F88: Doanh thu 9 tháng đạt hơn 1.310 tỷ đồng, thu nhập ròng 61,7 tỷ đồng

Hải Đường - 17/11/2022 14:25 (GMT+7)

(VNF) - FiinRatings vừa công bố báo cáo xếp hạng Công ty Cổ phần Kinh doanh F88, tiết lộ kết quả kinh doanh 9 tháng của công ty này.

VNF
'Thị trường trái phiếu chững lại, F88 có thể gặp khó khăn khi xoay vòng vốn cho các khoản nợ trong trung hạn'

Theo báo cáo xếp hạng vừa được FiinRatings công bố, doanh thu của Công ty Cổ phần Kinh doanh F88 đang dần được đa dạng hóa nhờ vào đóng góp ngày càng tăng của thu nhập ngoài lãi, đặc biệt là đến từ kinh doanh bảo hiểm.

Cụ thể, trong 9 tháng năm 2022, doanh thu từ bảo hiểm ghi nhận 217,5 tỷ đồng, chiếm 16,6% tổng doanh thu. Đặc biệt, 42% hợp đồng bảo hiểm được bán độc lập với các khoản cho vay.

FiinRatings đánh giá nguồn thu nhập đến từ kinh doanh bảo hiểm của F88 là tiềm năng trong môi trường lãi suất cao hiện nay, có tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh cho vay của công ty này.

“Các dịch vụ bảo hiểm của F88 cũng đa dạng về điều khoản và loại bảo hiểm, từ bảo hiểm xe cộ, tài sản đến bảo hiểm sức khỏe và nhân thọ… Điều này thể hiện năng lực bán hàng và cam kết của công ty trở thành một trong những nhà phân phối bảo hiểm hàng đầu tại Việt Nam”, báo cáo của FiinRatings nêu rõ.

Với kết quả về doanh thu bảo hiểm của F88 như FiinRatings đã tiết lộ, theo tính toán của VietnamFinance, tổng doanh thu của F88 trong 9 tháng năm 2022 có thể đạt hơn 1.310 tỷ đồng.

Trong ba quý đầu năm 2022, F88 ghi nhận tỷ suất thu nhập lãi thuần (NIM) là 36,5% (ước tính cả năm là 48,6%), thấp hơn so với con số 51,3% của năm 2021.

Với cấu trúc chi phí ổn định thể hiện qua tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ổn định ở mức xấp xỉ 78% và nguồn thu nhập đến từ phân phối bảo hiểm, thu nhập ròng trong ba quý đầu năm 2022 của F88 là 60,7 tỷ đồng, với tỷ lệ lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) từ đầu năm đến hiện tại là 10,3%.

Tính đến quý III/2022, tổng dư nợ cho vay sau điều chỉnh là 3.357,5 tỷ đồng, đã bao gồm khoảng 800 tỷ đồng là các khoản cho vay ngoại bảng (cấp vốn bởi CIMB).

“Tỷ lệ giải ngân của các khoản này cao hơn nhiều so với dự phóng trước đây của chúng tôi là 400 tỷ đồng, thể hiện khả năng kết hợp tốt giữa CIMB và F88, tạo tiền đề cho sự hợp tác tương tự trong tương lai với các tổ chức tín dụng khác”, báo cáo nêu rõ.

Tính đến cuối quý III/2022, tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu của F88 ở mức 4,2 lần. Theo FiinRatings, mặc dù chỉ số này vẫn dưới mức giới hạn mà các tổ chức cho vay nước ngoài yêu cầu là 5 lần, nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với số liệu dự phóng là 2,2 lần.

Về vốn chủ sở hữu, F88 đang làm việc với các nhóm nhà đầu tư và dự kiến sẽ huy động thêm vốn chủ trong quý IV/2022. FiinRatings cho rằng khả năng F88 huy động vốn chủ sở hữu kịp thời và đầy đủ để tài trợ cho các kế hoạch tăng trưởng cũng như để duy trì hồ sơ rủi ro tài chính sẽ là yếu tố quan trọng nhằm theo dõi xếp hạng tín nhiệm của công ty trong tương lai.

Với việc công ty duy trì chính sách xóa sổ các khoản vay quá hạn trên 90 ngày, tổng chi phí tín dụng trong quý III/2022 được ghi nhận khoảng 200 tỷ đồng, tương đương 8% tổng dư nợ cho vay bình quân (bao gồm cả số dư từ nguồn CIMB), giảm nhẹ so với số liệu năm 2021.

Trong ba quý của năm 2022, tỷ lệ thu hồi tăng lên 36,9% của các khoản cho vay đã xóa sổ, gấp đôi tỷ lệ năm 2021, do hoạt động thu hồi nợ trở lại bình thường sau thời gian dài giãn cách xã hội vào năm 2021.

FiinRatings cho biết tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản (LTV) của F88 được giới hạn ở mức 80% theo như giao ước với các chủ nợ nước ngoài, nhưng F88 thường giữ tỷ lệ này ở mức 65-70% nhằm giảm rủi ro và tăng khả năng thu hồi trong trường hợp các khoản vay phát sinh nợ xấu.

F88 đã huy động thành công một khoản vay trị giá 50 triệu USD (1.200 tỷ đồng) thời hạn một năm từ một tổ chức cho vay quốc tế và mới được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận cho một khoản vay bốn năm với hạn mức tương tự từ tổ chức cho vay quốc tế này để kéo dài kỳ hạn cho khoản vay hiện tại.

Đối với nguồn vốn ngoại bảng, hạn mức với CIMB đã được tăng lên 60 triệu USD (1.440 tỷ đồng), hơn 40% so với hạn mức 1.000 tỷ đồng trước đó. Ngoài ra, F88 đang làm việc với CIMB để tăng hạn mức lên 125 triệu USD (3.000 tỷ đồng) trong năm 2023 và cũng đang trong quá trình đàm phán với các ngân hàng khác để xây dựng các nguồn vốn ngoại bảng tương tự.

Về trung hạn, FiinRatings cho rằng, khả năng huy động vốn của F88 có thể bị ảnh hưởng bởi các điều kiện kinh tế vĩ mô xấu đi cũng như bởi những thay đổi pháp lý và những gián đoạn trên thị trường vốn.

Tỷ giá hối đoái USD/VND đã tăng hơn 9% kể từ đầu năm và Ngân hàng Nhà nước đã tăng lãi suất cơ bản tổng cộng 2% nhằm kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế.

“Theo quan điểm của chúng tôi, việc lãi suất tăng và diễn biến bất lợi của tỷ giá sẽ có những tác động tiêu cực đến biên lợi nhuận của F88 do chi phí lãi vay cao hơn cho các khoản nợ mới và do chi phí phòng ngừa rủi ro tỷ giá hối đoái gia tăng”, FiinRatings cho biết.

Theo FiinRatings, thị trường vốn, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang trải qua một giai đoạn chững lại do những trường hợp sai phạm gần đây của một số tổ chức phát hành, khiến nhu cầu của các nhà đầu tư đối với trái phiếu doanh nghiệp có sự sụt giảm. Ngoài ra, Nghị định 65 được ban hành vào quý III/2022 đã thắt chặt hơn việc chào bán và phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp.

Do kênh dẫn vốn này là một trong những nguồn huy động chính của F88 trong những năm gần đây, FiinRatings cho rằng trong trung hạn, F88 có thể sẽ gặp phải một số khó khăn trong việc huy động mới vốn nợ trong nước và/hoặc xoay vòng vốn cho các khoản nợ hiện tại.

FiinRatings nhận định khả năng thanh khoản của F88 sẽ duy trì ở mức vừa phải trong 12 tháng tới. Việc NHNN chấp thuận khoản vay dài hạn từ một tổ chức cho vay quốc tế về cơ bản đã làm giảm đáng kể áp lực trả nợ cho năm 2023 của F88. Trong kịch bản xấu với các giả định rằng F88 không huy động được vốn chủ sở hữu và nợ vay mới trong năm tới, công ty này vẫn có khả năng duy trì được thanh khoản ở mức vừa phải.

Cùng chuyên mục
Tin khác