'Giao 2.000 tỷ cho 4 nhà băng sẽ giúp huy động được 66.000 tỷ cho nhà ở xã hội'
Lệ Chi -
14/04/2020 12:17 (GMT+7)
(VNF) - Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nếu gói 2.000 tỷ đồng nhà nước giao cho các ngân hàng thương mại thì các ngân hàng sẽ huy động được nguồn lực khoảng 66.000 tỷ để cho doanh nghiệp vay xây nhà ở xã hội và người dân vay để mua, thuê nhà ở xã hội.
Như VietnamFinance đã đề cập, Chính phủ mới đây đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội, đồng thời bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội.
Không chỉ vậy, Chính phủ còn giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung bất cập tại Nghị định số 100 để trình Chính phủ xem xét, ban hành trong quý IV/2020 theo trình tự thủ tục rút gọn; đề xuất đổi mới phương thức, cơ chế chính sách để giải quyết căn bản nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp.
Ngoài ra, Chính phủ còn yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TP. HCM tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thất, nhất là công nhân.
Sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng kết thúc vào năm 2016, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có hàng loạt văn bản hướng dẫn cho gói vay mới ưu đãi dành cho nhà ở xã hội ở Ngân hàng Chính sách xã hội, song nguồn vốn vẫn ở trạng thái “hãy đợi đấy”.
Có thể thấy, với gói hỗ trợ vừa được Chính phủ nêu ra trong nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 được xem là động thái mới nhằm “giải cứu” cho loại hình nhà ở xã hội bị bế tắc trong mấy năm qua.
Trao đổi với VietnamFinance về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA), đánh giá gói hỗ trợ cho phân khúc nhà ở xã hội vào thời điểm đại dịch Covid-19 là cực kỳ đáng quý, là tín hiệu vui cho nhà đầu tư và cơ hội cho người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội.
Theo ông Châu, Bộ Xây dựng đã có thống kê, từ 1 đồng vốn “mồi” ngân sách đầu tư cho nhà ở xã hội, ngân hàng thương mại đã huy động thêm được 33 đồng khác để đầu tư cho nhà ở xã hội. Như vậy, nếu gói 2.000 tỷ đồng trên mà nhà nước hoàn toàn giao cho 4 ngân hàng thương mại thì các ngân hàng sẽ huy động được nguồn lực khoảng 66.000 tỷ đồng.
“Với nguồn lực lớn này sẽ tạo điều kiện cho chủ đầu tư tiếp cận vay xây dựng nhà ở xã hội và người dân dễ dàng mua, thuê nhà ở xã hội nên sẽ tạo thêm nguồn cung căn hộ”, Chủ tịch HoREA nói.
Chủ tịch HoREA khuyến nghị các doanh nghiệp nên chuyển hướng mạnh mẽ qua phân khúc nhà ở xã hội.
Ông Châu cho biết năm 2019, trung ương đã cấp cho TP. HCM 10 tỷ đồng, Hà Nội khoảng 10 tỷ đồng và phân về cho các địa phương theo cách này. Tuy nhiên, ông nói “10 tỷ đồng cho một thành phố lớn để làm nhà xã hội thì thấm vào đâu”.
Chính vì vậy, Chủ tịch HoREA đánh giá đây là sự quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ trong việc coi phát triển nhà ở xã hội là một trong những chương trình trọng điểm về phát triển nhà ở năm 2020.
Theo ông Châu, từ năm 2016 đến nay, Thủ tướng thường xuyên ban hành những quyết định liên quan đến chính sách về mặt tài chính, tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội nhưng lại tiếc rằng thiếu nguồn vốn và nay bố trí được nguồn vốn là đã giải quyết được điểm nghẽn lớn nhất.
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Chủ tịch HoREA khuyến nghị các doanh nghiệp nên chuyển hướng mạnh mẽ qua phân khúc nhà ở phục vụ nhu cầu thực cho xã hội, trong đó nên chú trọng nhà ở thương mại và nhà ở xã hội.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VnREA) tính toán, nếu cấp 1.000 tỷ với tỷ lệ bù lãi suất vay 3% - 4% thì mỗi năm có thể huy động thêm được 25.000 - 30.000 tỷ cho người vay mua, tạo tính thanh khoản lớn cho nhà ở xã hội.
“Như vậy, nhà nước chỉ mất 1.000 tỷ nhưng lại thu được giá trị trên xã hội là 30.000 tỷ. Với 30.000 tỷ này sẽ giúp được nhiều ngành nghề phát triển như vật liệu xây dựng, nhân công, logistics, nội ngoại thất… đồng thời sẽ kéo theo sự phát triển kinh tế khác nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay thì gói hỗ trợ lãi suất là cần thiết”, ông Đính phân tích.
Theo ông Đính, hiện nguồn cung nhà ở xã hội rất thiếu trong khi nhu cầu thực lớn cho nên cần phải kích thích phát triển loại hình này để ổn định thị trường.
“Chắc chắn rằng sau dịch bệnh, nếu chúng ta phát triển mạnh xây dựng nhà ở xã hội sẽ giúp nền kinh tế sớm phục hồi”, ông nhấn mạnh.
Nhận định về thị trường nhà ở xã hội sau khi gói hỗ trợ được đưa ra, Phó chủ tịch VnREA khẳng định đây sẽ là động lực kích thích các nhà phát triển tham gia vào dự án nhà ở xã hội.
“Trước đây các nhà phát triển không mặn mà với nhà ở xã hội bởi vì không có vốn, nhưng sắp tới sẽ có nhiều doanh nghiệp làm phân khúc này bởi nhà ở xã hội đang vô cùng khan hiếm”, ông Đính nhìn nhận.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.