Phá băng du lịch bằng 'visa vaccine': Chậm sẽ thua
Tú Uyên -
09/03/2021 08:13 (GMT+7)
Nhiều ý kiến thống nhất cho rằng không nên đợi cho đến khi nào hết dịch Covid-19 mới mở cửa đón du khách quốc tế đến Việt Nam.
Nhiều quốc gia đã và đang triển khai “hộ chiếu vaccine, visa vaccine”, một dạng thẻ chứng nhận tiêm chủng hoặc chứng nhận đã miễn dịch với Covid-19. Qua đó cho phép những người đã tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 được tự do đi lại và xem đây là một loại giấy thông hành để phá băng ngành du lịch.
Liên thông visa vaccine với quốc tế
Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá và đề xuất biện pháp xử lý phù hợp về vấn đề mở cửa đón du khách quốc tế.
Tại hội nghị trực tuyến về tập huấn tiêm vaccine phòng Covid-19 diễn ra mới đây, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Việt Nam quản lý toàn bộ hệ thống tiêm chủng qua hệ thống hồ sơ sức khỏe từng người dân. Từ hệ thống này, ngành y tế đã và đang thiết kế đảm bảo liên thông quốc tế (visa vaccine Covid-19 như một số quốc gia), quản lý bằng QR code.
Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến cho rằng nếu Việt Nam chậm mở cửa đón khách quốc tế theo dạng “hộ chiếu vaccine” sẽ tự đánh mất cơ hội.
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam:
Xâydựng bộ tiêu chí đón khách quốc tế
Ngành du lịch phải đánh giá rõ tình hình hiện nay để có những giải pháp, biện pháp hết sức mới, táo bạo và phù hợp để vượt qua khó khăn. Trong đó cần đưa ra các tiêu chí an toàn đón khách phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như quy định của Việt Nam. Từ đó để du lịch Việt Nam không lỡ mất cơ hội và có thể cạnh tranh với các quốc gia trong đón khách quốc tế trở lại.
Thế giới đã có vaccine và Mỹ dự kiến tháng 6/2021 có thể sẽ chấm dứt Covid-19 bằng cách chích ngừa vaccine cho người dân, châu Âu cũng tương tự như thế.
Thái Lan đã quyết định từ ngày 1/7 mở hẳn thị trường cho khách quốc tế. Với Singapore, những du khách nào có chứng nhận đã tiêm vaccine, có kết quả âm tính là cho phép nhập cảnh mà không cách ly.
Còn tại Việt Nam, Thủ tướng đã chỉ đạo tiêm vaccine cho các đối tượng mà nghị quyết Chính phủ đã quy định. Đồng thời, ngành du lịch nghiêm túc thực hiện 5K “Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế” và đẩy mạnh du lịch nội địa.
Trước tình hình này, ngành du lịch Việt Nam đang xây dựng bộ tiêu chí đón khách, chuẩn bị nhân lực, sản phẩm; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, đảm bảo an toàn và báo cáo Thủ tướng Chính phủ mở cửa thị trường khách quốc tế theo lộ trình khi điều kiện cho phép.
Bởi vì sau Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng như các hiệp định thương mại đầu tư giữa Việt Nam với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các nhà đầu tư rất nóng lòng vào Việt Nam để kinh doanh, làm việc, du lịch.
Ông Nguyễn Văn Tấn, Giám đốc Công ty TNHH JTB-TNT:
Hỗtrợđểcáccông ty du lịch xung trận
Việt Nam có lợi thế là quốc gia chống dịch Covid-19 rất tốt. Việt Nam cũng là điểm đến nổi tiếng nên tôi nghĩ nếu chúng ta biết cách làm bài bản, khách du lịch quốc tế sẽ tiếp tục đến Việt Nam.
Những thông tin gần đây cho thấy nhiều quốc gia đã và đang triển khai các tiêu chí để mở cửa thị trường du lịch quốc tế. Ví dụ, nếu du khách tiêm vaccine, có xét nghiệm âm tính... thì họ cho phép vào mà không cách ly.
Vì vậy, đề nghị các cơ quan chức năng, Hiệp hội Du lịch Việt Nam nghiên cứu, phối hợp với bộ, ngành đưa ra những tiêu chí thích hợp. Có như vậy du lịch Việt Nam mới có thể đón khách ngay khi điều kiện cho phép. Nếu chúng ta đưa ra tiêu chí chậm có khi các nước khác hút khách mất.
Ngoài ra, thông tin từ ngành du lịch cho thấy có đến 90%-95% công ty lữ hành quốc tế hiện tại ngưng hoạt động. Như vậy, khi thị trường quốc tế mở cửa trở lại, Nhà nước cần có những hỗ trợ cụ thể, nhanh chóng để các doanh nghiệp có thể xung trận ngay, nếu không sẽ rất khó.
Ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty Truyền thông Du lịch Việt:
Không chờ nước đến chân mới nhảy
Khi Việt Nam thông báo triển khai chiến dịch tiêm vaccine đã giúp người dân có niềm hy vọng lớn và tạo tâm lý an tâm cho du khách. Đơn cử, tại công ty tôi đã có tín hiệu thị trường rất tích cực khi có nhiều khách quan tâm đến các tour du lịch.
Chúng ta phải nhìn nhận nhu cầu du lịch của khách hàng rất lớn. Bản thân công ty chúng tôi đã chuẩn bị phương án cho việc đón khách quốc tế đến cũng như đưa khách Việt Nam ra nước ngoài du lịch.
Bây giờ chúng ta bàn đến việc mở cửa thị trường khách quốc tế không có gì là quá sớm cả. Nếu không chuẩn bị mà chờ nước đến chân mới nhảy thì sẽ mất cơ hội với các nước trong khu vực như Thái Lan, Campuchia, Singapore...
Tuy nhiên, nếu mở cửa trở lại thì ngành du lịch chuẩn bị thế nào? Chẳng hạn, những khách quốc tế vào Việt Nam phải có giấy thông hành vaccine, phải được tiêm chủng… Bên cạnh đó, khó khăn nhất đối với các công ty du lịch là con người, vì thời gian qua nhiều đơn vị đóng cửa, nhân sự nghỉ 70%-90%. Do đó, khi thị trường du lịch quốc tế mở cửa trở lại, nhân sự liệu có quay về hay không là bài toán cần nghĩ đến.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam:
Thí điểm đón khách quốc tế
Chúng tôi cho rằng du lịch phải đón khách quốc tế, dù chưa biết lúc nào sẽ đón được nhưng phải chuẩn bị. Thế giới đã đưa ra chương trình hộ chiếu vaccine, visa vaccine. Sau này, việc tiêm chủng vaccine sẽ là bằng chứng giống như visa gắn vào hộ chiếu để họ đón khách.
Vì vậy, ngay bây giờ các hiệp hội du lịch địa phương cần vận động hội viên chuẩn bị sẵn sàng cho bối cảnh khi thế giới thừa nhận chuyện tiêm vaccine là tiêu chí an toàn cho du khách. Như vậy chúng ta mới có cơ hội.
Chúng tôi sẽ có đề án trình lên Chính phủ giao cho hiệp hội làm thí điểm đón khách quốc tế trong thời điểm thích hợp. Hiệp hội sẽ mời các công ty lớn tham dự vào dự án này, đồng thời sẽ phối hợp với các bộ Ngoại giao, Y tế, Công an... về vấn đề này. Nếu chúng ta không cố gắng, chờ các nước xung quanh làm xong chúng ta mới bắt đầu sẽ thua.
Nhiều nước triển khai visa vaccine
Thái Lan công bố kế hoạch “khu vực cách ly” để mở cửa cho du khách từ các quốc gia Đông Nam Á. Theo đó, khi du khách nước ngoài đến Thái Lan sẽ được cách ly tại phòng trong ba ngày đầu tiên và sau đó được xét nghiệm tại khách sạn.
Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, du khách sẽ được quyền đi lại trong toàn bộ khách sạn hoặc khu nghỉ dưỡng cho đến khi kết thúc đợt cách ly 14 ngày. Sau 14 ngày, du khách sẽ được xét nghiệm lại và sẽ được phép ra khỏi khu vực cách ly nếu không bị nhiễm bệnh.
Bên cạnh đó, Thái Lan cũng đang cân nhắc phát hành hộ chiếu vaccine. Theo kế hoạch này, Thái Lan sẽ phát hành chứng nhận cho du khách đã được tiêm vaccine khi đến Thái Lan; cho phép khách được miễn thực hiện chế độ cách ly bắt buộc trong hai tuần và được nới lỏng các biện pháp hạn chế. Thái Lan cũng đòi hỏi điều kiện tương tự từ những quốc gia khác đối với du khách nước này.
Nhiều nước khác cũng tương tự. Chẳng hạn, Israel là một trong những nước đầu tiên trên thế giới sử dụng hộ chiếu vaccine. Tổng thống Mỹ cũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng xem xét khả năng triển khai loại hộ chiếu vaccine.
Ủy ban châu Âu cho biết EU sẽ công bố đề xuất về hộ chiếu vaccine kỹ thuật số để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại khắp EU. Trung Quốc đang lên kế hoạch nghiên cứu áp dụng giải pháp này...
Đáng chú ý, trong tháng 3, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) sẽ triển khai ứng dụng di động Travel Pass, tương tự như hộ chiếu vaccine điện tử. Những người có trong tay loại hộ chiếu này sẽ được cấp thị thực, được quyền nhập cảnh mà không phải cách ly…
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.