Thách thức đầu tiên của nữ Thủ tướng Thái Lan: Toàn dân trông đợi 14 tỷ USD

Quỳnh Anh - 18/08/2024 09:00 (GMT+7)

(VNF) - Ngay sau khi bà Paetongtarn Shinawatra đắc cử vị trí Thủ tướng thứ 31 của Thái Lan, điều nhiều người dân nước này quan tâm là kế hoạch phát 14 tỷ USD cho người dân của đảng Pheu Thai còn được thực hiện hay không.

Ngày 16/8, bà Paetongtarn Shinawatra đã trở thành Thủ tướng thứ 31 của Thái Lan, đồng thời cũng là nhà lãnh đạo trẻ nhất lịch sử của quốc gia này. Sinh ra trong gia đình nhiều đời làm chính trị, bà Paetongtarn được kỳ vọng sẽ giải quyết bài toán tăng trưởng kinh tế cho xứ sở chùa vàng.

Sau khi kết quả bầu cử tại Hạ viện Thái Lan được công bố, bà Paetongtarn nói trong cuộc phỏng vấn với giới truyền thông rằng bà "rất vinh dự và hạnh phúc" khi được bầu làm Thủ tướng Thái Lan.

"Tôi thực sự hy vọng rằng tôi có thể khiến mọi người cảm thấy lạc quan. Tôi sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống của mọi người và trao quyền cho tất cả người dân Thái Lan. Tôi hy vọng sẽ làm những gì có thể để đưa đất nước tiến lên", tân Thủ tướng Thái Lan chia sẻ.

Bà Paetongtarn Shinawatra là con gái út của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Thái Lan Suriya Jungrungreangkit cho rằng kinh nghiệm chính trị mà bà Paetongtarn tích luỹ được có thể mang lại lợi ích cho sự phát triển của đất nước về nhiều mặt, cho dù đó là giải quyết các vấn đề kinh tế hay xã hội.

Ông Suriya cũng cho rằng tuổi tác của bà Paetongtarn không phải là vấn đề, "Bây giờ là thời đại của thế hệ mới, thế hệ trẻ sẽ năng động hơn".

Bà Paetontarn Shinawatra sinh năm 1986 tại Bangkok. Bà tốt nghiệp Trường Khoa học Chính trị tại Đại học Chulalongkorn ở Thái Lan với bằng cử nhân khoa học chính trị, xã hội học và nhân chủng học, đồng thời nhận bằng thạc sĩ quản lý khách sạn của trường Đại học Surrey ở Vương quốc Anh.

Bà Paetongtarn hiện là cổ đông lớn nhất của một công ty bất động sản niêm yết và là CEO của một tập đoàn kinh doanh khách sạn.

Theo luật pháp Thái Lan, tân Thủ tướng cần phải từ bỏ vai trò kinh doanh của mình và tuân thủ các quy định về sở hữu cổ phần có liên quan trước khi trở thành Thủ tướng.

Năm 2021, bà Paetongtarn bước vào chính trường Thái Lan và trở thành cố vấn chính trị của Đảng Pheu Thai và là người đứng đầu Quỹ Gia đình Pheu Thai.

Huỷ bỏ kế hoạch phát 14 tỷ USD của người tiền nhiệm?

Kể từ thời điểm nắm quyền cho tới khi bị cách chức, chính sách kinh tế có tiếng vang (đồng thời cũng gây tranh cãi nhất) của cựu Thủ tướng Srettha Thavisin là kế hoạch phát gần 14 tỷ USD tiền mặt cho người dân.

Đây là là trọng tâm trong nỗ lực của ông Srettha nhằm giúp nền kinh tế tăng trưởng hàng năm ở mức 5% như nhiều nước láng giềng Đông Nam Á khác.

Đảng Pheu Thai, đảng lớn nhất trong liên minh cầm quyền ở Thái Lan, lập luận chương trình này không phải hỗ trợ tiền cho người nghèo. Thay vào đó, chương trình nhằm bơm tiền vào nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng.

Theo kế hoạch được công bố, 50 triệu công dân Thái Lan trưởng thành, mỗi người sẽ nhận 10.000 baht (275 USD) để kích thích nền kinh tế từ quý IV/2024.

Tổng vốn của chương trình phát tiền này tương đương 2,9% GDP Thái Lan. Trong đó, 9 tỷ USD sẽ được trích từ ngân sách năm tài khoán 2024 và 2025. 4,73 tỉ USD còn lại sẽ trích từ quỹ của Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác nông thôn. Chính ngân hàng quốc doanh này sẽ trao tiền trực tiếp cho 17 triệu nông dân Thái Lan.

Được biết, gần 30 triệu người đã đăng ký nhận khoản tiền mặt này. Tuy nhiên, những bất đồng bao gồm cả với ngân hàng trung ương và một số nhà lập pháp về cách thức tài trợ cho gói kích thích khổng lồ này, cũng như tác động đến lạm phát đã làm chậm trễ việc thực hiện.

Theo tờ Nation, dưới sự lãnh đạo của tân Thủ tướng Paetongtarn, kế hoạch phát tiền mặt này khả năng cao sẽ bị huỷ bỏ. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra, vì chính sách này về thực chất không chắc sẽ mang lại hiệu quả kinh tế như kỳ vọng.

Đối mặt loạt thách thức kinh tế

Truyền thông Thái Lan cho rằng việc vực dậy nền kinh tế sẽ là thách thức đầu tiên mà bà Paetongtarn phải đối mặt sau khi nhậm chức.

Tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á đã đạt mức trung bình dưới 2% trong thập kỷ qua, bị cản trở bởi khoản nợ hộ gia đình khổng lồ và lĩnh vực sản xuất đang suy thoái vì bị cản trở bởi hàng nhập khẩu giá rẻ chủ yếu từ Trung Quốc.

Ông Amonthep Chawla, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng CIMB Thai Bank, cho biết: "Chính phủ mới cần chuẩn bị sẵn sàng để giải quyết những thách thức tiềm tàng của tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, điều này có thể ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế Thái Lan".

Chuyên gia này dự đoán chính quyền mới có thể hủy bỏ chương trình ví kỹ thuật số và có khả năng đưa ra các biện pháp kích thích mới nhằm hỗ trợ những người có thu nhập thấp và tăng cường thanh khoản cho các bộ phận dân số dễ bị tổn thương.

Tuy nhiên, ông Amonthep cho biết việc thành lập chính phủ mới có thể trì hoãn việc phê duyệt ngân sách tài chính năm 2025, mặc dù điều này dự kiến ​​sẽ không có tác động đáng kể đến nền kinh tế.

Ông Vorapol Sokatiyanurak, một nhà kinh tế và cựu tổng thư ký Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch, cho biết bà Paetongtarn phải giải quyết tình trạng sức cạnh tranh đang suy giảm của Thái Lan, vì các ngành công nghiệp địa phương đang tụt hậu trong bối cảnh đất nước thiếu chiến lược phát triển công nghiệp.

Ông cho biết việc thiếu hụt nguồn nhân lực có tay nghề cao, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đang cản trở Thái Lan sản xuất ra những mặt hàng mà thế giới hiện đại đang cần.

Cũng theo ông Vorapol, mức nợ hộ gia đình là một nhiệm vụ cấp bách khác mà thủ tướng mới phải giải quyết. Nợ hộ gia đình ở Thái Lan đã vượt quá 16.300 tỷ baht tính đến quý IV năm ngoái, chiếm 91,3% GDP.

Ông cho biết Thái Lan cần giảm các hoạt động độc quyền và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, điều này sẽ giúp tăng mức thu nhập. Nhờ đó, các vấn đề nợ có thể được giải quyết thông qua thu nhập cao hơn.

Ảnh minh hoạ.

Chiang Mai là quê hương của gia đình cựu Thủ tướng Srettha Thavisin nên khi ông bị cách chức, người dân Chiang Mai rất quan tâm tới người kế nhiệm ông.

Thông điệp đầu tiên người dân Chiang Mai muốn gửi tới tân Thủ tướng là hãy nhanh chóng giải quyết các vấn đề kinh tế bao gồm chi phí sinh hoạt cao, nợ hộ gia đình tăng cao và tăng trợ cấp cho người già.

Theo các trang tin địa phương khác, người dân ở các vùng khác của Thái Lan cũng có mong muốn tương tự. Người trồng cao su ở tỉnh Buriram hy vọng tân Thủ tướng có thể giải quyết tốt hơn vấn đề giá cả nông sản và giữ giá cao su, sắn, gạo và các sản phẩm khác ổn định.

Theo Bangkok Post, Business Times
Kế hoạch phát miễn phí 15 tỷ USD cho người dân của tân thủ tướng Thái Lan hứng chỉ trích

Kế hoạch phát miễn phí 15 tỷ USD cho người dân của tân thủ tướng Thái Lan hứng chỉ trích

Tài chính quốc tế
(VNF) - Các cựu thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã cùng nhiều chuyên gia kinh tế kêu gọi chính phủ nước này bãi bỏ chính sách phát 15 tỷ USD tiền mặt. Lý do đưa ra là lo ngại chính sách phát tiền mặt cho dân sẽ gây ra lạm phát và làm tổn hại đến kỷ luật tài chính dài hạn.
Cùng chuyên mục
Tin khác