Tài chính tiêu dùng

Giá vàng kỷ lục 77 triệu, có nên ‘ôm’ 4 tỷ tiền dưỡng già đi mua vàng?

Giá vàng tiếp tục biến động mạnh, vọt lên gần 77 triệu đồng/lượng. Chị Minh băn khoăn có nên “ôm” hết 4 tỷ đồng tiền dưỡng già đi mua vàng lúc này hay không.

Giá vàng kỷ lục 77 triệu, có nên ‘ôm’ 4 tỷ tiền dưỡng già đi mua vàng?

Chị Ngô Hồng Minh ở Thanh Trì (Hà Nội) tâm sự, vợ chồng chị có công việc ổn định với thu nhập khá tốt. Thế nên, mỗi năm anh chị đều dư ra một khoản tiền gửi tiết kiệm để dưỡng già sau này. Số tiền đến nay đã lên tới 4 tỷ đồng.   

Năm ngoái, chị gửi ngân hàng kỳ hạn một năm với lãi suất 9%. Dịp này, khoản tiết kiệm đáo hạn, chị đã tham khảo lãi suất tại vài ngân hàng lớn nhưng đều ở mức rất thấp, chỉ hơn 5% cho kỳ hạn này. “Nếu cứ gửi tiết kiệm với mức lãi thấp, tiền lại trượt giá thì sau này không còn bao nhiêu”, chị chia sẻ.

Do đó, gần hai tuần nay, vợ chồng chị tính toán đầu tư gì với số tiền này để vừa an toàn vừa có thể sinh lời tốt.

Chồng chị Minh muốn đầu tư đất. Song, vợ chồng chị dường như không có duyên với đất đai. Cách đây gần chục năm, chồng chị từng mua đất một lần. Chờ 7-8 năm giá tăng không đáng kể đành bán đi. Bán được nửa năm thì đất sốt giá khắp nơi. 

Giá vàng tiến sát 77 triệu đồng/lượng (Ảnh: Tâm An)

 

“Còn tôi thì nghiêng về mua vàng”, chị nói và cho biết, những năm qua, thi thoảng chị vẫn mua vài chỉ vàng. Đến nay, số lượng vàng nắm trong tay không nhiều nhưng có lãi khá cao. 

Dạo gần đây các dự báo đều cho thấy giá vàng sẽ theo chiều hướng tăng mạnh, có thể vọt lên 90 triệu đồng/lượng. Thế nên, chị băn khoăn có nên “ôm” hết 4 tỷ đồng tiền dưỡng già đi mua vàng lúc này hay không. 

Chị tính toán, mua hết vàng, nếu gia đình có việc cần dùng có thể đem bán bớt. Còn không thì tích trữ. Đầu tư đất, trường hợp cần dùng tiền thì khó có thể bán ngay được. 

"Trước đây, tôi không quá quan tâm tới giá khi mỗi lần mua vài chỉ vàng vì đã xác định làm của để dành. Lần này, định ôm khoản tiền lớn đi mua vàng lúc giá đỉnh, tôi sợ rủi ro giá quay đầu giảm", chị chia sẻ.

Chị Lê Thị Bình ở Hoàng Mai (Hà Nội) cũng cân nhắc có nên mua vàng lúc giá 77 triệu đồng/lượng.

Chị có 700 triệu đồng tiền nhàn rỗi. Khoản này dự tính 3 năm nữa để làm chi phí cho con gái đi du học. Giờ đem gửi tiết kiệm thì lãi suất “quá bèo”. Thời điểm giá vàng 73-74 triệu đồng/lượng, chị tính tới mua vàng nhưng vẫn đắn đo sợ mua lúc giá cao. Nay, giá vàng tăng mạnh chị lại tiếc.

Thực tế, những ngày gần đây giá vàng trong nước tăng như vũ bão. Đến sáng sáng 23/12, giá vàng 9999 của SJC tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với kết phiên hôm qua, lên sát mốc 77 triệu đồng/lượng. Đây là mức giá cao chưa từng có của kim loại quý này.

Trong khi đó, giá vàng được dự báo có nhiều dư địa bứt phá ở năm 2024 khi các ngân hàng trung ương ngừng thắt chặt chính sách tiền tệ. Nếu càng nới lỏng, vàng sẽ càng tăng cao hơn vào cuối năm 2024, thậm chí sang đến 2025.

Gần đây, ngân hàng Bank of America kỳ vọng giá vàng sẽ tăng lên 2.400 USD/ounce vào năm 2024. Ngân hàng Saxo của Nhật dự báo vàng sẽ chạm 2.300 USD/ounce.

Nhiều dự báo vàng thế giới sẽ đạt đỉnh trong năm 2024. Giá vàng trong nước, theo đó, có thể lên mức 80-90 triệu đồng/lượng.

Tại Trung Quốc và một số nước, nhiều người tìm đến vàng như một kênh "trú bão" an toàn.

Chuyên gia tài chính TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định, dư địa vàng tăng giá là rất lớn. Theo ông, năm tài khóa sắp kết thúc. Sang năm, tình hình kinh tế sẽ “sáng” hơn, tạo thuận lợi cho thị trường vàng.

Vậy có nên mua vàng khi giá cao như hiện nay? Ông cho rằng, tùy theo tình hình tài chính của mỗi người để đưa ra quyết định, không có quy chuẩn nào để nói tới thời điểm nên mua hay nên bán vàng.

Thị trường vàng biến động khôn lường, chịu tác động bởi nhiều vấn đề, sự kiện. Thế nên, nếu muốn mua vàng, chỉ nên mua 1/3 số tiền mình có. Không bỏ trứng vào một giỏ và phải theo dõi thị trường vào hàng ngày, hàng giờ để tránh rủi ro. Khi mua, cần xác định giữ vàng ít nhất 6 tháng cho tới 1 năm. Không lướt sóng vàng, việc mua đi bán lại “ăn xổi” sẽ rất nguy hiểm, ông Hiếu khuyến cáo.

Tin mới lên