Hoàn thiện pháp luật về Hải quan: Góc nhìn từ doanh nghiệp

Nguyễn Văn Toàn - 28/06/2020 09:53 (GMT+7)

(VNF) - Việt Nam là quốc gia có tốc độ hội nhập hàng đầu trong khu vực và toàn cầu. Hiện nay, Việt Nam có quan hệ thương mại và đầu tư với hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

VNF

Trong năm 2019, kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và thế giới là 517 tỷ USD. Tính đến cuối tháng 4/2019 đã có 247 quốc gia,vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 31.862 dự án, tổng số vốn đăng ký là 373 tỷ USD. Việt Nam cũng có hàng trăm dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng số vốn đăng ký hơn 22 tỷ USD.

Trong tiến trình hội nhập, ngành hải quan có một vị trí hết sức quan trọng, là người gác cửa cho dòng chảy thương mại và đầu tư, đồng thời cũng là sứ giả của hội nhập phát triển. Hải quan là ngành tiên phong trong hội nhập, khi nhu cầu hội nhập về hải quan là nội dung then chốt để đảm bảo lưu thông hàng hóa, vật tư, thiết bị trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong những năm qua, Luật Hải quan đã được Quốc hội ban hành, những văn bản dưới luật đã luôn được cập nhật và đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng trong nhiệm vụ quản lý nhà nước về hải quan, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của doanh nghiệp, tiếp cận với hải quan khu vực và thế giới.

Theo công bố của Bộ Nội vụ, chỉ số cải cách thủ tục hành chính của Bộ Tài chính, trong đó có Tổng cục Hải quan luôn nằm trong tốp đầu của 18 bộ ngành được đánh giá, riêng năm 2019 xếp thứ hai. Tuy vậy, so với hải quan các nước tốp đầu khu vực và thế giới và yêu cầu của hội nhập vẫn còn những khoảng cách cần phải lấp đầy. Hiện tại, chi phí logistics của Việt Nam nằm trong các nước cao nhất khu vực.

Bộ Tài chính hiện đang đề xuất Chính phủ soạn thảo ban hành một nghị định mới sửa đổi bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP và Nghị định 59/2018/NĐ-CP. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao động thái này của Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính. Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, một số nội dung trong hai nghị định trên và một số quy định của ngành hải quan không còn phù hợp, cần được bổ sung, sửa đổi, tạo thuận lợi, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, trên cơ sở đảm bảo quản lý nhà nước.

Về thủ tục hải quan điện tử

Trong những năm gần đây, ngành hải quan đã có rất nhiều cố gắng nâng cao năng lực chuyên môn và quản lý trong lĩnh vực này, song doanh nghiệp đề xuất cần áp dụng triệt để và toàn diện đối với các bộ hồ sơ hàng hóa thông thường để tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Theo quy định thủ tục giám sát tại các cửa khẩu, cảng đều đã thực hiện hải quan điện tử, tuy nhiên hiện tại các doanh nghiệp vẫn phải cung cấp chứng từ giấy (danh sách hàng hóa, vận đơn, phiếu xuất kho) để cơ quan hải quan kiểm tra và xác nhận đóng dấu thì hàng hóa mới được qua khu vực giám sát. Đề nghị có quy định về việc thực hiện giám sát điện tử trên cơ sở đảm bảo kiểm soát của cơ quan hải quan và giảm thiểu thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.

Về nguyên tắc, phương pháp xác định trị giá hải quan

Theo điều 20 Nghị định 59/2018/NĐ-CP:

“1. Trị giá hải quan hàng xuất khẩu là giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất, không bao gồm phí bảo hiểm quốc tế và phí vận tải quốc tế, được xác định theo trình tự các phương pháp sau:

Giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất bao gồm giá bán ghi trên hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc hóa đơn thương mại và các khoản chi phí liên quan đến hàng hóa xuất khẩu phù hợp với chứng từ có liên quan nếu các khoản chi phí này chưa bao gồm trong giá bán của hàng hóa;

b) Giá bán của hàng hóa xuất khẩu giống hệt, tương tự trên cơ sở dữ liệu trị giá hải quan sau khi quy đổi về giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất tại thời điểm gần nhất so với ngày đăng ký tờ khai xuất khẩu của lô hàng đang xác định trị giá;

c) Giá bán của hàng hóa xuất khẩu giống hệt, tương tự tại thị trường Việt Nam sau khi quy đổi về giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất tại thời điểm gần nhất so với ngày đăng ký tờ khai xuất khẩu của lô hàng đang xác định trị giá;

d) Giá bán của hàng hóa xuất khẩu do cơ quan hải quan thu thập, tổng hợp, phân loại theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Nghị định này sau khi quy đổi về giá bán của hàng

Tuy nhiên, việc yêu cầu doanh nghiệp phải xác định trị giá của hàng gia công xuất khẩu cho mục đích thống kê của hải quan hiện nay cũng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, không phù hợp với các quy định về kế toán: (1) Hoạt động gia công xuất khẩu không có giá bán theo hợp đồng cung cấp hàng hóa mà chỉ có giá gia công theo hợp đồng gia công thỏa thuận giữa bên thuê gia công và bên nhận gia công; (2) Bên được giao gia công chỉ ghi nhận giá gia công và các chi phí khác (nếu có) phát sinh theo hoạt động gia công, không theo dõi giá trị nguyên vật liệu nhập khẩu tại sổ sách nội bảng hoặc ngoại bảng tương ứng.

Cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị sửa đổi lại như Nghị định 08/2015/NĐ-CP, việc xác định trị giá hàng xuất khẩu như với hàng nhập khẩu là không cần thiết và không phù hợp với thực tiễn. Điểm (b), (c) và (d) doanh nghiệp không thể tự áp dụng và tính toán được. Đồng thời, giảm thiểu thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, đặc biệt trong trường hợp không ảnh hưởng đến số thuế phải nộp cho nhà nước.

Doanh nghiệp trong khu chế xuất và doanh nghiệp chế xuất

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp chế xuất mới thành lập gặp vướng mắc do hải quan không có quy định phù hợp với quy định của Bộ Kế hoạch Đầu tư. Đề nghị bổ sung về điều kiện kiểm tra, công nhận doanh nghiệp chế xuất theo quy định tại Điều 30, Nghị định 82/2018/NĐ-CP: “Khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất được áp dụng quy định đối với khu vực hải quan riêng, khu phi thuế quan trừ các quy định riêng áp dụng đối với khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu. Doanh nghiệp chế xuất được quy định trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc trong văn bản của cơ quan đăng ký đầu tư có thẩm quyền trong trường hợp không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Cơ quan đăng ký đầu tư có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan hải quan có thẩm quyền về khả năng đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan trước khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc xác nhận bằng văn bản cho nhà đầu tư.”

Về doanh nghiệp ưu tiên

Trên thực tế doanh nghiệp đã thực hiện kiểm tra Doanh nghiệp ưu tiên (DNƯT) vẫn có thể bị kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) dẫn đến trùng lặp lãng phí thời gian và chi phí của doanh nghiệp. Kiến nghị quy định rõ ràng phân biệt phạm vi của kiểm tra DNƯT và KTSTQ.

Điểm b, Khoản 2, Điều 19: “Quyết định công nhận doanh nghiệp ưu tiên có hiệu lực trong thời hạn 03 năm kể từ ngày ban hành quyết định và tự động gia hạn thêm 03 năm tiếp theo nếu doanh nghiệp vẫn đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định”. Để doanh nghiệp có thể xác định được thời gian thanh kiểm tra, chuẩn bị hồ sơ tài liệu, kiến nghị bổ sung thời hạn, thời điểm tiến hành thanh tra doanh nghiệp ưu tiên khi hết thời hạn 03 năm theo quy định. Vấn đề này hiện mới chỉ được quy định trong tài liệu nội bộ của hải quan (Điều 15, Quyết định 2659/QĐ-TCHQ), chưa được nêu rõ trong Nghị định.

Thủ tục Hải quan đối với hàng hóa XNK tại chỗ

Điều 35 ghi:

Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ bao gồm:

a) Hàng hóa đặt gia công tạ Việt Nam và được tổ chức, cá nhân nước ngoài đặt gia công bán cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam;

b) Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan;

c) Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác tại Việt Nam.

Theo quy định hiện nay, hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ chỉ là hoạt động mua bán giữa ba doanh nghiệp, trên thực tế không phải như vậy. Cần giải quyết vướng mắc về mặt thủ tục cho các doanh nghiệp có hoạt động như trên, tránh phải xin cơ chế riêng cho từng lần (ví dụ hoạt động cho thuê mượn khuôn khá phổ biến nhưng thủ tục không được quy định rõ).

Kiến nghị sửa đổi, bổ sung định nghĩa về xuất nhập khẩu tại chỗ như sau:

a) Hàng hóa đặt gia công tại Việt Nam và được tổ chức, cá nhân nước ngoài đặt gia công bán cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam;

b) Hàng hóa mua bán, thuê mượn giữa các doanh nghiệp nội địa với các doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan;

c) Hàng hóa mua bán, thuê mượn giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với một hoặc nhiều doanh nghiệp khác tại Việt Nam.

d) Hàng hóa trao đổi giữa các doanh nghiệp Việt Nam và cá nhân, tổ chức nước ngoài theo hình thức kết hợp giữa các loại hình nêu trên”

Hàng hóa tạm nhập tái xuất

Điều 48. Thủ tục hải quan, giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất

Các hình thức tái xuất hàng hóa nhập khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan bao gồm:

a) Tái xuất để trả cho khách hàng;

b) Tái xuất sang nước thứ ba hoặc tái xuất vào khu phi thuế quan.

Kiến nghị sửa đổi thành tên Điều 48 thành: “Thủ tục hải quan, giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu sau đó tái xuất”

Bổ sung định nghĩa về tái xuất bao gồm cả trường hợp: “Tái xuất theo hình thức xuất khẩu tại chỗ”

Điều 55. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập để bảo hành, sửa chữa, thay thế.

Theo các doanh nghiệp, các tờ khai tạm nhập phải có tờ khai tái xuất đối ứng. Tuy nhiên với máy móc thiết bị có trường hợp đặc thù là nhập khẩu linh kiện sửa chữa thay thế, sau khi nhập khẩu sẽ lắp cố định vào máy móc tạm nhập, theo đó không thể mở tờ khai tái xuất tương ứng cho riêng linh kiện này được. Kiến nghị bổ sung cơ chế cho trường hợp nêu trên.

Kho ngoại quan và chuyển quyền sở hữu hàng hóa trong KNQ

Điều 83 quy định:

“Các dịch vụ được thực hiện trong kho ngoại quan

Chủ hàng hóa gửi kho ngoại quan trực tiếp thực hiện hoặc ủy quyền cho chủ kho ngoại quan hoặc đại lý làm thủ tục hải quan thực hiện các dịch vụ sau đối với hàng hóa gửi kho ngoại quan:...3. Chuyển quyền sở hữu hàng hóa.”

Song, trên thực tế nhiều doanh nghiệp FDI không thực hiện được hoạt động này do quy định không thống nhất giữa ngành hải quan và Bộ Công Thương. Cụ thể, dựa trên công văn về việc quy định về ngoại thương chưa cho phép hoạt động chuyển quyền sở hữu trong kho ngoại quan của doanh nghiệp FDI từ năm 2017 (mặc dù các quy định trích dẫn trong công văn này đã được sửa đổi, bổ sung), cơ quan hải quan đến gần đây vẫn không cho phép, buộc doanh nghiệp FDI phải nhập khẩu hàng từ kho ngoại quan về rồi mới được chuyển quyền sở hữu.

Cần có quy định thống nhất giữa Tổng cục Hải quan và Bộ Công Thương.

“Điều 85. Hàng hóa gửi kho ngoại quan

…3. Hàng hóa từ nội địa Việt Nam đưa vào kho ngoại quan bao gồm:

a) Hàng hóa xuất khẩu đã làm xong thủ tục hải quan chờ xuất khẩu;”

Doanh nghiệp kiến nghị bổ sung quy định về thủ tục đối với hàng hóa xuất khẩu đã làm xong thủ tục hải quan chờ xuất khẩu gửi kho ngoại quan, nhưng sau đó phải nhập khẩu lại về nội địa (ví dụ: trường hợp khách mua hủy đơn hàng)

Khai hải quan

Điều 25. Khai hải quan…

5. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường hoặc miễn thuế hoặc áp dụng thuế suất, mức thuế tuyệt đối theo hạn ngạch thuế quan và đã được giải phóng hàng hoặc thông quan nhưng sau đó có thay đổi về đối tượng không chịu thuế hoặc mục đích được miễn thuế; áp dụng thuế suất, mức thuế tuyệt đối theo hạn ngạch thuế quan; hàng hóa là nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu và hàng hóa tạm nhập - tái xuất đã giải phóng hàng hoặc thông quan nhưng sau đó thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa thì phải khai tờ khai hải quan mới. Chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan mới trừ trường hợp đã thực hiện đầy đủ chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại thời điểm đăng ký tờ khai ban đầu.

Theo quy định thì hiểu rằng chuyển đổi mục đích sử dụng áp dụng cho các trường hợp thuộc đối tượng miễn thuế, sau đó thay đổi đối tượng không chịu thuế hoặc mục đích được miễn thuế. Tuy nhiên, hiện quy định chưa rõ với các trường hợp không làm thay đổi nghĩa vụ thuế có phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng không. Nên có quy định rõ ràng để giảm thiểu gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần bổ sung cơ chế kê khai gộp với các trường hợp mặt hàng có biến động về giá cả đến cuối kỳ, năm mới xác định được. Kiến nghị bổ sung cơ chế khai gộp sau khi xác định được giá chính xác như sau:

- Kê khai trên một tờ khai tổng vào cuối kỳ sau khi xác định được giá bán (đối với hàng nhập khẩu có thể áp dụng thuế suất và trị giá trung bình trong kỳ)

- Trường hợp chỉ ảnh hưởng về mặt thống kê của cơ quan hải quan (cho từng mặt hàng), không ảnh hưởng đến số thuế phải nộp vào ngân sách, đặc biệt trường hợp xuất khẩu, thì kiến nghị không phải kê khai lại, doanh nghiệp nộp bảng kê các thay đổi cuối kỳ cho cơ quan hải quan, qua đó giảm gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp khi phải sửa đổi từng tờ khai.

Bổ sung cơ chế kê khai hải quan đối với hàng hóa của thương nhân nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam để thực hiện hợp đồng dịch vụ (bảo hành, sửa chữa)

Quy định hiện hành không cho phép thương nhân nước ngoài được mở tờ khai nhập khẩu hàng vào Việt Nam, hoặc nếu ủy thác nhập khẩu thì cần xin quyền xuất nhập khẩu (trong khi thủ tục không rõ ràng). Thực tế là có thương nhân nước ngoài có hợp đồng dịch vụ với bên Việt Nam, cần lưu kho hàng hóa để thực hiện dịch vụ thông qua một bên Việt Nam khác và hàng hóa vẫn thuộc sở hữu của thương nhân nước ngoài. Trường hợp này không thuộc phạm vi thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam thực hiện quyền kinh doanh xuất nhập khẩu quy định tại Điều 3, Thông tư 28/2012/TT-BCT: “Thương nhân không hiện diện chỉ được trực tiếp bán hàng nhập khẩu cho các thương nhân Việt Nam có đăng ký kinh doanh hoặc có quyền phân phối hàng hóa đó, không được tổ chức hoặc tham gia hệ thống phân phối hàng hóa tại Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác”.

Về vấn đề này, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị nghiên cứu sửa đổi, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Với quyết tâm đổi mới tư duy và mô hình phát triển, từ cả hệ thống chính trị tới mỗi Doang nghiệp và mỗi người dân, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trước tiên là cải thiện nâng cao chất lượng hệ thống văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp, tận dụng thời cơ mới, nâng cao chất lượng hội nhập, kinh tế Việt Nam sẽ khởi sắc.

Cùng chuyên mục
Tin khác