Sao trào lưu 'bùng nợ', FE Credit kinh doanh thế nào?

Minh Anh - 19/04/2024 10:42 (GMT+7)

(VNF) - Chịu ảnh hưởng của trào lưu “bùng nợ”, 2 năm lại đây, FE Credit liên tục báo lỗ. Trong năm 2023, công ty tài chính này báo lỗ sau thuế gần 3.000 tỷ đồng. Năm 2022, FE Credit cũng lỗ 2.376 tỷ đồng.

VNF

Trong khoảng 1 năm lại đây, trào lưu "bùng nợ" nở rộ. Nguy hiểm hơn, các đối tượng xấu còn lập ra nhiều hội nhóm trên Facebook, Zalo với mục đích chia sẻ cách thức vay tiền của các công ty tài chính tiêu dùng rồi trốn nợ, bùng nợ.

Một trong những hậu quả nặng nề nhất của trào lưu “bùng nợ” là tình trạng nợ xấu tăng mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các công ty tài chính.

Điển hình là trường hợp của Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit), một trong những công ty tài chính hàng đầu trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng, liên tục báo lỗ trong 2 năm qua.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính định kỳ FE Credit gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong năm 2023, công ty tài chính này tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh bết bát, báo lỗ sau thuế kỷ lục 2.965 tỷ đồng, tăng 24,8% so với năm trước. Năm 2022, FE Credit cũng lỗ 2.376 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của FE Credit là 10.275 tỷ đồng, giảm 22,4% so với đầu năm (tương ứng giảm gần 3.000 tỷ đồng). Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) giảm từ âm 16,47% xuống còn âm 25,22%.

Đồng thời, tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của pháp luật chuyên ngành của FE Credit giảm xuống 14,33% so với mức 16,16% tại thời điểm kết thúc năm 2023.

Theo dữ liệu trên HNX, FE Credit đang còn 5 lô trái phiếu đang lưu hành với tổng giá trị theo mệnh giá là 1.400 tỷ đồng. Các lô trái phiếu này đều được phát hành năm 2022, kỳ hạn 2 năm và có lãi suất từ 6,8-7,5%/năm.

Như vậy, cùng với việc lỗ đậm trong 2 năm liên tiếp, FE Credit còn đang có áp lực rất lớn khi hơn nghìn tỷ trái phiếu sắp đáo hạn.

Trước đó, dù ảnh hưởng bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh Covid -19, trong năm tài chính 2021, FE Credit vẫn báo lãi 312,6 tỷ đồng, tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của pháp luật chuyên ngành là 17,79%.

Giai đoạn 2019 - 2020 là thời kỳ kinh doanh đỉnh cao của FE Credit, khi công ty tài chính này ghi nhận lợi nhuận sau thuế lần lượt 3.590 tỷ và 2.670 tỷ đồng.

Tháng 10/2021, Ngân hàng VPBank thông báo đã hoàn tất việc bán 49% vốn điều lệ tại Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) cho Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBCCF), một công ty con do tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group của Nhật Bản sở hữu 100% vốn. VPBank vẫn nắm giữ 50% vốn điều lệ tại FE Credit, trong khi 1% vốn điều lệ còn lại thuộc về một nhà đầu tư khác.

Trước thời điểm chuyển nhượng vốn, FE Credit được ví như "con gà đẻ trứng vàng" của VPBank. Công ty tài này liên tục đem về 45-50% tổng lợi nhuận hợp nhất cho ngân hàng.

Vào thời điểm sang nhượng vốn, FE Credit được định giá khoảng 2,8 tỷ USD. Như vậy, với thương vụ sang nhượng vốn kể trên VPBank có thể đã thu về gần 1,4 tỷ USD từ thương vụ này.

Trong bối cảnh hoạt động cho vay mới khó khăn và làn sóng "rủ nhau" bùng nợ, không chỉ riêng FE Credit mà nhiều công ty tài chính khác cũng ghi nhận lãi sau thuế giảm mạnh, thậm chí lỗ đậm.

Có thể kể đến Công ty tài chính Mirae Asset Việt Nam cũng ghi nhận khoản lỗ sau thuế lên tới 963 tỷ đồng năm 2023, trong khi năm trước vẫn có lãi hơn 120 tỷ đồng.

Shinhan Finance cũng vừa công bố khoản lỗ tới 463 tỷ đồng trong năm 2023 trong khi một năm trước đó vẫn lãi hơn 312 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục
Tin khác