Fintech không nên quá phụ thuộc dòng vốn ngoại

Nguyễn Long - 17/02/2020 08:36 (GMT+7)

NHNN dự kiến không đưa tỷ lệ giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài là 49% vào Dự thảo Nghị dịnh sửa đổi Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt. Ông Đinh Hồng Sơn - Tổng Giám đốc Công ty CP Tài chính Thế hệ mới FinanceX đã chia sẻ quan điểm của mình xung quanh vấn đề này.

VNF
Ông Đinh Hồng Sơn - Tổng Giám đốc Công ty CP Tài chính Thế hệ mới FinanceX.

- Thưa ông, việc dự kiến bỏ tỷ lệ giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các trung gian thanh toán sẽ tác động như thế nào đến việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam?

Ông Đinh Hồng Sơn: Trong khoảng 5 năm trở lại đây, hoạt động trung gian thanh toán đang thay đổi một cách nhanh chóng, mặc dù chưa thể so sánh được với các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore… nhưng có thể thấy được sự chuyển mình mạnh mẽ trong nhận thức và cách tiêu dùng tiền mặt của người dân. Việc dự kiến bỏ tỷ lệ giới hạn sở hữu (49%) cho nhà đầu tư nước ngoài tại các trung gian thanh toán cũng là một chất xúc tác đẩy nhanh và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thanh toán không tiền mặt ngày một phát triển.

Fintech không nên quá phụ thuộc dòng vốn ngoại

Chúng ta dễ dàng nhận ra rằng, để thay đổi các phương thức thanh toán cũng như thói quen sử dụng tiền mặt của người tiêu dùng là không đơn giản với một quốc gia vốn có truyền thống lâu đời sử dụng tiền mặt là phương tiện thanh toán chính. Đây là cuộc chiến dài hơi cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán để tạo ra môi trường thanh toán không tiền mặt. Các doanh nghiệp này thực sự cần có tiềm lực tài chính vững chắc, năng lực quản lý tốt và một khả năng nắm bắt xu thế nhanh thì mới có thể tồn tại và góp phần tạo ra thị trường thanh toán không tiền mặt thành công.

Khi được gỡ bỏ tỷ lệ giới hạn sở hữu vốn ngoại tại các trung gian thanh toán, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có nhiều điều kiện, thậm chí quan trọng hơn là có mục tiêu, động lực để rót vốn mạnh vào các trung gian thanh toán để đầu tư xây dựng nền tảng và thị trường trung gian thanh toán số.

- Trong Dự thảo, chỉ những trung gian thanh toán thuần túy mới không chịu giới hạn room ngoại, còn các Fintech khác vẫn chịu tỷ lệ giới hạn room ngoại theo quy định của từng ngành nghề. Theo ông, quy định này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các doanh nghiệp này?

Có thể dễ dàng thấy rằng nguồn vốn đầu tư ngoại luôn lớn hơn nhiều lần so với nguồn vốn trong nước đầu tư vào khởi nghiệp, đặc biệt là Fintech. Mặc dù Chính phủ và các tổ chức trong nước đã rất nỗ lực hỗ trợ tài chính nhiều hơn cho các Fintech trong những năm qua, nhưng dòng vốn từ các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp lớn từ các nước phát triển đổ về Việt Nam ngày một lớn, cho thấy sự hấp dẫn của các startup Fintech tại Việt Nam lớn như thế nào.

Việc vẫn duy trì tỷ lệ giới hạn room ngoại tại các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hoạt động đa ngành, nghề sẽ làm hạn chế nhiều khả năng phát triển của các doanh nghiệp này trong việc gọi vốn từ các nhà đầu tư quốc tế. Các doanh nghiệp này sẽ không có được nguồn vốn tài chính tốt nhất, khó khăn hơn để thu hút nhân tài, dẫn đến không cạnh tranh được với các tổ chức trung gian thanh toán thuần túy trong nước, cũng như các Fintech trong khu vực và thế giới.

Mặc dù vậy, các doanh nghiệp này cũng có được những điều kiện thuận lợi sau đây:

Thứ nhất, tự thân doanh nghiệp sẽ phải chủ động trong việc quản lý hiệu quả nguồn vốn, tài chính, hoạt động vì họ nắm giữ quyền quyết định, khi tự mình chủ động thì doanh nghiệp sẽ tự lớn mạnh và phát triển lành mạnh, bền vững hơn.

Thứ hai, doanh nghiệp không bị chi phối đường hướng, áp lực quá lớn có thể làm hỏng giá trị cốt lỗi của mình từ nhà đầu tư ngoại. Điều này xảy ra nhiều với các startup sau khi nhận được nguồn vốn đầu tư vì phải làm theo yêu cầu và ý tưởng của nhà đầu tư ngoại mà quên đi sự phát triển theo định hướng cốt lõi ban đầu.

Tuy nhiên, có nhiều trường hợp nhà đầu tư ngoài chỉ sở hữu phần nhỏ cổ phần nhưng họ vẫn có thể chi phối, và ngược lại có trường hợp nhà đầu tư ngoại sở hữu hơn 50% cổ phần nhưng chỉ đơn giản rót tiền mà không can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp.

Tôi cho rằng, điều quan trọng nhất của mọi sự hợp tác là Win-Win và doanh nghiệp cần có một người lãnh đạo luôn giữ vững tay chèo để lèo lái doanh nghiệp theo con đường đã định trước đó.

- Theo ông, ngoài nguồn vốn, đặc biệt là vốn ngoại, cần có giải pháp gì để tạo điều kiện cho các Fintech phát triển bền vững?

Đã có rất nhiều Fintech được rót vốn ngoại rất lớn nhưng vẫn thất bại. Tuy nhiên cũng có rất nhiều Fintech chỉ được rót lượng vốn ngoại rất nhỏ nhưng lại thành công rực rỡ. Điều này cho thấy vốn ngoại không phải là yếu tố quyết định đến sự thành công hay thất bại của Fintech, mà quan trọng là sự kết hợp của các yếu tố như định hướng, khả năng quản trị, kinh nghiệm, thị trường, năng lực của người lãnh đạo … và các chính sách của Chính phủ trong việc hỗ trợ và tạo dựng nền tảng phát triển cho doanh nghiệp Fintech. Do đó, các Fintech không nên quá phụ thuộc vào vốn ngoại.

Nhìn chung, các startups cần có nền tảng, có môi trường, cộng đồng và được đặt trong một chiến lược quốc gia về phát triển công nghệ thì mới có thể phát triển lành mạnh, nhanh và bền vững.

Chúng ta cần sự chung tay của tất cả các bên: Từ các trường đại học, viện nghiên cứu, từ các cơ quan đoàn thể, các ban ngành, các tổ chức xúc tiến thương mại, đầu tư và cao nhất là định hướng của Chính phủ về truyền thông, quảng bá cũng như hoạch định chính sách đầu tư phù hợp, hấp dẫn cho khối ngoại nói riêng và các nhà đầu tư trong ngoài nước nói chung. 

Xin cảm ơn ông!

Theo DĐDN
Cùng chuyên mục
Tin khác