Ông Đàm Thế Thái tiết lộ bản chất cho vay tiêu dùng của HD Saison

Ánh Dương - 04/01/2018 12:25 (GMT+7)

70% cho vay của HD Saison là khách hàng mua các sản phẩm phục vụ những mục đích tiêu dùng thực và cụ thể, còn lại 30% là cho vay bằng tiền mặt.

VNF
Ông Đàm Thế Thái, Phó Tổng giám đốc HD Saison.

HD Saison bắt đầu bứt phá khi về một nhà với HDBank

Thông tin trên được ông Đàm Thế Thái, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tài chính Trách nhiệm Hữu hạn HD Saison chia sẻ tại buổi Roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển TP. HCM (HDBank - Mã HDB) chiều 3/1/2018.

Ông Thái cho biết, khoảng 70% cho vay của HD Saison để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực sự, khách hàng vay để mua một sản phẩm cụ thể như xe máy, tivi, tủ lạnh… Qua đó, HD Saison có thể kiểm soát được mục đích sử dụng tiền và giảm rủi ro. Với 30% còn lại, HD Saison cho vay tiền mặt đối với khách hàng đã từng vay và có lịch sử trả nợ tốt.

Theo ông Thái, hướng đi này của HD Saison khác với công ty "bạn" trên thị trường cho vay tài chính tiêu dùng. Bởi công ty này có danh mục cho vay khoảng 80% là tiền mặt đối với khách hàng mới đầu tiên, chỉ có 20% cho vay để mua hàng.

HD Saison được thành lập vào năm 2007 với pháp nhân là Công ty TNHH MTV Tài Chính Việt Société Générale (SGVF) của Pháp, đây là công ty tài chính phi ngân hàng 100% vốn nước ngoài đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp giấy phép hoạt động với số vốn đầu tư 520 tỷ đồng. Mục tiêu hoạt động của SGVF là cung cấp những giải pháp tài chính trong lĩnh vực tiêu dùng cá nhân.

Trong vòng 3 năm, đến năm 2010, SGVF đã giải ngân cho khách hàng gần 2.000 tỷ đồng để mua hàng chục nghìn xe gắn máy, TV, tủ lạnh, máy vi tính, nâng cao chất lượng cuộc sống cho hơn 100.000 lượt khách hàng. Năm 2012, SGVF có mặt trên 44 tỉnh thành và phục vụ hơn 350.000 lượt khách hàng

Đến năm 2013, sau khi được HDBank mua lại 100%, HD Saison mới bắt đầu bứt phá và tăng trưởng. Ông Thái chia sẻ, nhờ nguồn vốn dồi dào, thế mạnh về các mối quan hệ chiến lược, HDBank đã hỗ trợ Công ty tăng trưởng hơn 70% tổng tài sản qua các năm.

Đến nay, HD Saison vẫn giữ chiến lược trung thành cho vay tiêu dùng. Trong đó, tiếp tục thống lĩnh cho vay xe máy hiện dẫn đầu với 31% thị phần cả nước. Ngoài ta, HD Saison còn tăng trưởng hai ngành còn lại là cho vay điện máy vốn đang rất tăng trưởng và cho vay tiền mặt. "Chúng tôi sẽ nâng dần hai mảng này lên với mức cao hơn so với hiện nay", ông Thái cho biết.

Để làm được điều này, HD Saison tận dụng triệt để hệ sinh thái đặc quyền HDBank. Trong đó Vietjet có hơn 17 triệu khách hàng đến cuối năm 2017, Công ty dự định một số kế hoạch để khai thác lượng khách hàng khổng lồ này nhằm cho vay mua vé trực tuyến, ông Thái tiết lộ.

Nhờ đâu HD Saison có tỷ lệ nợ xấu thấp so trung bình ngành?

Theo lãnh đạo Công ty, HD Saison khá tốt so với trung bình ngành, tính đến cuối năm 2017, tỷ lệ nợ xấu HD Saison khoảng 5,4-5,5%.

Để quản lý nợ xấu, HD Saison kế thừa phương thức quản trị, vận hành của người Pháp về quản trị rủi ro và thu nợ. Phương thức quản trị rủi ro giúp HD Saison nghiên cứu phân tích sản phẩm, định hướng sản phẩm phù hợp với các vùng miền, đại lý, thời điểm; đồng thời giúp Công ty linh hoạt điều chỉnh, từ đó tiên đoán được rủi ro tiềm tàng của việc cho vay.

Bên cạnh đó, công nghệ thu nợ cũng đóng vai trò quan trọng. HD Saison có đội ngũ thu nợ qua điện thoại, thu nợ trực tiếp phủ rộng cả nước. "Chúng tôi nhắc nợ trước, trong và sau ngày đóng tiền. Sau đó có lực lượng thu hồi nợ được huấn luyện, đến nhà của khách hàng để đôn đốc trả nợ. Vòng tròn có tính khép kín nhằm quản lý rủi ro, quản lý nợ xấu hiệu quả", ông Thái chia sẻ.

Tính đến ngày 30/09/2017, HD Saison có 10.285 điểm dịch vụ trên 63 tỉnh thành Việt Nam với hơn 3,2 triệu khách hàng. HD Saison đứng đầu Việt Nam về mạng lưới bán hàng (POS) và số lượng khách hàng.

Số lượng khách hàng thu nhập thấp và chưa tiếp cận được với ngân hàng chiếm khoảng 83% dân số lao động tại Việt Nam, cho thấy thị trường cho vay tiêu dùng vẫn còn khá hấp dẫn và chưa được khai thác hết. Theo Nielsen, những phân khúc này dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 20%, chủ yếu đến từ đô thị hóa, tăng trưởng kinh tế và gia tăng dân số.

Theo Kinh tế & Tiêu dùng
Cùng chuyên mục
Tin khác