Sếp VCCorp: 'Cần đặc khu ảo cho doanh nghiệp công nghệ'

Bình Yên - 23/11/2017 18:42 (GMT+7)

(VNF) - Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc VCCorp đã đưa ra một kiến nghị gây chú ý, là lập "đặc khu ảo" cho các doanh nghiệp công nghệ, nội dung số.

VNF

Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VCCorp đã đưa ra ý tưởng về một "đặc khu ảo" cho các doanh nghiệp công nghệ, viễn thông của Việt Nam tại sự kiện Internet Day 2017 và lễ kỷ niệm 20 năm Internet Việt Nam.

Theo ông Tân, nội dung số đang là lãnh địa quan trọng cuối cùng mà Việt Nam giữ được trên Internet bởi vì các lãnh địa khác như tìm kiếm, e-mail, mạng xã hội... còn rất ít thị phần. Duy nhất một trường hợp đang mạnh là Zalo của VNG với lượng người dùng lớn.

Doanh thu trong lĩnh vực nội dung số hiện đạt khoảng 1 tỷ USD, tuy nhiên1 tỷ USD này ước lượng tương đương 5-8 tỷ USD xuất khẩu dệt may, vì giá trị thặng dư thu được từ nội dung số lớn hơn nhiều. Và nếu nội dung số tiếp tục phát triển, doanh thu có thể tăng lên tới 5-10 tỷ USD, tương đương với những ngành kinh tế quan trọng nhất của đất nước.

"Ngành nội dung số đang có khoảng 10.000 nhân viên làm việc chính thức, cộng với khoảng 10.000 cộng tác viên, nhưng xu hướng sẽ tăng mạnh lên 500 nghìn - 1 triệu nhân sự. Đây là mảng kinh doanh cực kỳ quan trọng, chúng ta có chủ quyền, có lợi thế địa phương, các doanh nghiệp xuyên biên giới không thể lấn át được", ông nói.

Tuy nhiên, theo ông, các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam đang bị cạnh tranh không lành mạnh, không bình đẳng trước các doanh nghiệp xuyên biên giới, vì họ đang không bị ràng buộc những chế tài ngăn chặn nội dung độc hại tại Việt Nam, trong khi doanh nghiệp Việt thì chịu rất nhiều ràng buộc.

Để dung hòa giữa quản lý và tháo gỡ, để tạo cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp công nghệ, nội dung số phát triển trong thời gian tới, ông Nguyễn Thế Tân đã đưa ra một kiến nghị gây chú ý, là lập "đặc khu ảo" cho các doanh nghiệp công nghệ, nội dung số.

Tổng Giám đốc VCCorp nói cần một "đặc khu ảo" là vì cơ chế hiện nay khó phát triển, cần những tháo gỡ hơn. Theo đó, doanh nghiệp nào có đủ tiêu chuẩn như chứng minh hoạt động lành mạnh, nghiêm túc… thì cho vào "đặc khu ảo". 

Vào đặc khu, doanh nghiệp sẽ được hưởng cơ chế quản lý thoáng hơn, như về điều kiện giấy phép, chế tài..., đồng thời cũng sẽ có điều kiện sử dụng mọi nguồn lực để phát triển, mà không phải bị ràng buộc bởi những quan niệm, cơ chế cũ.

"Nếu nới lỏng quy định thì có thể nhiều anh lại làm bậy, gây hại cho môi trường văn hóa. Nhưng nếu giữ chặt quá thì doanh nghiệp nghiêm túc lại bị bó tay, khó sáng tạo. Vậy nên mới cần cơ chế đặc khu, để vừa quản lý được, nhưng vẫn phát triển được", ông nói.

Cùng chuyên mục
Tin khác