Diễn đàn VNF

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: GDP Việt Nam năm 2022 có thể đạt 7 - 7,5%

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, không cần gói hỗ trợ mới, tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam vẫn có thể đạt 7% đến 7,5%.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: GDP Việt Nam năm 2022 có thể đạt 7 - 7,5%

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Trong khó khăn đã bật lên gam màu sáng

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cấp cao Học viện Tài chính, năm 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ đã tác động rất lớn đến nền kinh tế, nhất là các tỉnh phía nam như: TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương...

Không có cách nào tốt hơn, chúng ta phải thực hiện việc giãn cách phòng, chống dịch rốt ráo trong thời gian dài làm cho nền kinh tế xuống dốc; tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước; tăng trưởng kinh tế chậm lại...

Tuy nhiên, trong khó khăn vẫn bật lên những gam màu sáng. Đó là, xuất nhập khẩu lần đầu tiên cán mốc trên 670 tỷ USD, trong đó tăng trưởng xuất khẩu đạt khoảng 18%, tăng trưởng nhập khẩu khoảng hơn 27%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng hơn 20%.

Vốn đầu tư trong nước tăng, kinh tế tư nhân tăng, trong đó đầu tư nhà nước cũng tăng mạnh. Đặc biệt, vốn đầu tư nước ngoài rất lớn, khoảng hơn 25 tỷ USD, cho thấy môi trường đầu tư nước ta luôn được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cao.

"Cộng đồng doanh nghiệp năng động và vững tin vào sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, các địa phương và triển vọng kinh tế của đất nước. Tính đến hết tháng 11/2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới cũng như doanh nghiệp quay trở lại hoạt động khoảng 160.000 doanh nghiệp", ông Thịnh cho hay.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng phân tích, nguồn thu ngân sách Nhà nước tương đối tốt, đến hết tháng 11 đã đạt vượt mức dự toán ngân sách Nhà nước đưa ra, so với năm ngoái tăng trưởng 8,9%. Về chi ngân sách, năm nay tiết kiệm được chi thường xuyên rất lớn, đặc biệt chi cho hội nghị, hội thảo… từ đó tăng cường chi cho phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ phát triển sản xuất.

Bội chi ngân sách năm nay khoảng 4%, bội thu năm nay có thể khoảng 3,9%, nằm trong giới hạn Quốc hội và Chính phủ cho phép. Lạm phát khoảng dưới 2% cũng rất thấp trong thời gian gần đây. Đồng Việt Nam năm nay có thể lên giá 2% so với USD - theo phương diện kinh tế vĩ mô thì điều này là tốt.

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam tăng lên khoảng 110 tỷ USD, đây là con số rất cao. Từ đó làm cho cân đối vĩ mô lớn của nền kinh tế tương đối ổn định và cũng là tiền đề để phát triển trong năm 2022.

Dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 có thể đạt đến 7,5%

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, mặc dù có nhiều tín hiệu khá tích cực, song bức tranh kinh tế năm 2021 vẫn còn những tồn tại cần được khắc phục.

Chẳng hạn, giải ngân đầu tư công chưa đạt như kế hoạch; đợt dịch vừa qua, mỗi địa phương có một cách tổ chức chống dịch khác nhau dẫn đến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, chi phí logistics tăng, tác động đến các chi phí sản xuất kinh doanh, chi phí quản lý, chi phí phòng chống dịch…

Tuy nhiên, với những điểm sáng tích cực kể trên, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, không cần phải có gói hỗ trợ mới như các đề xuất gần đây, chỉ cần thực hiện hiệu quả các gói hỗ trợ hiện có, đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động... tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 vẫn có thể đạt 7% đến 7,5%.

Ông Thịnh cho rằng, điều đầu tiên quan trọng nhất là chúng ta phải sống chung tốt nhất với dịch Covid-19 thì mới phục hồi sản xuất một cách liên tục và tiếp đó là phải giữ ổn định cán cân kinh tế vĩ mô.

"Trong năm 2022, với đà các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tích cực đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam; các doanh nghiệp trong nước tiếp tục thành lập mới và khối doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng lên. Cùng với sự tháo gỡ khó khăn, những chính sách về hỗ trợ sản xuất kinh doanh của Chính phủ thì nền kinh tế của chúng ta sẽ tăng trưởng và phát triển một cách tốt nhất", PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận.

Tin mới lên