Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2019, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,02%, là năm tăng trưởng thứ hai liên tiếp trên 7%. Mức tăng trưởng này trở nên đặc biệt bởi kinh tế toàn cầu hiện đang trong tình trạng suy giảm, đúng như những gì World Bank nhận xét “Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng Mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam”.
Để có cái nhìn sâu hơn về tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2019 và dự báo triển vọng năm 2020, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế Quốc dân - NEU.
- Năm 2019, tăng trưởng GDP đạt 7,02%, là năm tăng trưởng trên 7% thứ hai liên tiếp. Ông có bình luận gì về thành tựu này của Chính phủ?
PGS.TS Phạm Thế Anh: Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu giảm sút thì 7,02% là một con số tích cực và đáng hoan nghênh. Dù vậy, có vài tín hiệu mà tôi nghĩ Chính phủ cần lưu ý.
Một là tín hiệu tích cực chỉ đến từ nửa đầu năm, trong khi đó nửa cuối năm xuất hiện nhiều tín hiệu xấu hơn. Nhìn vào các dữ liệu độc lập với dữ liệu của cơ quan thống kê nhà nước, ví dụ chỉ số PMI (chỉ số quản lý thu mua, phản ánh triển vọng của nền kinh tế trong khu vực sản xuất), chúng ta thấy nửa đầu năm chỉ số này rất cao trong khi nửa cuối năm lại giảm hẳn.
Hai là xét theo ngành, tăng trưởng năm 2019 có sự đóng góp lớn nhất của dịch vụ. Nhưng triển vọng của dịch vụ lại không hẳn đẹp. Ví dụ ngành ngân hàng năm qua lãi rất lớn. Ngân hàng là ngành trung gian, phi sản xuất. Ngân hàng lãi nhiều tức là khu vực sản xuất đang chịu chi phí cao khi dựa nhiều vào vay nợ.
Một số ngành khác, ví dụ như bất động sản đang rơi vào trầm lắng, nhất là nửa cuối năm 2019. Nhiều khả năng sang năm 2020, thị trường bất động sản sẽ còn suy giảm hơn.
Trong khi đó, tăng trưởng khu vực công nghiệp và xây dựng năm 2019 vẫn ở mức cao như năm ngoái nhưng lại chủ yếu là nhờ sự gia tăng của ngành khai khoáng. Còn tăng trưởng của các ngành khác trong khu vực này như công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất điện nước hay xây dựng đều sụt giảm.
Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân năm 2019 lên tới 68,8%, vượt ngưỡng an toàn (65%).
Như vậy, bức tranh tăng trưởng của Việt Nam năm 2019 ẩn chứa rủi ro chứ không hẳn tươi đẹp.
- Vậy chất lượng tăng trưởng của Việt Nam có được cải thiện không, thưa ông?
Việt Nam mong muốn "đổi mới mô hình tăng trưởng" hay "tăng trưởng theo chiều sâu" nhưng thực chất tăng trưởng kinh tế của mình vẫn dựa vào bơm tiền là chính (thậm chí còn dựa nhiều hơn).
Nhìn lại số liệu trong các năm qua, có thể thấy cả tốc độ tăng cung tiền rộng (M2) và tỷ lệ M2/GDP hàng năm của Việt Nam đều đã bỏ xa các nước trong khu vực ASEAN kể từ năm 2016, thậm chí bỏ xa đa số các nước ở châu Á. Hiện, tỷ lệ M2/GDP của Việt Nam vào khoảng 180%.
Chỉ số dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam (biểu hiện mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính) đã tăng vọt trong những năm gần đây. Trung bình trong giai đoạn 2011-2015, Việt Nam cần 1,01 đồng tín dụng để tạo ra 1 đồng GDP, nhưng đến giai đoạn 2016-2019 thì cần 1,30 đồng, tức tăng 28%.
Chỉ số dư nợ tín dụng tăng thêm (mới)/GDP, phản ánh để tạo ra 1 đồng GDP cần bao nhiêu đồng tín dụng mới trong năm, cũng tăng mạnh: trung bình trong giai đoạn 2011-2015 là 0,121 còn của giai đoạn 2016-2019 là 0,171, tăng tới 41%.
Bơm tiền quá nhiều vào nền kinh tế gây ra nguy cơ lớn về lạm phát tiền tệ, bởi tiền quá dồi dào sẽ đẩy giá dịch vụ và làm tăng giá tài sản, nhất là bất động sản. Dân mình cứ có nhiều tiền là sẽ có khuynh hướng đổ vào tài sản, tạo nên các bong bóng tài sản, gây rủi ro cho nền kinh tế.
Một điều đáng lo ngại là mỗi năm cung tiền (M2) tăng thêm 1 triệu tỷ đồng thì có tới 500 nghìn tỷ đồng (50%) chảy vào trái phiếu chính phủ để trang trải cho thâm hụt ngân sách và đảo nợ trong nước.
Thử tưởng tượng 500 nghìn tỷ này được chảy vào khu vực sản xuất thì nền kinh tế Việt Nam sẽ tốt hơn biết bao nhiêu. Trong khi đó, chúng ta thấy các doanh nghiệp Việt Nam đang phụ thuộc vào tín dụng một cách nặng nề.
Có thể quan sát thấy sự phụ thuộc này thông qua tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ này của các doanh nghiệp Việt Nam đang cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp ở các nước khác. Nó cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đang phải vay nợ để sản xuất, càng sản xuất càng vay nợ nhiều.
Nghịch lý là người có tiền thì đầu cơ tài sản, người sản xuất thì lại thiếu tiền. Doanh nghiệp thiếu tiền thì nhu cầu tín dụng lớn. Thế nên Ngân hàng Nhà nước chịu nhiều sức ép phải thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để phục vụ sản xuất. Nhưng cứ bơm ra thì lại đối diện rủi ro lạm phát.
- Phân tích của ông cho thấy chất lượng tăng trưởng vẫn ở mức kém, nhưng liệu có khía cạnh nào trong năm qua cho thấy chất lượng đã được cải thiện phần nào?
Tôi nghĩ có lẽ là số doanh nghiệp thành lập mới tăng lên – một hệ quả của chương trình cải thiện môi trường kinh doanh mà Chính phủ đã kiên trì thực hiện trong mấy năm qua.
Tỷ trọng đầu tư của khu vực tư nhân trong tổng đầu tư toàn xã hội cũng tăng lên. Tuy nhiên, điều này cũng một phần là do các dự án đầu tư công đang bị chậm lại.
- Các yếu tố nền tảng cho tăng trưởng của Việt Nam hiện đang như thế nào?
Nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài, việc thoái vốn nhà nước diễn ra chậm, áp lực vay và trả nợ lớn, khuyến khích của Chính phủ về đổi mới công nghệ theo cách mạng công nghiệp 4.0 chưa có kết quả cụ thể… nhìn chung tôi thấy rất nhiều yếu tố tăng trưởng dài hạn vẫn chưa có hoặc chưa vững vàng.
- Vậy dư địa tăng trưởng năm 2020 và các năm tiếp theo sẽ nằm ở đâu?
Tôi cho là nông nghiệp, du lịch – đó là những ngành Việt Nam có thế mạnh và có giá trị gia tăng cao.
Hiệp định thương mại Việt Nam – EU nếu được thông qua cũng sẽ tạo động lực cho nền kinh tế trong năm tới và những năm tiếp theo.
Còn công nghiệp chế biến, chế tạo, Chính phủ cần siết chặt hơn về thuế, ưu đãi và môi trường. Công nghiệp của Việt Nam, hoặc đang bắt đầu, hoặc vẫn là gia công, giá trị gia tăng thấp, chỉ tạo ra giá trị ảo về tăng trưởng chứ thực thu thấp, chủ yếu giải quyết vấn đề việc làm thôi.
- Ông có dự báo gì về tăng trưởng năm 2020?
Tôi cho mục tiêu tăng trưởng 6,8% trong năm 2020 là một thách thức, vì như trên đã phân tích, ngoài yếu tố rủi ro của kinh tế toàn cầu, nội tại Việt Nam cũng chứa đựng nhiều vấn đề, nhiều rủi ro.
- Khuyến nghị của ông đối với Chính phủ?
Chính phủ cần kiên trì mục tiêu bĩnh ổn vĩ mô, giữ môi trường ổn định. Chính sách tài khóa thì phải hướng tới cân bằng được ngân sách, điều này rất khó. Với chính sách tiền tệ, phải giảm tốc độ bơm tiền và giữ ổn định tỷ giá. Thời gian qua bơm tiền nhiều như vậy mà chưa ảnh hưởng tới lạm phát là vì Ngân hàng Nhà nước giữ được tỷ giá. Tôi cho rằng sức ép tỷ giá không lớn, nhưng trong điều hành cũng không được chủ quan…
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.