NHNN tiếp tục lên tiếng về việc khách hàng bị 'ép' mua bảo hiểm khi vay vốn

Hải Đường - 31/10/2022 16:22 (GMT+7)

(VNF) - Đối với trường hợp bị “ép” mua bảo hiểm khi vay vốn, Ngân hàng Nhà nước đã thiết lập đường dây nóng để nắm bắt và xử lý kịp thời mọi phản ánh, kiến nghị của người dân và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động ngân hàng.

VNF
(Ảnh minh hoạ)

Theo đó, ông N.T Mạnh mới đây đã phản ánh về việc khi liên hệ với một số ngân hàng để vay vốn, nhân viên ngân hàng đều cho biết phải mua bảo hiểm nhân thọ thì mới thực hiện giải ngân.

Ông Mạnh cho biết thực trạng này đã diễn ra trong nhiều năm qua, nếu khách hàng không mua bảo hiểm thì hồ sơ vay không được thẩm duyệt. Ông đề nghị cơ quan chức năng xem xét, xử lý vấn đề này và đề xuất về đường dây nóng để người dân có thể phản ánh những việc các ngân hàng làm sai quy định.

Trả lời về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước cho biết pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã quy định các nguyên tắc, quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan trong kinh doanh và khai thác bảo hiểm. Điều này nhằm bảo đảm việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện, trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng.

Trường hợp ông N.T. Mạnh có bằng chứng việc các ngân hàng "ép" mua bảo hiểm, Ngân hàng Nhà nước đề nghị ông Nguyễn Thế Mạnh gửi đơn kèm bằng chứng tới cơ quan này để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với đề nghị nên có đường dây nóng để phản ánh nóng về tình trạng nêu trên, hiện nay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thiết lập đường dây nóng để nắm bắt và xử lý kịp thời mọi phản ánh, kiến nghị của người dân và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Theo đó, số cố định của của đường dây nóng là (024) 3936.1017. Số di động là 0942.966.854. Email: [email protected]

Được biết, hoạt động bancassurance hiện đang được nhiều ngân hàng thương mại thúc đẩy mạnh mẽ. Một số ngân hàng đã bắt tay với các doanh nghiệp bảo hiểm, ký kết những hợp đồng độc quyền về sản phẩm bảo hiểm trong hàng chục năm.

Tuy khoản hoa hồng trong các thương vụ này không được công bố chính xác, nhưng các ngân hàng sau khi ký kết hợp tác với doanh nghiệp bảo hiểm đều ghi nhận hàng nghìn tỷ đồng lãi thuần từ hoạt động dịch ở ngay kỳ kế toán sau đó nhờ khoản đại lý trả một lần liên quan đến sản phẩm bảo hiểm.

Nhận trước hàng nghìn tỷ đồng hoa hồng có thể một trong những lý do khiến các ngân hàng thương mại đẩy mạnh hoạt động bán bảo hiểm tại ngân hàng. Dù lãnh đạo nhiều ngân hàng đều lên tiếng về việc không có quy định bắt buộc khách hàng mua kèm bảo hiểm khi vay vốn, nhưng trên thực thế nhân viên của nhà băng lại bị giao chỉ tiêu bán bảo hiểm khá cao, dẫn đến tình trạng “bán bia kèm lạc” như ông N.T Mạnh đã phản ánh.

Cùng chuyên mục
Tin khác