'Hãy coi ngân hàng yếu kém như cô gái bệnh tật muốn gả được chồng'
Nguyễn Thoan -
22/11/2017 11:50 (GMT+7)
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD Quốc hội vừa nhấn nút thông qua. Thống đốc NHNN cũng mới kết thúc 2 ngày ngồi "ghế nóng" giải trình trước Quốc hội về các vấn đề khó khăn đang đặt ra cho ngành ngân hàng.
Trả lời Nhadautu.vn, TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nêu quan điểm:
"Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu đã có hiệu lực từ ngày 15/8/2017 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD vừa được thông qua. Luật sửa đổi bổ sung tập trung vào vấn đề giám sát đặc biệt của các TCTD, quy chế chuyển giao bắt buộc, cuối cùng cho chuyển giao phá sản. Đây là sự kết hợp của Luật Phá sản năm 2014 và Luật Bảo hiểm tiền gửi.
Như vậy, tới thời điểm này, chúng ta mới đồng bộ được 3 Luật trên, tạo hành lang pháp lý cho tái cơ cấu các TCTD tốt hơn thời gian trước. Điều này vừa tạo cho cơ quan quản lý nhà nước công cụ pháp lý để thực hiện công việc, đồng thời nó là tín hiệu mạnh mẽ tác động lên các chủ sở hữu của các NHTM.
Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Các TCTD đặt ra yêu cầu các đồng sở hữu ở các NHTM dù có ít cổ phiếu, nhiều cổ phiếu hay có cổ phiếu chi phối đều phải có trách nhiệm hơn với đồng tiền của mình.
Cụ thể, họ thực hiện quyền năng giám sát, chủ sở hữu với những người điều hành quản lý thông qua hoạt động của ban kiểm soát nội bộ, đại hội cổ đông, báo cáo tài chính, chứ không phải chỉ bỏ tiền ra đầu tư rồi không quan tâm tới số tiền đó nữa.
Có lẽ chúng ta mới chỉ quen với việc nhận cổ tức chứ chưa quen với việc ngân hàng phá sản. Nên chúng ta đang đòi hỏi nhà nước phải đứng ra bảo vệ quyền lợi cổ đông nhỏ lẻ, điều này không phù hợp với nền kinh tế thị trường".
- Xung quanh câu chuyện bảo hiểm tiền gửi, có nhiều ý kiến trái chiều, người cho rằng mức bảo hiểm chi trả 75 triệu/1 người/ 1 ngân hàng là quá ít so với thực tế phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam, ông bình luận gì về vấn đề này?
TS Nguyễn Đức Kiên: Chúng ta đã có Luật Bảo hiểm tiền gửi, quy định mức chi trả cho các cá nhân, thể nhân khi tổ chức tín dụng họ gửi tiền bị phá sản. Luật quy định giao Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ căn cứ thực hiễn phát triển nền kinh tế để điều chỉnh mức chi trả bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền sao cho phù hợp.
Theo đó, trước đây mức chi trả bảo hiểm tiền gửi là 50 triệu, gần đây đã tăng thêm 50%, lên mức 75 triệu đồng. Xung quanh câu chuyện này cũng có nhiều tranh cãi, có người cho rằng mức bảo hiểm phải gấp 4 lần so với thu nhập bình quân đầu người/GDP hoặc có người yêu cầu phải bảo hiểm toàn bộ số tiền gửi.
Tuy nhiên, nếu lập luận như thế sẽ không đúng với sự phát triển, hoạt động của nền kinh tế thị trường. Chúng ta đang nhìn nhận vấn đề với tư duy thiên hướng về nền kinh tế kế hoạch hoá, tức là chỉ có gửi tiền tiết kiệm là yêu nước. Vì trước đây tiết kiệm là kênh huy động vốn duy nhất, nhưng thực tế hiện nay chúng ta đã có thị trường chứng khoán, trái phiếu, thị trường phái sinh giống như các nước có nền kinh tế hiện đại, vì thế cũng cần có sự cân nhắc lại.
Phải nói thẳng với nhau rằng, một nền kinh tế thị trường hiện đại khuyến khích người dân làm giàu trên thị trường chứng khoán, trên thị trường dịch vụ của thị trường tiền tệ và các hoạt động trên thị trường đầu tư khác chứ người ta không khuyến khích người dân gửi tiền vào tiết kiệm để có lợi nhuận. Ví dụ, trong 3 năm nay trở lại đây, các nước ở châu Âu tiêu đồng tiền châu Âu có lãi suất tiền gửi tiền trong ngân hàng bằng 0.
Còn có nhiều ý kiến đặt vấn đề "gửi một vài tỷ tiết kiệm chỉ thu về được 75 triệu khi ngân hàng phá sản", như vậy là nhận định cảm tính, không có số liệu cụ thể. Đứng về lý thuyết thì điều đó có thể xảy ra, tuy nhiên, trên thực tế sẽ rất hãn hữu mới xảy ra trường hợp này.
- Vậy vấn đề công khai minh bạch kết quả xếp hạng ngân hàng từ phía cơ quan quản lý, để người dân biết thực chất "sức khoẻ" các ngân hàng thì sao, thưa ông?
Đòi hỏi công khai, minh bạch sức khoẻ ngân hàng là chính đáng. Bởi thế mới có quy định các ngân hàng phải cập nhật báo cáo tài chính quý, thường niên. Cùng với đó, Hiệp hội Ngân hàng cũng thường có những đánh giá ngân hàng tốt nhất ở riêng lẻ từng lĩnh vực.
Tuy nhiên, đòi hỏi cơ quan quản lý công bố xếp hạng, tình hình sức khoẻ các ngân hàng là bất hợp lý. Bởi nếu NHNN công bố ngân hàng này nợ xấu cao, ngân hàng kia sắp phá sản ai dám tới ngân hàng đó gửi tiền, lại rất dễ dẫn tới nguy cơ người dân ồ ạt tới rút tiền, gây bất ổn, đổ vỡ ngân hàng đó.
- Hiện NHNN đã có phương án nào cho 3 ngân hàng mua lại 0 đồng và các ngân hàng yếu kém chưa? Liệu dự thảo mới ban hành có giải quyết được vấn đề này?
Đây đang là một vấn đề lớn, trên con đường tìm giải pháp tối ưu. Chúng ta đã quy định, 5 hình thức xử lý với các ngân hàng yếu kém: một là đưa vào giám sát đặc biệt; hai là ép bán; ba sáp nhập; bốn chuyển giao tự nguyện; năm phá sản.
5 bước này cũng là hình thức phân loại các tổ chức tín dụng đặt từ thấp đến cao. Hiện, 3 ngân hàng 0 đồng đang rơi vào trạng thái thứ 4. Và quan trọng nhất là hạn chế nhất của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Các TCTD vừa được thông qua không cho sử dụng ngân sách nhà nước trực tiếp để hỗ trợ tái cơ cấu các ngân hàng trên.
Qua thời gian nghiên cứu, tôi có đề xuất một quỹ để cho các ngân hàng yếu kém vay để cơ cấu lại các khoản nợ, nguồn vốn, sau đó bán rồi thu tiền, trả lại tiền cho quỹ. Tiền quỹ có thể từ nhiều nguồn, một trong những nguồn đó có thể là từ các ngân hàng khác góp vào, như một cơ chế để chia sẻ rủi ro.
Hãy nghĩ đơn giản các ngân hàng yếu kém như một cô gái, dù cô gái đó có sinh ra trong một gia đình nghèo hay giàu thì muốn có chồng trước hết cô ta phải không ốm đau, bệnh tật. Vì không một chủ rể nào lại chấp nhận bỏ ra một số tiền để cho cô ấy chữa bệnh rồi mới cưới về làm vợ. Thực tế cho thấy, nếu không có một quỹ hỗ trợ các ngân hàng yếu kém tái cơ cấu thì việc tái cơ cấu các ngân hàng 0 đồng là bất khả thi.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.