Diễn đàn VNF

Dự thảo nghị định của Bộ Công an: Nhiều quy định bất hợp lý, gây tốn kém cho doanh nghiệp

(VNF) – Theo VCCI, việc Bộ Công an đưa Phụ lục IV và Điều 15.1.d vào dự thảo nghị định thay thế Nghị định 79/2014/NĐ-CP là trái với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Dự thảo nghị định của Bộ Công an: Nhiều quy định bất hợp lý, gây tốn kém cho doanh nghiệp

Ảnh minh họa

VCCI vừa có văn bản góp ý dự thảo nghị định thay thế Nghị định 79/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy (gọi tắt là dự thảo).

Tại văn bản này, VCCI đã đề nghị Bộ Công an loại bỏ hàng loạt quy định trong dự thảo.

Phụ lục IV và Điều 15.1.d trái luật

Điều 3.4 của dự thảo quy định về Phụ lục IV - Danh mục cơ sở thuộc diện phải thông báo với cơ quan công an về việc bảo đảm các điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy trước khi đưa vào sử dụng.

Điều 15.1.d của dự thảo quy định đối với các cơ sở quy định tại Phụ lục IV trước khi đưa vào hoạt động, người đứng đầu cơ sở phải thông báo với cơ quan công an về việc bảo đảm các điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy.

Tuy nhiên, theo VCCI, Luật Phòng cháy và chữa cháy không giao cho Chính phủ ban hành danh mục này.

Trong khi đó, Điều 11.1 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: “Văn bản quy định chi tiết chỉ được quy định nội dung được giao”.

“Như vậy, việc đưa Phụ lục IV và Điều 15.1.d vào dự thảo nghị định này là chưa phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, VCCI chỉ rõ.

Theo VCCI, quy định trên không chỉ trái luật mà còn tạo ra nghĩa vụ không cần thiết cho một số chủ thể, khi cơ sở của họ vừa thuộc Phụ lục IV lại vừa thuộc Phụ lục V.

“Những chủ thể này có trách nhiệm thực hiện thủ tục nghiệm thu, kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Điều 16 dự thảo, ví dụ bệnh viện đa khoa từ 5 tầng trở lên (Phụ lục IV.2 và Phụ lục V.3), chợ kiên cố có tổng diện tích kinh doanh từ 1500m2 trở lên (Phụ lục IV.3 và Phụ lục V.6)… Do vậy, việc yêu cầu các chủ thể này thực hiện thêm thủ tục thông báo đảm bảo các điều kiện an toàn là không cần thiết”, VCCI phân tích và đề nghị Bộ Công an loại bỏ Phụ lục IV và Điều 15.1.d của dự thảo.

Điều 14.1 quy định bất hợp lý, gây tốn kém không cần thiết cho doanh nghiệp

Điều 14.1 của dự thảo quy định “Việc lập đồ án quy hoạch, hồ sơ thiết kế xây dựng dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này phải do đơn vị có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 42 của Nghị định này thực hiện và phải được thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy”.

Theo VCCI, quy định này khiến cho chủ đầu tư bắt buộc phải thuê một đơn vị kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy để thiết kế dự án mà không thể tự làm việc này.

“Quy định như vậy là bất hợp lý, gây tốn kém không cần thiết cho doanh nghiệp”, VCCI nhận xét.

VCCI cho rằng bản chất thủ tục thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy là việc cơ quan nhà nước xem xét tính phù hợp với thiết kế công trình so với các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định về phòng chảy chữa cháy.

Nếu một chủ đầu tư có kinh nghiệm (hoặc đã thuê dịch vụ thiết kế kiến trúc) có thể tự tin rằng thiết kế của mình phù hợp và nếu cơ quan thẩm duyệt thấy rằng thiết kế đó phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định về phòng cháy chữa cháy thì không có lý do gì để từ chối phê duyệt thiết kế.

“Việc có hay không thuê dịch vụ là quyền của chủ đầu tư, không nên coi đây là nghĩa vụ bắt buộc”, VCCI nhấn mạnh và đề nghị cơ quan soạn thảo bãi bỏ quy định nêu trên tại Điều 14.1 của dự thảo.

“Góp ý này đi kèm với việc bỏ yêu cầu bắt buộc thành phần hồ sơ gồm bản sao giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh và hồ sơ năng lực của đơn vị cung cấp dịch vụ phòng cháy chữa cháy tại các Điều 14 và mẫu đơn PC19 tại Phụ lục dự thảo”, VCCI đề nghị thêm.

Điều 15.6 không có căn cứ pháp lý

Điều 15.6 dự thảo quy định trách nhiệm không cung ứng dịch vụ điện nước cho dự án, công trình khi chủ đầu tư không cung cấp được văn bản thẩm duyệt thiết kế phòng cháy, chữa cháy.

Tuy nhiên, VCCI chỉ ra rằng Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 không quy định biện pháp này là một biện pháp xử lý hay biện pháp khắc phục hậu quả. Do vậy, không có căn cứ pháp lý để quy định như trên.

Mặt khác, pháp luật về điện lực (Luật Điện lực, Luật Điện lực sửa đổi, Nghị định 137/2010/NĐ-CP) và pháp luật về tài nguyên nước (Luật Tài nguyên nước, Nghị định 117/2007/NĐ-CP) không có quy định quy định về trách nhiệm này của tổ chức cung ứng điện, nước.

Thậm chí, điện và nước được coi là dịch vụ công, các đơn vị cung cấp dịch vụ không được phép đơn phương từ chối cung cấp cho khách hàng trừ trường hợp bất khả kháng.

Vì vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định về trách nhiệm của tổ chức cung ứng dịch vụ điện, nước.

Điều 18.10.c không có căn cứ pháp lý, ít có khả năng thực thi trên thực tế

Điều 18.10.c dự thảo quy định: “Cơ quan quản lý nhà nước không cấp phép đầu tư xây dựng dự án, công trình mới cho chủ đầu tư có công trình đang bị đình chỉ hoạt động”.

VCCI cho rằng quy định này mâu thuẫn với các quy định trong hệ thống văn bản pháp luật.

Cụ thể, Luật Xây dựng 2014 không có quy định về việc chủ đầu tư bị đình chỉ hoạt động do vi phạm an toàn phòng cháy chữa cháy là một căn cứ để từ chối cấp giấy phép đầu tư mới.

Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 cũng không quy định biện pháp này là một hình thức xử phạt hay biện pháp khắc phục hậu quả. Do vậy, không có căn cứ pháp lý cho quy định trên.

Ngoài ra, quy định này ít có khả năng thực thi trên thực tế. “Doanh nghiệp có thể đơn giản ‘lách’ biện pháp này bằng cách thành lập một pháp nhân mới, công ty con để xin cấp phép cho đầu tư xây dựng dự án hoặc công trình mới”, VCCI chỉ ra. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.

Đề nghị bãi bỏ các thành phần hồ sơ không liên quan

Điều 14.4.b dự thảo quy định hồ sơ đề nghị thẩm duyệt thiết kế cơ sở của dự án, công trình cần phải có 3 loại giấy tờ.

Một là bản sao quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công hoặc văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án sử dụng vốn khác (nếu có)

Hai là bản sao văn bản quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 (quy hoạch 1/2.000 đối với khu công nghiệp quy mô trên 20 ha) được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc bản sao văn bản chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp

Ba là đơn theo mẫu PC19 tại Phụ lục của dự thảo. Mục II của Mẫu đơn này yêu cầu danh mục hồ sơ gửi kèm, trong đó có nhiều hồ sơ không nằm trong quy định tại Điều 14.4.b như dự toán xây dựng công trình.

VCCI tái khẳng định mục đích của việc thẩm duyệt thiết kế về PCCC là nhằm bảo đảm thiết kế đó phù hợp với các quy định về an toàn PCCC của công trình. Cơ quan PCCC chỉ xác nhận sự phù hợp của thiết kế đối với quy định về PCCC. Cơ quan PCCC không cần thiết phải giám sát việc chủ đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư chưa (trách nhiệm của cơ quan quản lý đầu tư) hay việc đất xây dựng công trình có quyền sử dụng hợp pháp hay không (trách nhiệm của cơ quan đất đai).

Do đó, “việc yêu cầu hồ sơ có dự toán xây dựng công trình cũng không cần thiết, vì nếu thiết kế công trình đã phù hợp với quy định về PCCC thì việc doanh nghiệp dự toán không có dự toán không thể là căn cứ để cơ quan nhà nước từ chối phê duyệt thiết kế”, VCCI nhấn mạnh.

VCCI đề nghị Bộ Công an rà soát lại thành phần hồ sơ, bãi bỏ các thành phần hồ sơ không liên quan đến mục tiêu của thủ tục thẩm duyệt thiết kế tại Điều 14 và mẫu đơn PC19 của dự thảo.

Ngoài ra, VCCI cũng đề nghị dự thảo loại bỏ Điều 9 khỏi dự thảo (quy định về cấp giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm cháy, nổ). Nguyên nhân là Bộ Giao thông vận tải đang sửa hai nghị định về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm. Vì thế, việc dự thảo quy định nội dung này sẽ có thể dẫn đến tình trạng không thống nhất giữa các văn bản pháp luật.

Xem toàn văn góp ý của VCCI tại đây

Tin mới lên