Sửa Luật thuế tiêu thụ đặc biệt: Băn khoăn cách tính thuế mới với ngành rượu, bia

Linh Đan - 03/07/2023 08:56 (GMT+7)

(VNF) - Ngày 25/4/2023, Bộ Tài chính đã có văn bản số 4100/BTC-CST gửi Bộ Tư pháp về việc xin ý kiến thẩm định về đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) (sửa đổi). Trong đó, đáng chú ý có đề xuất liên quan tới việc bổ sung phương pháp tính thuế tuyệt đối, tương đối; điều chỉnh thuế suất TTĐB đối với thuốc lá, rượu, bia.

VNF
Sửa Luật thuế tiêu thụ đặc biệt: Băn khoăn cách tính thuế mới với ngành rượu, bia

Ông Nguyễn Văn Phụng, chuyên gia về thuế và quản trị doanh nghiệp, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) đã đưa ra một số khuyến nghị, lưu ý khi nghiên cứu phương pháp tính thuế mới (hỗn hợp, tuyệt đối) đối với ngành rượu bia.

Đảm bảo sự công bằng xã hội, không gây khó cho doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Văn Phụng, tại thị trường bia rượu hiện nay của Việt Nam, giá bán giữa các sản phẩm có sự chênh lệch lớn giữa các sản phẩm phổ thông và sản phẩm phân khúc trên phổ thông.

Nếu áp dụng mức thuế tuyệt đối trên số lít sản phẩm, giá của các dòng sản phẩm phân khúc trên phổ thông sẽ rẻ hơn tương đối so với giá của chính dòng sản phẩm này trong trường hợp tính theo tỷ lệ phần trăm, trong khi giá của dòng sản phẩm phổ thông sẽ bị đẩy cao lên.

Do đó, theo ông Phụng, nếu thu thuế theo phương pháp tuyệt đối hoặc hỗn hợp sẽ tạo áp lực lớn đối với sản phẩm phổ thông giá thấp, ảnh hưởng đến sản xuất và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất rượu bia thương hiệu Việt trong nước, thậm chí có thể khiến các nhà máy bia trong nước phải phá sản, đóng cửa.

Những tác động trực tiếp có thể nhận thấy khá rõ như: Khi tạo ra mặt bằng giá cao hơn do tác động của chính sách thuế sẽ khiến sức mua của thị trường sụt giảm, bia không tiêu thụ được trong khi có đến 80% thị phần tiêu thụ là các dòng bia phổ thông thương hiệu Việt. Sức mua giảm dẫn đến doanh thu giảm, khả năng sản xuất giảm, gây ra các hệ luỵ như kết quả kinh doanh thua lỗ, khó duy trì sản xuất, cắt giảm nhân công, thanh lý tài sản cố định.

Tác động kéo theo là thu hẹp quy mô hoạt động và giảm hiệu quả kinh doanh của các ngành dịch vụ, du lịch, giải trí với vai trò là những nơi sử dụng sản phẩm rượu bia phục vụ nhu cầu tiêu thụ của khách hàng. Kế tiếp cũng sẽ là tác động tiêu cực việc làm, thu nhập của các cơ sở này cũng như các đại lý bán hàng bia, rượu.  

Vì vậy, việc duy trì phương pháp thu thuế tương đối sẽ phù hợp hơn với điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay, ít nhất trong trong giai đoạn hiện nay và thời gian tương lai khoảng 5 năm đến 10 năm tới nhằm tránh gây tổn hại đến ngành sản xuất bia trong nước thương hiệu Việt.

Lo nguy cơ người tiêu dùng sử dụng rượu bia không chính thức

Trong khoảng 3 năm trở lại đây, GDP bình quân đầu người của Việt Nam dao động từ 3.500 USD – 4.100 USD/người/năm. Theo thống kê, mức tiêu thụ rượu bia của Việt Nam trong các năm từ 2017-2019 trong khoảng từ 42,5 – 47,6 lít/người/năm (giai đoạn năm 2020-2021 do ảnh hưởng của dịch Covid 19 nên giảm xuống lần lượt là 44,6 và 41,05 lít/người/năm) và phần lớn mức tiêu thụ sẽ ở các sản phẩm bia phổ thông thương hiệu Việt vì chúng phù hợp với thu nhập của người dân.

Do vậy, nếu phương pháp tính thuế hỗn hợp hoặc phương pháp thuế tuyệt đối được áp dụng thì chắc chắn giá bán của dòng sản phẩm phổ thông sẽ bị cao lên tương đối và giá bán của dòng sản phẩm phân khúc trên phổ thông sẽ rẻ đi tương đối.

Điều này chưa chắc đã làm dịch chuyển hướng tiêu dùng sang sản phẩm phân khúc trên phổ thông. Thói quen tiêu dùng của đại đa số người dân chúng ta đang nằm các dòng sản phẩm phổ thông bởi chúng có chất lượng chấp nhận được, hương vị hợp khẩu vị của số đông, giá cả lại phù hợp với thu nhập và vị trí xã hội.

Thực tiễn một khi giá sản phẩm phổ thông bị đẩy lên cao, đại đa số người dân sẽ có xu hướng tăng tiêu dùng ở các sản phẩm rượu bia không chính thức như rượu tự nấu thủ công, rượu tự nấu thủ công ngâm với thảo mộc, rượu giả/nhái, rượu không nhãn mác, rượu bia nhập lậu... trong khi các sản phẩm này thường có chất lượng không được kiểm chứng.

Ngoài ra, khi phát sinh nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm hàng lậu, hàng giả sẽ làm gia tăng hoạt động buôn lậu, kinh doanh hàng giả, trốn tránh thuế, gây tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước.

Vì vậy, nếu không cẩn trọng trong khâu quản lý thị trường thì sẽ không thể bảo vệ được các doanh nghiệp sản xuất bia rượu chân chính và khi đó, việc điều chỉnh thuế để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng sẽ không đạt được hiệu quả.

Đổi phương pháp tính thuế, ngân sách có thể suy giảm

Trên phương diện quản lý NSNN, việc đề xuất tăng thuế TTĐB dù theo phương pháp tính thuế nào cũng sẽ giúp tăng thu nguồn thu cho NSNN. Tuy nhiên, những tác động của các đề xuất thay đổi đến sức mua của thị trường, tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và sự phát triển của nền kinh tế trong triển vọng dài hạn cũng cần được cân nhắc kỹ.

Đóng góp cho NSNN của ngành công nghiệp đồ uống trong giai đoạn gần đây tương đối cao và ổn định (từ 50 nghìn tỷ đồng đến 56,8 nghìn tỷ đồng mỗi năm). Trong bối cảnh các doanh nghiệp trong ngành đồ uống đang cần phục hồi sau ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid 19, mức đóng góp ngân sách như vậy là rất đáng khích lệ.

Theo chuyên gia Nguyễn Văn Phụng, nếu thay đổi phương pháp tính thuế mà không đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng, ảnh hưởng đến khả năng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bia phổ thông thương hiệu Việt (đang sản xuất tại các nhà máy bia địa phương trải khắp cả nước) sẽ gián tiếp ảnh hưởng rất lớn đến thu NSNN cũng như cân đối ngân sách của các địa phương.

Khi thị phần sụt giảm do mặt bằng giá bị đẩy cao lên (bởi tác động của thuế), sản lượng sản xuất và tiêu thụ giảm, đóng góp NSNN qua đó cũng sẽ giảm theo là điều dễ được nhận biết.

Lựa chọn phương pháp tính thuế nào là lựa chọn của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ, sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước để đảm bảo trong xu thế hội nhập của thế giới phải tạo ra lợi thế của quốc gia mình.

Vì vậy, trong điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay, ông Phụng cho rằng thời điểm này chưa phải là thời điểm thích hợp để áp dụng phương pháp hỗn hợp hay phương pháp tuyệt đối, kể cả trên phương diện thu NSNN và chi phí quản lý thuế.

Mới đây, Bộ Tài chính đã có tờ trình báo cáo Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Theo nội dung tờ trình, trong giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và thời gian tới, chính sách thuế TTĐB còn hẹp so với thông lệ quốc tế; vệc điều tiết đối với một số hàng hoá xa xỉ còn thấp chưa đạt được mục tiêu hạn chế tiêu dùng và điều tiết thu nhập của người sử dụng có thu nhập cao trong xã hội.

Yêu cầu của thực tiễn cần phải sửa đổi, bổ sung Luật thuế TTĐB để giải quyết những bất cập phát sinh, khuyến khích chuyển đổi nhập khẩu, sản xuất, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, hạn chế tiêu dùng hàng hoá có hại cho sức khoẻ cộng đồng, trẻ em.

Riêng với mặt hàng rượu, bia, có 3 giái pháp chính sách thuế được Bộ Tài chính nghiên cứu.

Giải pháp 1 là giữ như quy định hiện hành.

Giải pháp 2 là tăng mức thuế suất thuế TTĐB đối với rượu, bia để tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị tăng thuế của WHO và lộ trình tăng theo mức tăng thu nhập và lạm phát.

Giải pháp 3 là áp dụng thuế TTĐB hỗn hợp đối với bia (thuế tỷ lệ và thuế tuyệt đối) tăng mức thuế suất thuế tỷ lệ đối với bia để tăng giá bán ít nhất 10% theo khuyến nghị của WHO và bổ sung áp thuế tuyệt đối đối với bia; có lộ trình tăng theo mức tăng thu nhập và lạm phát; tăng mức thuế suất thuế TTĐB đối với rượu để tăng giá bán rượu ít nhất 10% theo khuyến nghị tăng thuế của WHO và lộ trình tăng theo mức tăng thu nhập và lạm phát.

Cùng chuyên mục
Tin khác