quan hệ đối tác trong tương lai.

- Tình hình hiện tại ảnh hưởng thế nào đến cơ hội của học sinh, sinh viên Việt Nam muốn học tập tại châu Âu?

- Đại dịch đã gây ảnh hưởng lớn và việc lại đã khó khăn hơn. Nhưng tôi tin rằng tình hình sẽ cải thiện sau 12 tháng nữa.

Từ giờ tới đó, chúng ta phải kiên nhẫn. Chúng tôi sẽ tiếp tục chú trọng vào giáo dục, truyền thông, chia sẻ quan điểm của chúng tôi về vì sao nên theo học ở châu Âu. Chúng tôi sẽ có triển lãm giáo dục trong những tuần tới để giới thiệu các cơ hội.

Dịch bệnh là vấn đề ngắn hạn cần phải đối phó. Nhưng về cơ bản, nhiều sinh viên Việt Nam mong muốn sang châu Âu học tập.

- EU đã huy động 800 triệu euro để giúp ASEAN đối phó với Covid-19. EU và Việt Nam hợp tác thế nào trong ứng phó đại dịch?

- Ý tưởng ở đây là tạo cơ hội để các chính phủ nhận viện trợ, để đối phó không chỉ về y tế, mà còn là thiệt hại mà các nước đang gánh chịu về kinh tế - xã hội. Ngay cả với các nước có ít ca nhiễm như Việt Nam thì vẫn có những tác động về kinh tế - xã hội.

- EU và Việt Nam sẽ hợp tác như thế nào về vaccine?

- Quan điểm của chúng tôi là phải chia sẻ vaccine và mọi người nên được tiếp cận nó, chứ không thể chỉ cho vài quốc gia. Chúng ta chỉ an toàn hẳn khi mọi người đều không còn nguy cơ.

Chúng tôi thấy một số hợp tác giữa Việt Nam và các công ty châu Âu, và muốn hỗ trợ điều đó.

Một khi đã có vaccine, chúng tôi cũng muốn giúp đỡ thông qua COVAX - mạng lưới hỗ trợ tài chính để thúc đẩy phân phối vaccine công bằng hơn.

Vấn đề là phải làm sao để vaccine không chỉ là bài toán kinh tế mà còn là bài toán xã hội. Lợi nhuận không thể là vấn đề duy nhất khi nghĩ về vaccine. Tôi nghĩ các công ty cũng hiểu việc chia sẻ là quan trọng.

- Đại dịch Covid-19 khiến chính phủ, doanh nghiệp nhìn lại sự cần thiết của chuỗi cung ứng bền vững và có khả năng chống chịu. Ông có nghĩ Việt Nam có các yếu tố để thu hút chuỗi cung ứng?

- Vì Covid-19, nhiều công ty nhận ra việc tập trung vào một nước là quá nguy hiểm. Việt Nam có vì trí địa lý và sự ổn định. Với việc EVFTA được thông qua, Việt Nam có hầu hết yếu tố để các công ty đến đây.

Tôi nghĩ phần còn lại phụ thuộc vào chính phủ Việt Nam. Nhà đầu tư sẽ không đến chỉ vì mời gọi hoặc giảm thuế, mà họ sẽ đến nơi có môi trường đầu tư tốt nhất.

Chính phủ Việt Nam nên cải thiện sự minh bạch và dễ đoán trong việc định nghĩa các quy tắc, và tinh giản thủ tục hành chính - những yếu tố quan trọng trong quyết định của nhà đầu tư.

Tôi nghĩ chính phủ hiểu điều này và đang cố gắng thực hiện. Nếu làm được vậy, Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất của khu vực.

- Kinh tế số được nhắc đến nhiều trong thế giới hậu Covid-19. Đâu là cơ hội và thách thức cho chuyển đổi số ở Việt Nam?

- Chúng ta đều đang số hóa, trở thành người tiêu dùng số, công dân số. Chúng ta mua hàng online, phỏng vấn nhau online. Đó sẽ là thế giới mới: thế giới hậu Covid-19.

EU và Việt Nam có thể tìm thêm cách hợp tác mà tốt nhất là nên tạo điều kiện cho quá trình này. Chẳng hạn cần đơn giản hóa quy tắc, giảm thủ tục hành chính. Hoặc lĩnh vực thương mại cần rất nhiều chứng nhận và giấy tờ, thì ta có thể giảm bớt bằng công nghệ số.

Thực thi EVFTA cần thời gian

- Ông từng nói lợi ích từ EVFTA sẽ phụ thuộc vào quá trình thực thi hiệp định, cải cách, và FDI sẽ không đến Việt Nam chỉ vì giảm thuế. Sau vài tháng hiệp định có hiệu lực, ông có bình luận gì về tiến trình thực thi và cải cách?

- Cần thời gian để cải cách và thực thi hiệp định phức tạp như vậy, không thể làm được gì chỉ sau một đêm. Đại dịch cũng khiến tiến trình chậm đi. Vì vậy hiện còn quá sớm để đánh giá.

Trong quá trình hợp tác thúc đẩy thực hiện, chúng tôi gặp một chút trở ngại nhỏ nhưng đã cố giải quyết. Đó là điều bình thường khi làm cái mới. Chẳng hạn, một số loại giấy tờ mà chúng tôi thấy là không cần thiết nữa thì chúng tôi sẽ đề nghị chuyển sang dạng số. Hãy cùng nhau giải quyết vấn đề.

- Các hàng rào thuế quan có đang được giảm theo đúng lộ trình?

- Chắc chắn rồi. Ngay từ ngày đầu tiên, thuế đánh lên 71% hàng Việt xuất khẩu sang châu Âu giảm còn 0. Lượng hàng Việt Nam xuất sang cũng phản ánh điều đó.

Các hàng rào thuế quan còn lại với hàng thủy sản, giày dép, dệt may xuất từ Việt Nam cũng sẽ dần được gỡ bỏ trong 7 năm tới theo kế hoạch.

Cuộc họp qua video giữa EU và ASEAN bàn về dịch Covid-19 hồi tháng 3. Theo ông Aliberti, đại dịch làm chậm việc thực thi các hiệp định EVFTA và FPA. Ảnh: Phái đoàn EU.

- Theo ông, Việt Nam đã làm những gì để cải thiện tiêu chuẩn lao động nhằm thực thi hiệp định EVFTA?

- Khi đàm phán EVFTA, một vấn đề quan trọng là tiêu chuẩn lao động. Chúng tôi vui mừng khi thấy chính phủ thông qua hai công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) trong giai đoạn 2019-2020.

Công ước thứ ba, theo kế hoạch, sẽ được thông qua vào năm 2023. Một số yếu tố của công ước này đã được bao gồm trong Luật Lao động mới sẽ có hiệu lực ngày 1/1/2021.

Phía chính phủ Việt Nam đã thể hiện nhiều cam kết và chúng tôi đang tiếp tục khuyến khích việc thực thi. Một số vấn đề gặp chút trì hoãn, nhưng chúng tôi cố thảo luận giải pháp thực thi cụ thể. Phía chính phủ Việt Nam đang đón nhận một cách tích cực.

- Như ông vừa nói, hiệp định EVFTA không chỉ là về giảm thuế, mà còn là cách nhìn của Việt Nam đối với sự minh bạch và dễ đoán trong các quy định. EU trông đợi gì từ Việt Nam về điều này?

- Minh bạch không phải là chủ đề dễ dàng, không chỉ ở đây mà trên khắp thế giới. Đây là chủ đề đòi hỏi thay đổi cách nghĩ, thay đổi quan điểm khá nhiều.

Về sự dễ đoán trong các quy định sẽ phụ thuộc vào cách cơ cấu của chính phủ, vì vậy đòi hỏi nhiều nỗ lực. Chúng tôi vẫn thúc đẩy, và quan trọng nhất là chính phủ Việt Nam cũng hoàn toàn hiểu tầm quan trọng của việc này.

Việc thực thi tất nhiên không thể hoàn thành ngày một ngày hai, nhưng tôi tin chắc chúng ta sẽ đến đích.

Một phiên họp của Nghị viện châu Âu hồi tháng 10 ở Brussels, Bỉ. Ảnh: Reuters.

Thủ tục hành chính vẫn khá nặng, chúng tôi vui mừng mỗi khi thấy một lớp thủ tục được bỏ bớt, khi một số giấy tờ và chứng nhận được giảm tải.

Việt Nam rất cần có thứ hạng tốt trong các chỉ số thuận lợi kinh doanh. Chính phủ cũng muốn tinh giản hóa thủ tục hành chính, vì vậy chúng ta đang đi cùng hướng. Không chỉ vì chúng tôi, các công ty châu Âu, mà còn vì lợi ích của chính người dân và doanh nghiệp Việt Nam.

Các doanh nghiệp lớn có thể vượt qua thủ tục hành chính, nhưng doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ khó hơn. Nếu tăng cường sự minh bạch thuận lợi hơn cho họ, từ đó tạo việc làm mới cho khoảng 1,5 triệu người trẻ bước vào lực lượng lao động mỗi năm.

- Sau EVFTA, các ý kiến lạc quan nói đầu FDI chất lượng cao từ châu Âu có thể đến Việt Nam. Đâu là những lợi thế và thách thức trong việc thu hút FDI từ châu Âu?

- Việt Nam đã có tiềm năng về dân số và vị trí địa lý lý tưởng. Những thế mạnh khác như sự ổn định chính trị và tiềm lực kinh tế.

Thách thức là những xu hướng tương lai khó đoán định như đại dịch, hay toàn cầu hóa bị phản đối. Kế đến là bất đồng ngôn ngữ.

Tôi vừa tới thăm một khu công nghiệp ở Hải Phòng. Phải nói là khá ấn tượng khi thấy họ đầu tư thời gian, công sức vào việc đơn giản hóa thủ tục, vì nếu (doanh nghiệp) đứng một mình thì không làm được. Doanh nghiệp (châu Âu) nhỏ và vừa thì có thể không vào được (khu công nghiệp đó), sẽ khó hơn cho họ.

- Cuối tháng 10 vừa rồi là tròn một năm bi kịch 39 người di cư bất hợp pháp Việt Nam bị chết trên xe container ở Essex, Anh. Đã có những thay đổi lớn nào để ngăn thảm kịch như vậy trong tương lai?

- Thay đổi cần có thời gian, và cần phải kết hợp một số yếu tố. Về cơ bản, chúng ta cần một chiến lược nhiều mặt nhưng thống nhất.

Việc đầu tiên là phải nâng cao nhận thức về rủi ro, phải cho người ta biết là họ có cơ hội tạo dựng cuộc sống ở Việt Nam, chứ không phải liều mạng ở châu Âu hay nơi khác. Đó là lý do EU luôn cố gắng hỗ trợ phát triển bền vững.

Thứ hai là cần ngăn chặn để cho không có các nhóm bất hợp pháp trục lợi. Chúng tôi muốn thảo luận thêm với chính phủ, tìm cách hợp tác chống buôn bán người, và đang chứng kiến một số hợp tác giữa các cơ quan chấp pháp.

- Nhiều nước châu Âu đã giảm hoặc ngừng hỗ trợ cho Việt Nam sau khi Việt Nam vào nhóm thu nhập trung bình. Liệu các viện trợ của EU sẽ tiếp tục ở dạng không hoàn lại?

- Chúng tôi dự kiến là không hoàn lại, nhưng không biết chính xác bao nhiêu.

Khi một nước phát triển hơn thì sẽ cần ít viện trợ hơn, vì sẽ có các nước khác cần tiền hơn. Nhưng quan điểm hiện giờ của chúng tôi là muốn tiếp tục viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam.

 

Theo Zing
Cùng chuyên mục
Tin khác