Làn sóng thâu tóm mới, công ty bảo hiểm Việt liên tục đổi chủ
(VNF) - Tasco đang lên kế hoạch rót thêm 800 tỷ đồng vào Bảo hiểm Tasco. Đây là bước đi tiếp theo sau khi Tasco thâu tóm DN bảo hiểm Bảo hiểm Groupama Việt Nam cuối năm 2022 và đổi tên thành Bảo hiểm Tasco.
Tasco đổ vốn vào cuộc chơi bảo hiểm
Công ty Cổ phần Tasco (HNX: HUT) vừa thông qua việc tăng vốn điều lệ cho Công ty TNHH Bảo hiểm Tasco (TIC), với số vốn tăng thêm là 800 tỷ đồng. Tasco – chủ sở hữu của công ty bảo hiểm này sẽ sẽ trực tiếp rót vốn bằng cách nộp tiền vào tài khoản Bảo hiểm Tasco.
Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ của công ty sẽ tăng từ 405 tỷ đồng lên 1.205 tỷ đồng. Thời điểm tăng vốn dự kiến trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày Bộ Tài chính có văn bản chấp thuận nguyên tắc cho Bảo hiểm Tasco được tăng vốn theo phương án nêu trên.
Được biết, Tasco sẽ sử dụng vốn huy động được từ cổ đông hiện hữu thông qua việc phát hành hơn 178 triệu cổ phiếu. Với mức giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu (bằng mệnh giá), Tasco dự kiến huy động được hơn 1.785 tỷ đồng.
Phương án sử dụng vốn được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 là dành 1.000 tỷ đồng góp vốn vào TIC và hơn 785 tỷ đồng còn lại góp vốn vào Công ty Cổ phần VETC.
Số tiền rót vào TIC sẽ được dùng cho việc mở rộng hoạt động kinh doanh bảo hiểm; đầu tư, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin.
Kể từ khi nhận chuyển nhượng 100% phần vốn góp tại Bảo hiểm Groupama Việt Nam (tên cũ của Bảo hiểm Tasco) từ Groupama Assurances Mutuelles, một tập đoàn bảo hiểm của Pháp, Tasco đã liên tục đánh tiếng về việc rót thêm vốn vào công ty bảo hiểm này.
Cuối năm 2022, Tasco công bố nghị quyết của HĐQT, thông qua việc tăng vốn cho TIC bằng hình thức góp thêm hơn 612 tỷ đồng.
Tới đầu năm 2023, Tasco công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên, trình cổ đông thông qua việc phát hành hơn 116 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng, huy động hơn 1.162 tỷ đồng. Trong đó, công ty dự kiến dùng 612 tỷ đồng để góp vốn vào TIC.
Tuy nhiên, trước thềm đại hội, Tasco đã điều chỉnh tờ trình với việc dùng toàn bộ số tiền thu được từ đợt phát hành để đầu tư góp vốn tăng vốn điều lệ cho công ty bảo hiểm này. Kế hoạch phát hành và góp này được ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 thông qua, nhưng lại bị huỷ bỏ tại phiên họp thường niên năm 2024, do không phù hợp với tình hình.
Thay vào đó, Tasco đã xây dựng kế hoạch phát hành và huy động mới như đã nêu trên, được ĐHĐCĐ thông qua hồi cuối tháng 5 vừa qua. Việc khởi động quá trình tăng vốn cho TIC có thể là một trong những động thái đầu tiên cho hoạt động phát hành cổ phiếu cho cổ đông mà Tasco vẫn chưa thể thực hiện từ năm 2023 đến nay.
Mới đây, công ty đã thông báo lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về các nội dung liên quan thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ, thời gian thực hiện từ tháng 10-11/2024. Không ngoại trừ khả năng đây là nội dung về việc triển khai phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Làn sóng thâu tóm công ty bảo hiểm
Thời điểm Tasco thâu tóm TIC cũng là lúc thị trường bảo hiểm trở nên sôi động với các thương vụ M&A. Song song với thương vụ Tasco mua TIC, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Bảo hiểm OPES lên mức chi phối, gia tăng số lượng cổ phần nắm giữ từ 6,05 triệu đơn vị lên 53,9 triệu đơn vị.
Số tiền trả thêm cho việc gia tăng sở hữu là 585 tỷ đồng, tương đương đơn giá trung bình là 12.200 đồng/cổ phần. Kể từ đây, Bảo hiểm OPES đã chính thức trở thành công ty con của VPBank.
Hay như trước thương vụ này, Tập đoàn Bamboo Capital (HoSE: BCG) đã mua chi phối Công ty Bảo hiểm AAA, với tổng số tiền đầu tư là hơn 316 tỷ đồng. Theo đó, BCG đã nhận chuyển nhượng một phần cổ phần Bảo hiểm AAA từ Tập đoàn Bảo hiểm Australia IAG (IAG), thay thế nhà đầu tư ngoại này trở thành cổ đông lớn nhất của Bảo hiểm AAA.
Thương vụ cũng đánh dấu sự gia nhập chính thức của BCG vào thị trường bảo hiểm Việt Nam, với tham vọng mở rộng thêm mảng bảo hiểm nhân thọ - vốn là mảng có rất ít doanh nghiệp Việt Nam tham gia.
Sang năm 2023, một doanh nghiệp bảo hiểm đến từ Hàn Quốc – DB Insurance hâm nóng thị trường bảo hiểm khi công bố mua lại 75% vốn của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) và Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không (AIC).
2 thương vụ đã hoàn tất trong năm 2024, ước tính tiêu tốn của DB Insurance hàng nghìn tỷ đồng để gia tăng sự hiện diện tại thị trường Việt Nam.
Gần đây nhất, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã góp vốn thành lập Công ty cổ phần Bảo hiểm Phi nhân thọ Techcom (TCGIns), cung cấp các sản phẩm như bảo hiểm tài sản, bảo hiểm hàng hóa vận chuyển, bảo hiểm hàng không, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm cháy nổ, các loại nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe...
Với vốn điều lệ 500 tỷ đồng, Techcombank sẽ tham gia góp vốn với tỷ lệ 11% tại TCGIns. Công ty dự kiến chính thức hoạt động vào đầu tháng 11 tới đây.
Từ các thương vụ này, có thể thấy làn sóng M&A và gia nhập vào thị trường bảo hiểm Việt Nam liên tục được hâm nóng qua mỗi năm. Điều này cho thấy sự hấp dẫn của thị trường này, trong bối cảnh dư địa phát triển còn rất lớn do tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm vẫn ở mức thấp.
Ngành bảo hiểm đã bước qua cuộc khủng hoảng niềm tin vào năm 2023 và đang trong giai đoạn xây dựng lại niềm tin từ người mua, cũng như điều chỉnh lại quy trình tư vấn, bán hàng để không xảy ra những sự việc đáng tiếc. Nhiều quy định mới cũng được đưa ra để thắt chặt quản lý, nâng cao tính minh bạch và bảo vệ quyền lợi của khách hàng.
Mới đây, ngành bảo hiểm càng trở thành điểm nóng khi cơn bão Yagi đi qua, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng về kinh tế. Một mặt, việc bồi thường thiệt hại sau cơn bão có thể ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả kinh doanh của các công ty bảo hiểm.
Tuy nhiên mặt khác, việc chi trả bồi thường đúng và kịp thời cho người dân, doanh nghiệp cũng sẽ góp phần xây dựng lại niềm tin của khách hàng, khẳng định tầm quan trọng của bảo hiểm khi thảm hoạ thiên nhiên xảy ra.
Tasco Auto chuyển đổi các công ty liên kết thành công ty con
- Thâu tóm Sweden Auto, Tasco Auto thành nhà phân phố Volvo tại Việt Nam 08/07/2024 03:56
- Tasco: Năm 2024, dự thu gần 1 tỷ USD từ bán ô tô 01/06/2024 09:00
- DN của Chủ tịch Vũ Đình Độ muốn trở thành cổ đông lớn nhất của Tasco 31/05/2024 07:45
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.