Đạt tốc độ tăng trưởng 65%, tín dụng tiêu dùng 2017 'vượt mặt' 2016

Duy Phan - 28/12/2017 10:26 (GMT+7)

(VNF) - Trong khi tín dụng năm 2017 ước tăng khoảng 18,7 - 19,3%, thì tín dụng tiêu dùng tăng tới 65%. Tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng dư nợ đã được nâng từ mức 12,3% lên 18%.

VNF
Trong khi tín dụng năm 2017 ước tăng khoảng 18,7 - 19,3%, thì tín dụng tiêu dùng tăng tới 65%.

Theo Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính năm 2017 do Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) công bố, cho vay tiêu dùng vẫn tiếp tục đà tăng trưởng từ cuối năm 2015 với tốc độ tăng trưởng đạt 65%, trong khi năm 2016 là 50,2%.

Trong khi đó, tín dụng năm 2017 ước tăng khoảng 18,7 - 19,3%, nhìn chung tương đương với mức 19% của năm 2016. Tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng dư nợ tăng từ 12,3% (năm 2016) lên 18% năm 2017.

Trong đó, cho vay để mua, sửa chữa nhà ở tiếp tục chiếm tỷ trọng chính (52,9%) và tăng trưởng mạnh nhất tới 76,5%. Cho vay trang thiết bị gia đình và phương tiện đi lại ước tăng lần lượt 6,5% và 35,2%.

NFSC cũng đánh giá thị phần tín dụng tiêu dùng của nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước đã tăng mạnh từ 39% lên 45,7% cuối 2017. Trong khi các ngân hàng thương mại cổ phần và công ty tài chính lại giảm nhẹ tỷ trọng (từ mức 47% năm 2016 xuống còn 42% năm 2017).

Đại diện NFSC cho biết nguyên nhân tín dụng tiêu dùng tăng cao chủ yếu do dân số trẻ và dân số thành thị tăng cao khiến gia tăng nhu cầu về nhà ở. Đồng thời, do người dân chuyển dần từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán qua ngân hàng, và có xu hướng sẵn sàng vay nợ cho các nhu cầu của đời sống.

NFSC dự báo trong thời gian tới, tín dụng tiêu dùng vẫn là một trong những mảng hoạt động "tiềm năng và chiến lược" của các TCTD và dự báo tăng trưởng cao.

Báo cáo cũng đánh giá thị trường tiền tệ năm 2017 khá ổn định và dòng vốn tín dụng vào mục tiêu sản xuất kinh doanh nhiều hơn. Thị trường ngoại hối và tỷ giá ổn định giúp hỗ trợ xuất khẩu và tăng dự trữ ngoại hối ở mức kỷ lục 47 tỷ USD. 

Quá trình tái cơ cấu đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng như: Quốc hội thông qua Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Hệ thống ngân hàng đã tự xử lý khoảng 70.000 tỷ đồng nợ xấu, tăng 40% so với năm 2016. Lợi nhuận của hệ thống ngân hàng thương mại tăng lên trên 40%, tạo điều kiện giảm lãi suất trong thời gian tới.

Báo cáo của NFSC dự báo sang năm 2018 tăng trưởng kinh tế thế giới và thương mại tiếp tục được duy trì song ở mức độ không nhiều như năm 2017, giá cả hàng hóa thế giới ít biến động; chính sách tiền tệ dần thắt chặt, chính sách tài khóa tiếp tục chú trọng cải cách thuế và kiểm soát chi tiêu.

Tuy nhiên, NFSC dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục duy trì tốc độ ở mức 6,5%-6,8% nhờ khu vực tư nhân khởi sắc mạnh và là động lực quan trọng. Nếu các chính sách từ phía cung phát huy hiệu quả tích cực thì tăng trưởng kinh tế 2018 có thể đạt mức 6,8%. 

Trong khi đó, nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô sẽ được tạo điều kiện thuận lợi do yếu tố giá hàng hóa thế giới ít biến động, tỷ giá ổn định. Lạm phát có thể tiếp tục được kiểm soát ở mức dưới 5%.

Cùng chuyên mục
Tin khác