Ông Trần Hữu Huỳnh: Môi trường kinh doanh là của chúng ta, không phải cầu xin ai cả
Thụy Khanh -
22/09/2017 13:43 (GMT+7)
(VNF) – Luật sư Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), đánh giá quyết định cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa sang các bộ ngành khác.
Như VietnamFinance đã thông tin, ngày 21/9, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã kí Quyết định số 3610a/QĐ-BCT ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017 – 2018.
Theo Quyết định này, Bộ Công Thương đã cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh (bằng 55,5% tổng số điều kiện kinh doanh) thuộc 17 ngành nghề. Đây là con số lớn chưa từng có trong lịch sử ngành Công Thương.
Xung quanh việc cắt giảm này, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi nhanh với luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch VIAC – người đã "tham gia bàn luận về vấn đề này từ lúc tóc còn xanh, tới nay đầu đã bạc".
PV:Nhiều ý kiến cho rằng việc cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh là một quyết định" lịch sử" và "dũng cảm" của Bộ Công Thương. Quan điểm của ông như thế nào?
Luật sư Trần Hữu Huỳnh: Tôi thì cho rằng đó là một quyết định kịp thời, bởi 3 lý do:
Thứ nhất, đây là cả một quá trình đấu tranh dai dẳng, kéo dài mấy chục năm của cộng đồng doanh nghiệp. Nói theo nguyên lý triết học thì đến nay, lượng đã biến đổi thành chất.
Thứ hai là các hiệp hội, các viện nghiên cứu, các tổ chức khác đã vào cuộc rà soát để "chỉ mặt" các điều kiện kinh doanh bất hợp lý và bất hợp pháp rồi.
Thứ ba, Chính phủ cũng đã có quyết tâm rất lớn trong việc này, đã nhiều lần thảo luận để cắt giảm điều kiện kinh doanh. Đặc biệt là Thủ tướng đã thành lập tổ công tác, đã giao chỉ tiêu cụ thể cho các bộ, ngành, giao nhiệm vụ cho VCCI (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) và CIEM (Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương) rà soát và đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh cũng như đã giao các Bộ phải nghiên cứu đề xuất của 2 tổ chức này.
Tất cả những điều kiện này, chúng ta gọi là "lượng", đến một lúc nào đó phải đổi thành chất. Nói chín muồi thì không hẳn, nhưng đấy là quyết định đầu tiên có tính hợp lý, kịp thời.
Điều này cũng cho thấy một khi cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức đại diện doanh nghiệp, các chuyên gia, viện nghiên cứu và truyền thông quyết liệt theo đuổi vấn đề, kiến nghị thẳng với Chính phủ, với các bộ ngành một cách kiên quyết thì không chỉ điều kiện kinh doanh mà các vấn đề bất hợp lý khác cũng buộc phải cải tiến, thay đổi.
Động thái của Bộ Công Thương sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa sang các Bộ ngành khác - Luật sư Trần Hữu Huỳnh
PV: Việc cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương sẽ tác động như thế nào đến môi trường kinh doanh?
Luật sư Trần Hữu Huỳnh: 675 điều kiện kinh doanh là một con số rất lớn. Điều này trước hết cho thấy số lượng điều kiện kinh doanh bất hợp lý, bất hợp pháp rất lớn (có bất hợp lý, bất hợp pháp mới cắt bỏ).
Các điều kiện này bao nhiêu năm nay là gánh nặng của doanh nghiệp. Việc cắt bỏ, do vậy, sẽ giải phóng doanh nghiệp ra khỏi gánh nặng về thủ tục và chi phí. Chi phí giảm thì giá cả sẽ giảm theo.
Thứ hai, việc cắt giảm sẽ khiến môi trường kinh doanh thông thoáng. Môi trường kinh doanh mà thông thoáng, chi phí lại thấp thì sẽ có nhiều nhà đầu tư mới gia nhập thị trường, từ đó thúc đẩy cạnh tranh.
Thứ ba, động thái cắt giảm này là một tín hiệu về mặt chính trị, chính sách. Tức là nhà nước đã bắt đầu thấy được vai trò của mình, phải kiên quyết trong cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng để luôn luôn hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Thứ tư, động thái của Bộ Công Thương sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa. Bộ Công Thương làm được thì các Bộ khác cũng phải nghiêm túc nhìn lại và phải làm quyết liệt, khẩn trương.
Cuối cùng, đây cũng là một tin vui đối với cộng đồng doanh nghiệp, với các hiệp hội, các chuyên gia và với truyền thông. Nói như ngôn ngữ dân gian thì "con khóc thì mẹ phải cho bú", trong điều kiện như vậy, rõ ràng khi chúng ta có quyết tâm, chúng ta sẽ đạt được. Vì môi trường kinh doanh là của chúng ta, không phải đi cầu xin ai cả, chúng ta có nhiệm vụ phải đấu tranh bảo vệ nó, để giữ gìn nó.
PV: Việc Bộ Công Thương cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh sẽ tác động đến các bộ ngành khác như thế nào?
Luật sư Trần Hữu Huỳnh: Quyết định của Bộ Công Thương là kịp thời và đi trước trên quy mô lớn. Vấn đề đặt ra là trong cùng một thể chế như vậy, một bộ máy hành chính như vây, Bộ Công Thương làm được, tại sao các Bộ khác lại không làm được. Cho nên tất yếu là các Bộ khác phải làm.
Và tôi thấy động thái hiện nay là (dù vẫn đang còn thảo luận) nhưng Bộ Y tế hay thành phố Hải Phòng chẳng hạn cũng đã tổ chức thảo luận với tổ công tác để cắt giảm điều kiện kinh doanh. Nhưng dù là Bộ nào tiếp theo thì cũng phải là kịp thời được như Bộ Công Thương.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Tại một hội thảo tổ chức mới đây tại Hà Nội, trả lời cho câu hỏi vì sao các cải cách của Bộ Công Thương mới chỉ dừng lại ở cấp Thông tư, ông Dương Duy Hưng (Vụ trưởng Vụ kế hoạch, Bộ Công Thương) thừa nhận: Đúng là trong hơn 1 năm qua, Bộ Công Thương mới chỉ bỏ được một số điều kiện (như Thông tư 37 về formandehyde, Thông tư 40 về khai báo hóa chất, Thông tư 07 về dán nhãn năng lượng…) vì đó là thẩm quyền thuộc Bộ. Tuy nhiên, nếu nhĩn kĩ sẽ thấy, việc cải cách của Bộ Công Thương là một con đương liên tục và không dừng lại.
"Một loạt điều kiện nằm trong các Nghị định đã được nghiên cứu, rà soát ngay từ khi bãi bỏ các Thông tư. Đến thời điểm này có một số Nghị định đã và sắp được trình như Nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định 19 về khí, Nghị định 109 về xuất khẩu gạo, Nghị định 94 về rượu, Nghị định 67 về thuốc lá vv… Nếu bây giờ mới nghĩ thì chắc không thể trình được. Quá trình nghiên cứu các điều kiện kinh doanh bất hợp lý của Bộ Công Thương đã được thực hiện từ khá lâu, chí ít là từ năm 2016", ông Hưng nói.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone