'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Thành tựu
Quan điểm của Đảng và nhà nước về việc hình thành thị trường chứng khoán nhằm tạo kênh huy động vốn dài hạn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đã được xác định từ đầu những năm 90 của thế kỉ trước, đi vào vận hành từ năm 2000, TTCK Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng:
Một là, đã tạo lập thành công thiết chế thị trường chứng khoán phù hợp với đặc điểm, trình độ phát triển của nền kinh tế, từng bước tiếp cận theo các chuẩn mực, thông lệ quốc tế góp phần thúc đẩy hội nhập quốc tế, bảo đảm cho thị trường phát triển an toàn.
Hai là, hệ thống văn bản pháp lý về chứng khoán và thị trường chứng khoán được thiết lập ngay từ ngày đầu và không ngừng được hoàn thiện, bổ sung theo sự phát triển của thị trường, bảo đảm tương thích với điều kiện thể chế kinh tế, cơ chế quản lý nền kinh tế và đáp ứng mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ. Từ mức độ linh hoạt, điều chỉnh kịp thời trong giai đoạn ban đầu đến việc thể chế hóa chặt chẽ hơn khi thị trường đã có sự phát triển.
Ba là, đã có sự phát triển vượt bậc trong gần 20 năm qua, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn ngày càng quan trọng cho Nhà nước và doanh nghiệp. Thông qua thị trường, Chính phủ và doanh nghiệp đã huy động được trên 2,5 triệu tỷ đồng; trong 5 năm gần đây (2013-2017) quy mô huy động đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng, gấp 3 lần so với 5 năm trước đó, riêng hệ thống ngân hàng thương mại đã huy động trên 300.000 tỷ đồng.
Cấu trúc của thị trường ngày càng được hoàn thiện bao gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh. Kể từ khi đi vào hoạt động từ ngày 10/8/2017, thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) đã vận hành an toàn, có sự tăng trưởng về cả khối lượng hợp đồng, giá trị giao dịch và số lượng tài khoản. Khối lượng giao dịch bình quân đã đạt 10.399 hợp đồng/ngày và giá trị giao dịch theo quy mô danh nghĩa hợp đồng đạt 889 tỷ đồng/phiên.
Bốn là, thị trường chứng khoán là cơ sở cũng như động lực thúc đẩy việc hình thành và phát triển khu vực tư nhân ngày càng năng động và hiệu quả, góp phần tích cực thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, cơ cấu lại nền kinh tế cả về ngành, lĩnh vực hoạt động lẫn đối tượng tham gia; tái cơ cấu nguồn nhân lực cho doanh nghiệp và xã hội; nâng cao tính công khai, minh bạch, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp, tăng cường sự giám sát của xã hội đối với hoạt động của doanh nghiệp.
Từ năm 2005 đến nay, hơn 750 doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện đấu giá cổ phần hóa, thoái vốn thành công trên hai sở giao dịch chứng khoán. Quy mô, hiệu quả hoạt động, chất lượng quản trị của các DNNN cổ phần hóa niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK tốt hơn trước: tổng vốn chủ sở hữu tăng bình quân 16%/năm; doanh thu tăng khoảng 4%/năm, lợi nhuận tăng khoảng 9%/năm.
Trong nhóm 100 doanh nghiệp niêm yết có mức vốn hóa lớn nhất thị trường (khoảng 3,1 triệu tỷ đồng), tính bình quân mỗi doanh nghiệp trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2016, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ROE đã tăng từ 12,16% lên 16,65%; tổng tài sản tăng từ 35.130 tỷ đồng lên 60.089 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu tăng từ 4.964 tỷ đồng lên 9.054 tỷ đồng. Trong nhóm 100 doanh nghiệp này, có 46 doanh nghiệp khu vực tư nhân với mức vốn hóa chiếm 40%.
Trong giai đoạn 2012 đến năm 2016, tổng tài sản các doanh nghiệp niêm yết khu vực tư nhân tăng 80%, vốn chủ sở hữu tăng gấp 2,2 lần, tổng lãi tăng 2,5 lần. Thị trường chứng khoán đã góp phần thu hẹp khoảng cách giữa doanh nghiệp khu vực tư nhân với doanh nghiệp niêm yết có nguồn gốc cổ phần hóa, theo đó khoảng cách quy mô vốn chủ sở hữu bình quân của doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa niêm yết so với doanh nghiệp tư nhân niêm yết giảm từ 1,6 lần năm 2012 xuống 1,3 lần năm 2016.
Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã có sự phát triển mạnh mẽ sau khi niêm yết trên thị trường chứng khoán. Ví dụ như trường hợp Tập đoàn Vingroup, quy mô vốn góp cổ phần và vốn chủ sở hữu khi mới niêm yết lần lượt là 800 tỷ đồng và 1.842 tỷ đồng vào năm 2007 thì đến nay đã tăng lên tương ứng lần lượt là 26.377 tỷ đồng và 45.266 tỷ đồng; đồng thời đã giúp mở rộng lĩnh vực hoạt động của công ty trong ngành cơ bản như nông nghiệp, công nghiệp nặng, y tế, giáo dục, bán lẻ...
Đối với hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn đã giúp cho việc đa dạng hóa hình thức sở hữu, nâng cao tính minh bạch và hiệu quả. Trong số 54 doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa niêm yết thuộc nhóm 100 doanh nghiệp niêm yết có mức vốn hóa lớn nhất thị trường thì tỷ lệ sở hữu Nhà nước bình quân còn khoảng 47%, trong đó có 29 doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu Nhà nước trên 50%.
Việc niêm yết các DNNN sau cổ phần hóa giúp thúc đẩy quá trình thoái vốn Nhà nước bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả về giá bán theo cơ chế thị trường, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp sau cổ phần hóa, thoái vốn. Một số doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa có kết quả hoạt động tiêu biểu như Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (VNM), Công ty cổ phần Cotecons (CTD)...
So sánh trong giai đoạn 2012 – 2016, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của VNM duy trì cao gấp 2-3 lần so với mức tỷ suất lợi nhuận bình quân các doanh nghiệp niêm yết và 4-5 lần so với lãi suất huy động vốn ngân hàng; quy mô vốn chủ sở hữu và tài sản của VNM đã tăng gấp 1,5 lần.
Các doanh nghiệp niêm yết là các doanh nghiệp đi đầu về quản trị công ty, công bố thông tin và áp dụng các chuẩn mực kế toán, kiểm toán và báo cáo tài chính hiện đại. Các chuẩn mực về quản trị công ty áp dụng đối với các công ty niêm yết, công ty đại chúng trên TTCK Việt Nam đã thường xuyên được hoàn thiện theo thông lệ quốc tế và phù hợp với thực tiễn của thị trường.
Sự mở rộng, phát triển của các công ty đại chúng, công ty niêm yết với sự tham gia rộng rãi của các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nhỏ đặt ra các yêu cầu về kiểm soát, giám sát của cổ đông, thị trường đối với doanh nghiệp nhằm giảm thiểu xung đột lợi ích, bảo đảm quyền của cổ đông, nghĩa vụ của cổ đông lớn, cổ đông nội bộ...
Ngược lại, việc tăng cường quản trị công ty cũng đã giúp nâng cao chất lượng hoạt động, thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Đối tượng, phạm vi, nội dung và phương thức công bố thông tin đối với các công ty niêm yết, công ty đại chúng cũng ngày càng được mở rộng và yêu cầu chặt chẽ hơn.
Điều này đã một mặt giúp cho nhà đầu tư, thị trường có đầy đủ thông tin nhằm đánh giá đúng doanh nghiệp; mặt khác giúp nâng cao tính công khai chung của nền kinh tế, qua đó hỗ trợ cơ quan quản lý trong quá trình hoạch định chính sách và điều hành nền kinh tế theo tín hiệu thị trường.
Năm là, thị trường chứng khoán đã thu hút đông đảo các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Tính đến nay, trên TTCK Việt Nam có gần 1,9 triệu tài khoản nhà đầu tư, tăng gấp 2 lần so với cuối năm 2010 trong đó, số lượng nhà đầu tư nước ngoài đã tăng 3 lần.
Ngoài ra, hệ thống nhà đầu tư tổ chức ngày càng phát triển, mở rộng theo hướng đa dạng và hiện đại, qua đó thúc đẩy tính chuyên nghiệp, tạo sức cầu bền vững và độ sâu của thị trường. Trong giai đoạn 2006 – 2010, thị trường chỉ có các loại hình quỹ đóng, quỹ thành viên từ 2011 đến nay nhiều loại hình quỹ mới như quỹ mở, quỹ ETF và quỹ bất động sản (REIT) đã được phát triển; đây là các sản phẩm quỹ đầu tư hiện đại, theo thông lệ quốc tế và được đánh giá cao trong bối cảnh hội nhập.
Sáu là, hệ thống trung gian chứng khoán đã có sự phát triển mạnh về số lượng, quy mô; tính chuyên nghiệp và nền tảng công nghệ ngày càng cao; mạng lưới rộng khắp cả nước. Công tác tái cấu trúc được đẩy mạnh đã đem lại những kết quả rất tích cực, thông qua nhiều hình thức như: tăng vốn, rút nghiệp vụ, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, đình chỉ hoạt động, thu hẹp mạng lưới hoạt động và cơ cấu lại nhân sự; đã giúp nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị rủi ro, cũng như kết quả hoạt động kinh doanh cho các TCKDCK.
Số lượng công ty chứng khoán giảm 25%; tổng vốn chủ sở hữu tăng 20%; trong khi tổng lợi nhuận sau thuế năm 2011 là -2.000 tỷ đồng thì đến năm 2017 tổng lợi nhuận đạt 4.290 tỷ đồng, tổng vốn khả dụng tăng 30%.
Bảy là, hệ thống tổ chức thị trường ngày càng được nâng cấp và phát triển. Các SGDCK, TTLKCK đã thực hiện chức năng giao dịch, lưu ký, thanh toán chuyển giao chứng khoán an toàn, đồng thời chú trọng phát triển công nghệ thông tin, phát triển nguồn nhân lực, quản trị nội bộ và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đa dạng cho thị trường.
Đối với hệ thống giao dịch: đã triển khai thực hiện giao dịch trực tuyến qua internet, có thể thực hiện giao dịch ở mọi nơi; tốc độ xử lý tăng mạnh với 20 triệu lệnh/phiên giao dịch; hệ thống trái phiếu kết nối trực tiếp thị trường sơ cấp, thứ cấp và hệ thống thông tin quốc tế Bloomberg góp phần, truyền tải thông tin thị trường trái phiếu nhanh nhất đến các nhà đầu tư nước ngoài. Trung tâm cơ sở dữ liệu xử lý chính (Data Center), Trung tâm dữ liệu dự phòng, Trung tâm dự phòng thảm họa đã được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, có khả năng an toàn cao. (
Đối với hệ thống lưu ký, thanh toán: phạm vi cung cấp các dịch vụ liên tục được mở rộng, đặc biệt là đã triển khai hệ thống vay và cho vay chứng khoán hỗ trợ hoạt động thanh toán, hỗ trợ thành viên lập quỹ, thực hiện các giao dịch hoán đổi ETF; thời gian thanh toán được rút ngắn, hệ thống thanh toán, bù trừ cho phép quản lý chi tiết đến từng tài khoản nhà đầu tư; cổng giao tiếp điện tử được kết nối đến tất cả các thành viên lưu ký và Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước tạo thuận lợi cho thành viên thực hiện giao dịch trên cả thị trường mở; hệ thống đối tác trung tâm (CCP) đã được thiết lập cung cấp dịch vụ bù trừ thanh toán chứng khoán phái sinh theo mô hình CCP; hệ thống bỏ phiếu điện tử và nhiều dịch vụ khác đã được xây dựng.
Tám là, hoạt động thanh tra, giám sát và cưỡng chế thực thi không ngừng dược tăng cường, góp phần giữ vững ổn định, kỷ cương pháp luật của thị trường. Cơ quan quản lý nhà nước đã tích cực tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.Trong giai đoạn 2011 – 2015, số lượng đoàn thanh tra, kiểm tra đã tăng gấp gần 4 lần và số tiền xử phạt đã tăng gấp 6 lần so với giai đoạn 2006 – 2010.
Năm 2017 cơ quan quản lý đã ban hành 300 quyết định xử phạt với số tiền xử phạt trên 18 tỷ đồng. Bên cạnh các chế tài xử lý vi phạm hành chính, các vụ việc nghiêm trọng có tổn hại đến lợi ích chung toàn thị trường đã được khởi tố và xử lý hình sự, góp phần răn đe và giữ vững kỷ cương pháp luật.
Trong năm 2017 đã khởi tố hình sự vụ án thao túng cổ phiếu CDO và xử phạt hành vi thao túng cổ phiếu, buộc nộp lại khoản thu lời bất chính trên 9 tỷ đồng. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng đã xử lý nghiêm đối với hành vi gian lận báo cáo tài chính thông qua việc không chấp nhận báo cáo tài chính kiểm toán, đình chỉ tư cách kiểm toán viên được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán. Qua đó góp phần tăng sức răn đe và nâng cao chất lượng báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết.
Thành tựu nổi bật trong năm 2017
Năm 2017 kinh tế Việt Nam đã đạt được những kết quả rất nổi bật và khá toàn diện cùng với cải cách quyết liệt liệt của Chính phủ và cả hệ thống chính trị, trong đó có việc thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trong bối cảnh đó, cùng với sự hồi phục của kinh tế và thị trường chứng khoán thế giới, cũng như những nỗ lực kiên trì tái cấu trúc thị trường chứng khoán trong nhiều năm qua, năm 2017 thị trường chứng khoán cũng đã đạt được nhiều kết quả rất tích cực trên nhiều phương diện, mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
- Chỉ số VN-INDEX tăng 48%, đạt mức cao nhất trong vòng 10 năm gần đây, đứng đầu trong khu vực và trong 5 nước đứng đầu thế giới.
- Vốn hóa thị trường đạt mức kỷ lục 78% GDP 2016 và 70,2% GDP 2017, cán mốc đề ra trong chiến lược phát triển TTCK đến năm 2020.
- Khối lượng giao dịch đạt mức 14.600 tỷ/phiên, đây là mức cao nhất từ trước đến nay, gấp 5 lần so với 2010 và 130 lần so với năm 2005.
- Cùng với chính sách đúng đắn của chính phủ trong việc gắn cổ phần hóa với niêm yết, cũng như sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường chứng khoán, số lượng công ty niêm yết và đăng ký giao dịch tăng 30% so với năm 2016, đạt trên 1400 công ty, trong đó rất nhiều tập đoàn, tổ chức tài chính , ngân hàng lớn.
- Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, không kể thoái vốn Sabeco, Vinamilk, tăng gấp 2 lần so với 2016, giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài đạt 1,7 tỷ USD và giá trị danh mục đầu tư, kể cả nguồn tiền sẵn có trên tài khoản đầu tư gián tiếp đạt trên 32 tỷ USD.
- Chỉ số bảo vệ nhà đầu tư do Ngân hàng thế giới đánh giá có sự cải thiện mạnh từ mức 122/190 năm 2015 lên mức 81/190 năm 2017.
- Hoạt động của các công ty niêm yết có sự cải thiện rõ rệt, doanh thu tăng 18%, lợi nhuận tăng 23%, các chỉ số sinh lời đều có sự cải thiện đáng kể
- Thị trường trái phiếu chính phủ có quy mô niêm yết đạt 23% GDP, quy mô giao dịch tăng 38% so với năm 2016, trong đó giá trị giao dịch Repos tăng 72%, chiếm 50% tổng giá trị giao dịch, kỳ hạn bình quân danh mục trái phiếu tăng từ 8,7 năm 2016 lên 13,5 năm 2017. Thị trường chứng khoán phái sinh tuy mới ra đời nhưng phát triển rất nhanh chóng với giá trị giao dịch bình quân tháng tăng 59%
Thuận lợi và khó khăn
Năm 2018, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục đón nhận nhiều yếu tố thuận lợi từ trong và ngoài nước.
- Kinh tế thế giới sẽ tiếp tục hồi phục, tốc độ tăng trưởng tăng, tỷ lệ thất nghiệp giảm, thương mại khu vực và toàn cầu sẽ có sự hồi phục đáng kể và tỷ lệ lạm phát sẽ bắt đầu tăng.
- Kinh tế trong nước tiếp tục hồi phục vững vàng hơn trên nền tảng tích cực của năm 2017, các chính sách của chính phủ sẽ được triển khai quyết liệt và tích cực hơn ngay từ đầu năm, trong đó có các chính sách phát triển kinh tế tư nhân, thúc đẩy cổ phần hóa gắn với niêm yết, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, bảo đảm cung ứng đủ tín dụng phù hợp khả năng hấp thụ của nền kinh tế, ổn định và giảm dần mặt bằng lãi suất, công tác xử lý nợ xấu và sở hữu chéo các ngân hàng đã có những tiến bộ tích cực, tổng các khoản nợ xấu, kể cả nợ xấu tiềm ẩn giảm từ 10,08 xuống dưới 8,5%.
Sự phục hồi của thị trường chứng khoán se tác động tích cực hơn đến việc xử lý nợ xấu trong năm 2018. Chính sách tài khóa được điều hành chặt chẽ hơn, kỷ luật tài chính ngân sách được tăng cường và nợ công đã được kiểm soát theo xu hướng giảm dần...Đây là những yếu tố sẽ tác động rất tích cực đến TTCK.
- Công tác tái cấu trúc thị trường chứng khoán trên cả 4 trụ cột đã được Bộ tài chính, Ủy ban Chứng khoán và các thành viên thị trường triển khai rất tích cực và liên tục trong nhiều năm qua đã mang lại những kết quả thực chất và căn bản. Cả hai bên cung và cầu trên thị trường đều có sự cải thiện cả về chất và lượng. Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài sẽ tăng mạnh cùng với sự hồi phục của thị trường và việc cổ phần hóa, thoái vốn tập trung vào các doanh nghiệp lớn.
Bên cạnh những yếu tố thuận lợi căn bản như trên, TTCK Việt Nam cũng còn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
- Kinh tế thế giới còn có nhiều khó khăn thách thức như vấn đề địa chính trị, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, kinh tế Trung quốc tăng trưởng chậm lại, các nước có xu hướng giảm bớt các chương trình nới lỏng định lượng, chương trình thu mua tài sản, thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán, điều chỉnh chính sách thuế, tăng dần lãi suất, từ đó có thể tác động đến sự dịch chuyển của các dòng vốn.
- Kinh tế trong nước đã có sự cải thiện đáng kể nhưng mức độ bền vững chưa cao, năng suất lao động, tái cấu trúc nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng còn nhiều khó khăn thách thức, thâm hụt ngân sách vẫn ở mức cao, xử lý nợ xấu cùng với việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng còn rất nhiều việc phải làm.
- Thị trường chứng khoán vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, chưa được nâng hạng trong nhóm thị trường mới nổi. Độ sâu và khả năng chống đỡ các cú sốc còn yếu, quy mô, năng lực tài chính của các tổ chức trung gian còn thấp so với các nước trong khu vực, mức độ quản trị công ty, tuân thủ luật pháp còn hạn chế, hệ thống kế toán, kiểm toán còn phải tiếp tục củng cố và tăng cường. Thẩm quyền của Ủy ban chứng khoán trong vấn đề thanh tra, giám sát còn hạn chế nên khả năng phát hiện và xử lý vi pham còn hạn chế.
Giải pháp trong những năm tới
Sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường chứng khoán đã và đang mang lại những cơ hội rất to lớn cho việc cải cách mạnh mẽ hơn trên thị trường chứng khoán. Đồng thời sự phát triển nhanh chóng của thị trường cả về quy mô, dòng vốn, tính đa dạng của các sản phẩm cũng tiềm ẩn những rủi ro cần có những giải pháp cải cách, hoàn thiện nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững của thị trường.
Để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của TTCK Việt Nam trong giai đoạn tới, cần thực hiện các giải pháp sau:
Một là, chú trọng bảo đảm sự phát triển hài hoà giữa cung – cầu của thị trường chứng khoán. Trong giai đoạn hiện nay, khi thị trường đang hồi phục mạnh dòng vốn trong và ngoài nước đang đổ nhiều vào thị trường, cùng tâm lý đang lên của nhà đầu tư, cần thiết phải tăng nguồn cung chất lượng cho thị trường bằng cách:
- Đẩy mạnh thoái vốn, cổ phần hóa ngay từ những tháng đầu năm, giảm bớt tỷ lệ nắm giữ của nhà nước trong các doanh nghiệp không cần nắm giữ, vừa tạo hàng cho thị trường, vừa thu hút thêm dòng vốn từ các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Tích cực sửa đổi các văn bản pháp lý nhằm tháo gỡ các vướng mắc cho vấn đề này.
- Thúc đẩy các ngân hàng thương mại tăng vốn đáp ứng yêu cầu BASEL II.
- Tuân thủ chặt chẽ yêu cầu gắn cổ phần hóa với niêm yết, đăng ký giao dịch nhằm tăng nguồn cung, quy mô thị trường và tính minh bạch cho các doanh nghiệp này. Áp dụng các biện pháp khác nhau như: xử phạt hành chính, khiển trách, cảnh cáo lãnh đạo và người đại diện vốn, tăng cường công tác tư vấn tái cấu trúc, tư vấn niêm yết...
- Điều chỉnh tỷ lệ giao dịch ký quỹ theo lộ trình nhằm tạo tín hiệu” thị trường chứng khoán đã thực sự hồi phục, không còn ở giai đoạn phải kích cầu”.
Ngoài việc coi trọng triển khai các giải pháp tăng cung, cũng cần tiếp tục cải thiện và nuôi dưỡng sức cầu như sau:
- Tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt hỗ trợ cho tăng trưởng như đã áp dụng trong năm 2017. Nghiên cứu tìm giải pháp giảm mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay góp phần giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp.
- Tăng cường thu hút dòng vốn đầu tư dài hạn từ các tổ chức trong và ngoài nước. Áp dụng phương pháp dựng sổ (bookbuilding) trong thoái vốn cổ phần hóa các doanh nghiệp lớn, giảm thiểu rào cản thủ tục trong việc mở tài khoản đầu tư gián tiếp bằng ngoại tệ, tích cực triển khai việc nâng hạng thị trường theo tiêu chuẩn MSCI.
- Phát triển các nhà đầu tư chuyên nghiệp, các tổ chức định mức tín nhiệm, các quỹ hưu trí tự nguyện...
Hai là, hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường chứng khoán trên cơ sở xây dựng Luật chứng khoán mới theo nguyên tắc bảo đảm phát triển an toàn, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả của thị trường chứng khoán; tạo điều kiện cho các tổ chức phát hành huy động vốn thuận lợi với các loại hàng hóa đa dạng trên nền tảng công khai, minh bạch; mở rộng khả năng phát triển và cạnh tranh của các tổ chức kinh doanh chứng khoán đồng thời bảo đảm khả năng quản trị rủi ro, an toàn tài chính, yêu cầu bảo vệ tài sản của nhà đầu tư; thúc đẩy sự phát triển của các loại hình quỹ đầu tư; áp dụng các thông lệ quốc tế phù hợp điều kiện thực tiễn và bảo đảm sự tương thích, hài hòa giữa Luật chứng khoán với các luật khác có liên quan.
Ba là, tiếp tục phát triển và hoàn thiện cấu trúc của thị trường chứng khoán trên nền tảng 3 mảng thị trường: thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh. Trong đó đặc biệt chú trọng phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể huy động vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ cấu lại tài chính doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp xử lý nợ...với nhiều hình thức đa dạng, tạo tiền đề cho việc triển khai thị trường mua bán nợ xấu.
Hiện nay, tổng các khoản nợ ngân hàng khoảng 180 tỷ USD, tương đương khoảng 4 triệu tỷ đồng, nếu chuyển đổi khoảng ¼ khoản trên thành trái phiếu doanh nghiệp là đã có một thị trường khá tiềm năng. Đối với thị trường chứng khoán phái sinh, từng bước đưa vào các sản phẩm chứng khoán phái sinh mới từ đơn giản đến phức tạo theo lộ trình đã được phê duyệt, đồng thời mở rộng sự tham gia của các nhà đầu tư có tổ chức sẽ hứa hẹn sự tăng trưởng tích cực trong tương lai.
Bốn là, đồng thời đổi mới mô hình, tạo điều kiện cạnh tranh và phát triển lành mạnh các định chế trung gian tài chính trên thị trường chứng khoán đi đôi với bảo đảm nâng cao chất lượng, năng lực tài chính, tính chuyên nghiệp cũng như năng lực quản lý rủi ro trên thị trường chứng khoán.
Cùng với sự hồi của thị trường, vấn đề bảo đảm an toàn tài chính theo thông lệ quốc tế cần được tăng cường hơn trước trên cả phương diện quy định pháp lý cũng như giám sát tuân thủ, tiến tới áp dụng quy định giám sát an toàn tài chính theo quy mô, mức độ rủi ro; khuyến khích áp dụng các phương pháp quản trị rủi ro tốt nhất theo thông lệ quốc tế. Từng bước phát triển mô hình tổ chức kinh doanh chứng khoán đa năng phù hợp với thông lệ quốc tế. Khuyến khích sự tham gia, hợp tác của các định chế tài chính quốc tế uy tín với các tổ chức kinh doanh chứng khoán trong nước. Phấn đấu giảm dần số lượng các công ty chứng khoán xuống còn 50-60 công ty.
Năm là, tiếp tục áp dụng chuẩn mực, thông lệ quốc tế về công bố thông tin, kế toán, kiểm toán, lập và trình bày báo cáo tài chính. Trước mắt, có thể có cơ chế khuyến khích công ty niêm yết áp dụng thêm lập và trình bày báo cáo tài chính quốc tế IFRS trong việc công bố báo cáo tài chính kiểm toán.
Chú trọng vấn đề quản trị công ty trong các ngân hàng thương mại, tổ chức kinh doanh chứng khoán, các công ty niêm yết và các doanh nghiệp Nhà nước, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính công khai minh bạch của các doanh nghiệp này, từ đó nâng cao sự bền vững của cả thị trường và nền kinh tế, thông qua nhiều giải pháp: hoàn thiện quy định pháp lý, tăng cường đào tạo cho các thành viên hội đồng quản trị, thư ký công ty, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các chính sách tốt, các quy chế nội bộ về quản trị công ty, ban hành bộ quy tắc đạo đức kinh doanh, tăng cường các thành viên hội đồng quản trị độc lập...
Sáu là, hoàn tất việc tái cấu trúc các Sở giao dịch chúng khoán theo mô hình hiện đại, hiệu quả, tận dụng được thế mạnh hiện nay của từng thị trường. Cần sớm nghiên cứu và có giải pháp cải cách đột phá trong việc chuyển đổi mô hình của Sở giao dịch chứng khoán sang hình thức công ty cổ phần có sự tham gia sở hữu một phần của các thành viên thị trường, cho phếp kết hợp tốt hơn giữa khu vực tư nhân và sự quản lý của Nhà nước nhằm tăng cường tính chủ động tính hiệu quả trong hoạt động, xây dựng mô hình quản trị tiên tiến theo thông lệ quốc tế, phù hợp với chủ trương phát triển khu vực tư nhân hiện nay.Sở giao dịch là nơi tập hợp các công ty niêm yết, với mô hình quản trị công ty ngày càng tốt hơn, thì Sở giao dịch phải đi tiên phong trong vấn đề này.
Bảy là, tăng cường năng lực quản lý, giám sát và cưỡng chế thực thi của cơ quan quản lý nhà nước trên cơ sở cho phép UBCKNN có đủ thẩm quyền như quyền tiếp cận thông tin, đề nghị các cơ quan hoặc yêu cầu đối tượng có liên quan cung cấp thông tin... để thực thi tốt các chức năng quản lý, giám sát, thanh tra và cưỡng chế thực thi. Kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm về thao túng, nội gián, gian lận báo cáo tài chính. Tăng cường sự phối hợp giữa UBCKNN với các cơ quan điều tra, cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng,cơ quan thuế trong việc trao đổi thông tin và xử lý vi phạm.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.