Nở rộ hội nhóm truyền nhau cách bùng nợ vay tiêu dùng
Mai Lý -
18/07/2023 10:37 (GMT+7)
(VNF) - Tình trạng bùng nợ các app cho vay, ngân hàng hay các công ty tín dụng đang ngày càng "nở rộ". Tuy nhiên, người vay không ý thức được rằng mình sẽ phải trả một cái giá đắt khi cố tình bùng nợ.
Nở rộ các hội nhóm hướng dẫn bùng nợ
Trên các trang mạng xã hội hiên không khó để bắt gặp những bài đăng hỏi về cách bùng nợ tín dụng, bùng app vay tiền. Chỉ trong thời gian ngắn, các hội nhóm hướng dẫn cách bùng nợ vay công ty tài chính tiêu dùng, vay ngân hàng mọc lên như nấm với số lượng thành viên lên tới cả trăm nghìn người.
Trong vai một người đang tìm cách bùng nợ tín dụng, chỉ với một đăng một bài “kêu cứu” tìm cách bùng vay nợ, ngay lập tức dóng chia sẻ sẽ nhận được hàng tá bình luận chia sẻ kinh nghiệm cũng như hướng dẫn chi tiết cách bùng nợ khi vay tiền qua các công ty tài chính tiêu dùng, vay qua app, ngân hàng.
Trong nhóm “Tư vấn bùng nợ thẻ tín dụng và vay tiêu dùng”, một thành viên thừa nhận mình từng bùng nợ vay tín dụng qua app và “không gặp phải bất kỳ rắc rối nào trong thời gian qua”. Nhiều người còn “vẽ đường cho hươu chạy” với lời khuyên “cứ bùng đi vì chẳng ai làm gì được mình đâu”.
Thậm chí có không ít đối tượng còn công khai bán dịch vụ hỗ trợ trốn nợ như bán tài khoản mạng xã hội ảo, tạo danh bạ và căn cước công dân giả, nhận gọi điện trấn an người than… Với mức phí chỉ từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, người đi vay sẽ được các bên chuyên tư vấn bùng nợ hướng dẫn chi tiết trong các nhóm kín.
Lợi dụng tình trạng nhiều đơn vị cầm đồ “núp bóng” các công ty tài chính hay hoạt động đòi nợ trái pháp luật bị điều tra trong thời gian gần đây, nhiều cá nhân, tổ chức đã cố tình “đánh tráo khái niệm”, khiến người dân hiểu chưa đúng về hoạt động các công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng nhà nước cấp phép cũng như hoạt động thu nợ của các công ty tài chính, ngân hàng. Cùng với những “lời khuyên” từ “người thật, việc thật”, không ít người nảy sinh tâm lý “họ bùng được, mình cũng bùng được” hay “sao mình phải trả nợ trong khi có đầy người quỵt vẫn không bị ảnh hưởng gì?”
Cảnh báo hậu quả
Đối tượng đầu tiên bị ảnh hưởng trực tiếp từ “trào lưu” bùng nợ chính là các công ty tài chính và ngân hàng. Anh Phạm Đăng Nguyên - cán bộ tín dụng của một ngân hàng thương mại cổ phần tại Hà Nội, chia sẻ với VietnamFinance: “Do kinh tế khó khăn nên tình trạng nợ xấu đang có xu hướng tăng trong thời gian qua. Nhiều người vay không có khả năng trả nợ hoặc cố tình chây ì, chặn cuộc gọi, tin nhắn nhắc nợ của bên ngân hàng. Chính vì thế, gần đây phía ngân hàng buộc phải thắt chặt các quy định cho vay để tránh rủi ro”.
Nhiều công ty tài chính, ngân hàng phải tăng chi phí cho hoạt động nhắc nợ, đòi nợ hay trích lập dự phòng theo tình hình nợ xấu thực tế. Hệ quả là khả năng tăng trưởng kinh doanh của ngân hàng, công ty tài chính đó bị ảnh hưởng, kéo theo mức điều chỉnh tăng lãi suất cho vay, tác động trực tiếp đến người vay.
Tuy nhiên, không chỉ có phía ngân hàng hay các công ty tài chính, ngay cả những người đi vay cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro khi bùng nợ. Theo anh Phạm Đăng Nguyên nếu không trả các khoản vay, người vay sẽ để lại lịch sử tín dụng xấu trên hệ thống CIC (Trung tâm Thông tin Tín Dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam). Từ đó, người vay sẽ khó có thể tiếp tục vay mượn tại các tổ chức tài chính hợp pháp”. Nếu không thể dựa vào các công ty tài chính hợp pháp hay các ngân hàng, người vay sẽ chịu thiệt và có thể vướng vào tín dụng đen hay các nguồn cho vay trái pháp luật.
Nghiêm trọng hơn, người đi vay còn có thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Điều 175 Bộ luật Hình sự ghi rõ: "Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả".
Theo đó, một người sẽ bị khép vào tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” nếu cố tình vay để bùng tiền của người cho vay. Khung hình phạt của tội này tối thiểu là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, tối đa có thể bị phạt tù lên tới 20 năm.
Trong trường hợp người vay cố tình làm giả giấy tờ, cung cấp thông tin cá nhân giả (danh bạ, tài khoản mạng xã hội…), họ sẽ bị khởi tố với hành vi “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Để hạn chế tình trạng bùng nợ cần phải có sự nỗ lực của cả hai phía, bên cho vay và bên đi vay. Người dân cần tự nâng cao ý thức và phân biệt rõ về các tổ chức tài chính hợp pháp và bất hợp pháp, tỉnh táo trước những lời dụ dỗ trên các hội nhóm Facebook. Trái lại, các công ty tài chính cũng cần phải nỗ lực để cải tiến, giúp thủ tục vay vốn đơn giản và gọn nhẹ hơn, giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các nguồn tín dụng chính thống.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.