Ngân hàng sẽ ‘cải tổ’ như thế nào với sự bùng nổ của AI?

Hà Thu - 01/12/2020 15:04 (GMT+7)

(VNF) - Việc áp dụng công nghệ phân tích dữ liệu từ những tiến bộ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) trong quy trình hoạt động và giao tiếp với khách hàng sẽ tạo ra cuộc “cải tổ” trong hoạt động các ngân hàng, từ trong ra ngoài.

VNF
Với LiveBank, TPBank đã tiên phong mô hình “ngân hàng không ngủ, không nghỉ” tại Việt Nam.

Ngành ngân hàng Việt Nam đang đứng trước những bước chuyển mình mới với công nghệ định danh điện tử (eKYC), hiện đang được triển khai ở nhiều ngân hàng. Nhiều chuyên gia tin rằng eKYC là bước đi đầu tiên cần thiết, là tiền đề thay đổi toàn bộ cách thức xã hội sử dụng dịch vụ tài chính nói riêng và các dịch vụ công nói chung.

Tuy nhiên, công nghệ eKYC dành cho việc đăng ký tài khoản chỉ mới là “bề nổi”, đằng sau đó là hàng loạt các công nghệ tiên tiến được áp dụng để nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Một ví dụ điển hình là hệ thống giao dịch tự động LiveBank của TPBank đã mang lại những trải nghiệm mới mẻ cho khách hàng khi chưa tới 10 phút có thể mở tài khoản qua eKYC, cấp thẻ vật lý, đổi mã PIN và tiêu tiền được ngay. Khách hàng đến giao dịch cũng được hệ thống nhận diện được ngay họ là ai, giao dịch cũng không cần đến giấy tờ tùy thân nữa.

Ứng dụng di động, TPBank Mobile, của ngân hàng này cũng đã được triển khai tính năng eKYC, cho phép khách hàng mở tài khoản ngân hàng bằng điện thoại di động với thời gian chỉ tính bằng giây. Thậm chí, ứng dụng còn có khả năng thống kê lại các khoản chi tiêu của khách hàng, đưa ra cảnh báo và gợi ý điều chỉnh giúp khách hàng kiểm soát được tài chính cá nhân.

Để mang lại được những lợi ích, trải nghiệm mới mẻ đó cho khách hàng, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết ngân hàng đã ứng dụng rất sớm công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (Machine Learning), học sâu (Deep Learning), kết hợp với sử dụng phân tích dữ liệu lớn ứng dụng vào hoạt động kinh doanh. Không chỉ thế, quá trình chuyển đổi số cũng đã diễn ra hết sức mạnh mẽ trong nội bộ của TPBank.

Đến nay, TPBank đã triển khai hơn 70 robot để tự động hóa việc nhập liệu thủ công trước đây. Những con robot và công nghệ OCR có ứng dụng AI đã số hóa và kiểm soát hàng triệu trang hồ sơ ở ngân hàng trong năm nay, không chỉ tiết kiệm chi phí nhân sự, thời gian mà còn gia tăng mức độ chính xác, giảm thiểu rủi ro. Dự kiến số lượng robot được triển khai ở ngân hàng này trong năm 2021 sẽ là 140, nâng khả năng xử lý hồ sơ lên 20 triệu trang.

“Cho đến nay có đến 80% công nghệ mới của chúng tôi có ứng dụng AI. Công nghệ đã mang lại những trải nghiệm mới mà ngân hàng truyền thống chưa từng nghĩ đến trước đây. Những việc trước đây chúng ta khó tưởng tưởng được thì đang dần trở thành hiện thực”, ông Hưng chia sẻ.

Nhưng số hóa quy trình nội bộ của ngân hàng cũng vẫn chỉ là một phần trong câu chuyện “cải tổ” hoạt động ngành. Theo chia sẻ của nhiều chuyên gia, tương lai của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, máy học sẽ thay đổi cách ngân hàng tạo ra sản phẩm và quyết định cho vay, cũng như ngăn chặn từ sớm các rủi ro gian lận.

Trusting Social, đơn vị mất 8 năm phát triển công nghệ chấm điểm tín dụng khách hàng dựa trên các nguồn dữ liệu thay thế và 3 năm cho các giải pháp eKYC, nhìn nhận rằng mọi dữ liệu đều liên quan đến tín dụng. Theo đó, có dữ liệu thì có thể đi theo bước chân người dùng và tạo ra các sản phẩm mới.

“Vai trò AI không thể chỉ bị gói bên trong dữ liệu mà ngân hàng thu thập được, mà phải mở rộng ra nguồn dữ liệu mới, từ đó chúng ta có thể mở rộng biên giới hơn, thay vì bán hàng sau một quãng đường dài kiểm tra lịch sử tín dụng, ngược lại có thể bán ngay trực tiếp cho khách hàng”, ông Nguyễn An Nguyên, Giám đốc điều hành Trusting Social, nói.

Ông Hưng nhìn nhận tùy vào nhóm đối tượng khách hàng sẽ phù hợp với các mô hình công nghệ khác nhau và tùy từng khẩu vị rủi ro của từng ngân hàng. Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ và mô hình để dự báo nhu cầu khách hàng, cảnh báo rủi ro sớm là điều mà TPBank cũng đang thực hiện.

“Công nghệ sẽ giúp phân tích các dữ liệu như lịch sử giao dịch, hành vi tiêu dùng, hay các thông tin khác để ngân hàng quyết định xem nên nên chào sản phẩm gì, hay cung cấp hạn mức tín dụng đến đâu và nên làm gì,” ông Hưng nói và đưa ra ví dụ tại TPBank, AI và Big Data thậm chí có thể dự báo xem khách hàng nào sắp rời bỏ mình để tìm cách chăm sóc và giữ chân phù hợp nhất.

Giao dịch tiện lợi và an toàn chỉ bằng một chạm vân tay tại TPBank LiveBank.

Tuy nhiên, để AI làm việc hiệu quả đòi hỏi phải có một kho dữ liệu đủ lớn, chính xác, đồng nghĩa với việc ngân hàng phải chuyển đổi số đồng bộ từ trong ra ngoài và có một hệ thống dữ liệu lớn không ngừng được làm giàu từ mọi mặt hoạt động của ngân hàng.

Để giải quyết bài toán này, theo đại diện của TPBank, nên đi từng bước một, từ những công việc nhỏ, giúp từng bộ phận trong nội bộ làm quen dần, rồi tự mình nhận ra có thể ứng dụng công nghệ mới vào rất nhiều công việc khác nhau trong đơn vị mình, từ đó tạo ra nhu cầu thực sự của việc chuyển đổi số.

“TPBank cũng không có tham vọng sáng tạo ra công nghệ gì mới, không cần đao to búa lớn mà tập trung vào ứng dụng thực tế nhiều hơn”, ông Hưng chia sẻ.Tuy nhiều khó khăn nhưng con đường đưa trí tuệ nhân tạo “nhúng” sâu hơn vào hoạt động cũng đầy thú vị và thách thức, vị đại diện TPBank cũng khẳng định hướng đi công nghệ của ngân hàng đã được vạch ra từ năm 2012. “Nhân viên ngân hàng sẽ ngày càng thông minh hơn. Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho công nghệ nói chung và AI nói riêng", ông nói.

Cùng chuyên mục
Tin khác