'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá 12 đã ban hành Nghị quyết về kinh tế tư nhân, nhấn mạnh vai trò ngày càng to lớn của khu vực này đối với phát triển đất nước. Nghị quyết khẳng định “phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Sau 30 năm đổi mới (khởi xướng năm 1986), một trong những thành tựu nổi bật nhất của cải cách kinh tế ở Việt Nam là sự nổi lên của một khu vực tư nhân năng động. Tuy nhiên, đây không phải là một quá trình trơn tru. Sự phức tạp và “gồ ghề” của nó được phản ánh qua cách sử dụng các thuật ngữ, từ “nền kinh tế sản xuất hàng hóa nhiều thành phần”, đến “cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước”, rồi chuyển sang “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Trước đổi mới, Việt Nam thực chất là một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, Nhà nước quản lý cả đầu vào vật tư nguyên liệu và đầu ra trong sản xuất và chỉ thừa nhận quyền sở hữu nhà nước và tập thể đối với các công cụ sản xuất chủ yếu. Về cơ bản, quyền tự chủ kinh doanh còn vắng bóng.
Đối với khu vực tư nhân, năm 1986 chính là mốc khởi đầu của quá trình thay đổi tư duy không thể đảo ngược; theo đó Việt Nam đi vào tạo dựng mô hình kinh tế thị trường hỗn hợp với cấu trúc sở hữu đa dạng. Vào cuối những năm 1980 và đầu 1990, Việt Nam đã thực hiện một gói cải cách toàn diện và cấp tiến nhằm ổn định, mở cửa nền kinh tế và tăng cường cạnh tranh cùng quyền tự do lựa chọn cho các đơn vị kinh tế. Lần đầu tiên, Chính phủ đã thể hiện trên thực tế sự hỗ trợ cho khu vực tư nhân trong nước phát triển.
Năm 2000 là bước ngoặt quan trọng tiếp theo trong phát triển khu vực tư nhân. Luật Doanh nghiệp được thông qua làm giảm đáng kể gánh nặng quản lý đối với việc đăng ký kinh doanh, góp phần tạo ra sự gia tăng nhanh chóng số lượng doanh nghiệp tư nhân. Kể từ đó, khu vực tư nhân đã phát triển mạnh, đóng góp tới 39 - 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Đáng chú ý là khu vực tư nhân cũng chính là nguồn tạo việc làm chủ yếu, hấp thụ khoảng 85% trong số 1,3-1,4 triệu người gia nhập thị trường lao động mỗi năm.
Hiện tại chúng ta có thể nhìn thấy hình ảnh của một khu vực tư nhân năng động và nổi bật với một số lượng lớn ba, bốn thế hệ doanh nhân biết tiến bước để thành công. Cùng với đó là một phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ.
Năm 2016 và 2017, đất nước đã chứng kiến một số lượng doanh nghiệp mới thành lập đạt kỷ lục, tương ứng là 110.000 và 127.000, đưa tổng số doanh nghiệp tư nhân lên gần 700.000. Số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng gần gấp đôi trong hai năm, từ 1.800 năm 2016 lên hơn 3.000 năm 2017. Khoảng 40 quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế đã hoạt động tại Việt Nam; nhiều định chế tài chính, các tập đoàn và các nhà đầu tư đang tích cực tham gia huy động, sử dụng nguồn lực tài chính lớn cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Động lực cho phát triển của kinh tế tư nhân chính là sự khẳng định của Nhà nước về vai trò to lớn của khu vực này, là việc thừa nhận quyền sở hữu tư nhân và quyền tự do kinh doanh, cùng các chính sách hỗ trợ khác. Nghị quyết mới xem kinh tế tư nhân như một điều kiện tiên quyết cho sự phát triển đất nước đã tái khẳng định cam kết của Việt Nam là tạo xung lực vững chắc cho khu vực tư nhân lớn mạnh một cách bền vững.
Việt Nam hiện có gần 700.000 doanh nghiệp tư nhân, nhưng đa số các doanh nghiệp đăng ký đều có quy mô nhỏ, tới 70% có qui mô dưới 10 lao động và vốn đăng ký dưới 5 tỷ đồng. Số lượng doanh nghiệp lớn đang tăng lên, nhưng vẫn chưa thể hiện được vai trò dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo và tăng trưởng.
Một lo ngại nữa trong khu vực tư nhân là xu hướng qui mô giảm dần, cản trở tăng năng suất nhờ lợi thế qui mô, chuyên môn hóa và sáng tạo công nghệ. Nhiều hộ kinh doanh từ chối đăng ký làm doanh nghiệp chính thức, do sợ phải đói phó với nhiều vấn đề liên quan đến tệ quan liêu và cách thức quản lý, làm tăng chi phí giao dịch.
Các công ty tư nhân có vị trí nổi bật trong hàng loạt cụm liên kết ngành (industrial clusters), như dệt may, giày dép và một số mặt hàng khác. Nhưng lưu ý là cấu trúc tổng thể của khu vực tư nhân vẫn mất cân đối, với hơn 80% doanh nghiệp tập trung vào các lĩnh vực thương mại và dịch vụ năng suất thấp và có giá trị gia tăng thấp. Số lượng các doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và chế biến không nhiều.
Thực tế cũng cho thấy các doanh nghiệp tư nhân đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh, với tỷ lệ thua lỗ và phá sản ở mức cao, trung bình là 45% trong giai đoạn 2007- 2016.
Báo cáo Việt Nam 2035 chỉ ra rằng năng suất và sức cạnh tranh của khu vực tư nhân Việt Nam có xu hướng giảm. Các doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia vào mạng sản xuất toàn cầu/khu vực song có vị thế yếu trong các chuỗi giá trị toàn cầu/khu vực.
Tất cả những điều đó chứng tỏ còn có rất nhiều trở ngại để khu vực tư nhân Việt Nam phát triển và trở thành khu vực dẫn đầu.
Có nhiều yếu tố đằng sau sự phát triển còn xa kỳ vọng của khu vực tư nhân. Như Báo cáo Việt Nam 2035 đã chỉ ra, đó là những yếu kém trong đảm bảo quyền tài sản, “sân chơi” không công bằng, sự méo mó của các thị trường nhân tố sản xuất cũng như việc khó tiếp cận chúng, và chi phí giao dịch cao.
Về mặt pháp lý, điểm yếu lớn nhất có lẽ là khung khổ đảm bảo quyền sở hữu tư nhân và cạnh tranh tự do và công bằng. Yếu kém trong thực thi pháp luật về quyền sử dụng đất và quyền sở hữu trí tuệ đã kìm hãm sự nảy sinh các công ty tư nhân lớn và có tính cạnh tranh cao.
Thực tế là các doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm ưu thế trong nhiều ngành và nhận được nhiều ưu đãi thông qua mối quan hệ thân hữu với quan chức nhà nước. Điều này cũng đang làm giảm cơ hội kinh doanh của các công ty tư nhân lành mạnh.
Sự không công bằng về môi trường kinh doanh cũng thể hiện qua khả năng tiếp cận vốn, đất đai, thông tin, cơ sở hạ tầng và lao động của khu vực tư nhân. Chi phí giao dịch được cho là còn rất cao, xuất phát cả từ sự quan liêu cũng như nạn tham nhũng. Trong khi đó, cơ quan cạnh tranh không làm tốt được công việc của mình do quyền lực yếu và tính độc lập thấp.
Vấn đề còn nằm ở chính sự yếu kém của các công ty tư nhân về nhận thức phát luật và thị trường, tầm nhìn phát triển và mạng lưới hợp tác, đó là chưa nói tới cách thức quản trị và văn hóa doanh nghiệp.
Các nhà kinh tế học và các doanh nhân đã thảo luận và đề xuất nhiều sáng kiến, biện pháp cho Chính phủ để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển bền vững đi cùng với việc cổ phần hóa và cải cách doanh nghiệp nhà nước một cách thưc chất. Nó khẳng định Việt Nam “chơi thật”, ở những lĩnh vực thị trường, tư nhân làm tốt và tốt hơn thì để tư nhân làm.
Quan trọng nhất là hiệu qủa trong phân bổ và sử dụng nguồn lực. Nó còn giúp tạo thêm niềm tin cho thị trường vào câu chuyện cải cách ở Việt Nam. Và đây là một quá trình dài cần cách tiếp cận nhất quán cả từ nỗ lực khu vực tư nhân và sự hỗ trợ của Chính phủ.
Trước hết, phải có những chuyển biến cải cách mạnh mẽ về thể chế để tiếp tục giải quyết tệ nạn quan liêu trong ứng xử vói kinh doanh, đồng thời đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, nhất là trong tiếp cận đất đai, vốn, thông tin và các yếu tố sản xuất khác cho doanh nghiệp tư nhân.
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu vào thị trường toàn cầu, việc thiết lập các cụm liên kết ngành mạnh để doanh nghiệp tư nhân có vị trí kinh doanh thuận lợi sẽ giúp tăng năng suất, thúc đẩy xuất khẩu và khuyến khích đổi mới sáng tạo.
Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, Việt Nam đã có không ít chính sách và Chính phủ đã thành lập các quỹ hỗ trợ nghiên cứu và phát triển (R&D), song hiệu quả và tác động lan tỏa về công nghệ còn hạn chế. Tại Hàn Quốc và Nhật Bản, các doanh nghiệp nhỏ và vừa giữ vị trí hàng đầu trong hoạt động R&D. Chính phủ có thể có các biện pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp và gián tiếp, bao gồm giảm thuế cho các công ty công nghệ cao và cung cấp vốn cho các doanh nghiệp có trải nghiệm tốt được chứng thực.
Điểm không thể không nói tới là việc bắt kịp thời đại Công nghiệp 4.0. Trước hết cần tạo dựng một khung khổ pháp lý thích hợp cùng với sự quyết liệt thực thi, đặc biệt liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh và việc thu hút FDI công nghệ. Thiết lập hệ thống sáng tạo quốc gia lấy doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo làm trung tâm chính là đòn bày cho công cuộc này.
ASEAN có chiến lược cải thiện môi trường kinh doanh để các doanh nghiệp nhỏ và vừa trở nên cạnh tranh, sáng tạo và năng động hơn. Chiến lược đó dựa trên 8 khía cạnh chính sách, đo lường theo Chỉ số Chính sách SME (1. Khung khổ thể chế; 2. Tiếp cận dịch vụ hỗ trợ; 3. Những điều tiết thuận lợi cho khởi nghiệp và SMEs); 4. Tiếp cận tài chính; 5. Công nghệ và chuyển giao công nghệ; 6. Mở rộng thị trường quốc tế; 7. Thúc đẩy giáo dục kinh doanh; 8. Hiệu lực đại diện lợi ích SMEs) . Việt Nam có vị trí trung bình về Chỉ số Chính sách SME so với các nước thành viên ASEAN. Điều đó có nghĩa rằng Việt Nam còn rất nhiều dư địa để hoàn thiện không gian và môi trường cho khu vực tư nhân phát triển.
Khu vực kinh tế tư nhân chính là chúng ta, và vì vậy cần phải có trách nhiệm đặc biệt. Đây thực sự là điều cực kỳ quan trọng đối với kinh tế Việt Nam. Có một khu vực tư nhân năng động và cạnh tranh là một bảo đảm vững chắc cho sự phát triển và thịnh vượng của Việt Nam. Thành công phụ thuộc vào công cuộc hiện thực hóa thể chế đúng đắn và các chính sách hỗ trợ thích hợp.
Cụm liên kết ngành Hình thành các cụm liên kết ngành (CLKN-industrial clusters) là một hướng đi chính sách cần đặc biệt quan tâm. Nhiều nghiên cứu về CLKN cho thấy các nhân tố tạo ra sự phát triển CLKN bao gồm : môi trường thể chế chuyên nghiệp và thân thiện, thu dụng được nhân tài và một lực lượng lao động có kỹ năng; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; sự có mặt của các doanh nghiệp tiên phong, trong đó có vai trò của FDI; và dịch vụ hỗ trợ kinh doanh thuận lợi. Đồng thời, cần thận trọng với can thiệp nhà nước. CLKN nảy sinh một cách “tự nhiên” và phát triển dưới tác động của thị trường. Chính vì vậy, can thiệp chính sách thường có ích nhất trong giai đoạn đầu của chu kỳ phát triển CLKN. Khéo léo cân bằng giữa chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tiên phong, tập đoàn đa quốc gia và cam kết chuyển giao công nghệ, đào tạo, R&D cũng là một nội dung quan trọng. |
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.