‘Không nên nới thêm room tín dụng để hỗ trợ thị trường bất động sản’

Kỳ Thư - 23/11/2022 17:47 (GMT+7)

(VNF) - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính cho rằng đề xuất nới thêm room tín dụng không hợp lý, bởi thị trường bất động sản hiện nay có quá nhiều vấn đề.

VNF
HoREA cho biết, nhiều doanh nghiệp bất động sản đứng trước rủi ro mất thanh khoản.

Mới đây, Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp bất động sản.

Tại văn bản này, HoREA cho biết, nhiều doanh nghiệp bất động sản đứng trước rủi ro mất thanh khoản, buộc phải thực hiện các biện pháp dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO để tồn tại.

"Có trường hợp doanh nghiệp bất động sản tinh giản tối đa bộ máy, giảm 50% lực lượng lao động hoặc vay vốn ngoài xã hội với lãi suất rất cao hay thanh lý tài sản, dự án với chiết khấu tới 40% giá hợp đồng", văn bản từ HoREA cho biết.

Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu đã có văn bản kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét nới trần tín dụng thêm khoảng 1%, tương đương 100.000 tỷ đồng nguồn vốn tín dụng hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn về pháp lý, trái phiếu doanh nghiệp đối với ngành bất động sản.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính cho rằng đề xuất nới thêm room tín dụng không hợp lý, bởi thị trường bất động sản hiện nay có quá nhiều vấn đề. Việc tái cấu trúc, xem xét chặt chẽ nguồn vốn vào thị trường này rất quan trọng. Do vậy, việc tiếp tục nới room để hỗ trợ một ngành (trong khi đang cần hạn chế) là không nên.

Ông Thịnh nhấn mạnh động thái kiểm soát rủi ro tín dụng bất động sản là phù hợp ở thời điểm này, bởi lẽ nếu không siết chặt tình trạng ngân hàng cho vay sân sau, bắt tay với doanh nghiệp bất động sản mua trái phiếu doanh nghiệp của doanh nghiệp bất động sản để đảo nợ… thì đến một lúc nào đó mức độ nguy hiểm sẽ lan rộng.

“Hơn nữa, việc tăng giá bất động sản sẽ ngày càng hút dòng vốn của các nhà đầu tư và nhà đầu cơ vào thị trường này, cùng với nguồn cung hạn chế, lượng cung tiền lớn trên thị trường sẽ đẩy giá bất động sản tiếp tục tăng. Việc siết tín dụng cũng là một trong những biện pháp giảm lượng tiền vào lĩnh vực này, góp phần đưa bất động sản về giá trị thực, tránh xảy ra bong bóng bất động sản, gây khủng hoảng lan rộng sang khu vực tài chính - tiền tệ; đồng thời thanh lọc nhà đầu tư yếu kém”, ông Thịnh nói.

Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng cũng cần xem xét mức độ tín dụng bất động sản một cách linh hoạt, phù hợp với từng ngân hàng và từng dự án, cần cung cấp vốn vay cho người có nhu cầu ở thực…

Trước đó, trả lời báo chí, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cũng cho rằng, việc cấp thêm room tín dụng cho bất động sản là một giải pháp đáng xem xét, song nên ưu tiên giải ngân cho người mua nhà và có sự giám sát chặt chẽ. Cách thức thực hiện nên là khi tiền bán nhà được chuyển đến tài khoản chủ đầu tư, thì ngân hàng giám sát và thu tiền lại ngay.

“Ngân hàng giải ngân đến đâu, thu nợ đến đó. Làm được như vậy thì rủi ro ngân hàng thấp hơn và kiểm soát được thu nợ và tránh rủi ro từ việc chủ đầu tư mang tiền đi thực hiện dự án khác hoặc mục đích khác. Để thực hiện điều này, NHNN nên có hướng dẫn tiêu chí về đối tượng là người mua nhà để tránh đầu cơ”, ông Thuân nói.

Mặc dù vậy, trong bối cảnh rất nhiều ngân hàng có sở hữu chéo phức tạp, ông chủ ngân hàng có mối liên hệ tinh vi với các doanh nghiệp bất động sản sân sau như hiện nay, thì việc đảm bảo dòng vốn chảy đúng địa chỉ là một thách thức với cơ quan quản lý.

Cùng chuyên mục
Tin khác