Phân phối bảo hiểm qua ngân hàng: Tăng trưởng cùng nhu cầu thị trường

Chi Mai - 26/09/2019 09:09 (GMT+7)

Kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) đạt mốc tăng trưởng doanh thu ấn tượng 17,2%. Đó là tín hiệu vui được hé lộ bởi ông Bùi Gia Anh, Tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam (IAV) tại buổi chia sẻ, trao đổi với báo chí trong tháng 8 vừa qua.

VNF
Ảnh minh hoạ.

Cụ thể, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường bảo hiểm nhân thọ 6 tháng đầu năm ước đạt 48.134 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, tổng doanh thu bảo hiểm khai thác qua kênh bancassurance ước đạt 8.300 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 17,2% tổng doanh thu của toàn thị trường.

Trong khi đó, cả năm ngoái, kênh này từ 48 ngân hàng và các tổ chức tín dụng mang về khoảng 10.352,3 tỷ đồng.

Cơ hội dành cho bancassurance tại Việt Nam

Bancassurance đang trở thành kênh phân phối quan trọng của các doanh nghiệp bảo hiểm, cũng như là mảng kinh doanh đóng góp tích cực vào lợi nhuận chung của các ngân hàng.

Prudential – VIB là một điển hình cho mô hình kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng đầu tiên có thời hạn hợp tác lên đến 15 năm tại Việt Nam.

Kết quả kinh doanh bancassurance Prudential – VIB sau 3 năm hợp tác, kể từ cuối năm 2015 cũng liên tục đạt được đà tăng trưởng mạnh mẽ.

Số lượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mới của năm 2018 tăng hơn 200% so với năm 2017 và hơn 260% so với 2016.

Nửa đầu năm 2019 tiếp tục chứng kiến nhiều thỏa thuận hợp tác kinh doanh bancassurance cho thấy tiềm năng mà kênh này mang lại.

Nếu như khoảng 3 năm trước khi mà các ngân hàng chưa “mặn mà” lắm khi kết quả từ kênh này khá mờ nhạt thì trong khoảng 1 năm trở lại đây các ngân hàng đã bắt đầu “nhập cuộc” khi nhìn thấy những kết quả ấn tượng mà kênh này mang lại.

Trả lời câu hỏi của báo chí về cơ hội của kênh này trong năm tới (2020), ông Gia Anh cho biết, tại thị trường bảo hiểm một số nước, kênh này đã phát triển mạnh mẽ, chiếm tỷ trọng trên 50%, có nước lên tới hơn 70%, thị trường bảo hiểm Việt Nam được dự báo không nằm ngoài xu thế này.

“Thực tế, các năm trước kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn dưới 9% tổng doanh thu phí toàn thị trường, năm ngoái chiếm khoảng 10%, và 6 tháng đầu năm đã tăng trưởng hơn 17%, cho thấy những tín hiệu tích cực”, vị Tổng thư ký IAV nói.

Thành công đến từ việc lựa chọn đúng đối tác

Nhìn vào hoạt động của kênh bancassurance trong 9 tháng đầu năm có thể thấy rõ vị thế của các ông lớn trong ngành như Prudential ở kênh phân phối này.

Hay nói khác đi, các hãng bảo hiểm lớn đang có nhiều lợi thế hơn nhờ có sẵn thương hiệu tại thị trường Việt Nam, cộng với tiềm lực tài chính mạnh mẽ.

Hơn thế nữa là sự đầu tư đồng bộ vào công nghệ kỹ thuật số nhằm tăng trải nghiệm của khách hàng cũng là yếu tố quan trọng giúp ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm tìm kiếm điểm chung lựa chọn hợp tác lâu dài.

Ông Clive Baker, Tổng giám đốc Prudential Việt Nam cho biết, với cùng tầm nhìn trong việc ứng dụng những cải tiến và công nghệ kỹ thuật số tiên tiến nhất để hỗ trợ khách hàng, Prudential sẽ cùng với các ngân hàng đối tác phối hợp mang đến các giải pháp tài chính toàn diện.

Đáp ứng hầu hết các nhu cầu tiết kiệm, bảo vệ, gia tăng tài sản ngày càng tăng cao của khách hàng cũng như góp phần vào sự phát triển của thị trường bảo hiểm đầy tiềm năng tại Việt Nam.

Chỉ trong vòng 5 tháng, Prudential Việt Nam đã tăng cường hợp tác với 3 ngân hàng, gồm UOB Việt Nam (tháng 5), PVcomBank (tháng 8) và Shinhan (tháng 9), nâng tổng số ngân hàng đối tác lên thành 7 ngân hàng.

Thỏa thuận hợp tác chiến lược với ngân hàng UOB là một phần trong chiến lược hợp tác cấp khu vực giữa Prudential châu Á và Ngân hàng UOB tại Singapore từ năm 2010.

Vào tháng 1/2019, hai bên đã ký kết thỏa thuận mới gia hạn thành công quan hệ hợp tác theo mô hình kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) đến năm 2034, đồng thời mở rộng phạm vi địa lý đến thị trường thứ 5 là Việt Nam bên cạnh những thị trường hiện hữu khác là Singapore, Indonesia, Malaysia, và Thái Lan.

Bên cạnh đó, thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng PVcomBank và Ngân hàng Shinhan đều là các thoả thuận hợp tác độc quyền dài hạn với thời hạn 10 năm.

Với tiềm năng còn rất lớn khi tỷ lệ người Việt tham gia bảo hiểm nhân thọ chỉ ở mức dưới 10%.

Bên cạnh đó, khi dân trí và thu nhập ngày càng cải thiện thì người dân sẽ quan tâm nhiều hơn đến giá trị và lợi ích dài hạn như bảo vệ bản thân, gia đình và gia tăng tài sản; từ đó, nhu cầu về bảo hiểm nhân thọ và những giải pháp đầu tư tài chính cá nhân cũng sẽ tăng lên. Điều này hứa hẹn những cái bắt tay giữa những “ông lớn” bảo hiểm và ngân hàng trong thời gian tới.

Theo ĐTCK
Cùng chuyên mục
Tin khác