Tài chính tiêu dùng

Tái bảo hiểm Vinare: Doanh thu phí năm 2020 đạt 2.447,7 tỷ đồng, tăng 10,2%

(VNF) - Tổng công ty Cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (Vinare) vừa tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2020, phương hướng nhiệm vụ kinh doanh năm 2021.

Tái bảo hiểm Vinare: Doanh thu phí năm 2020 đạt 2.447,7 tỷ đồng, tăng 10,2%

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2020, ông Mai Xuân Dũng, Tổng giám đốc Vinare, cho biết năm 2020, kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Trước bối cảnh đó, việc kinh doanh tái bảo hiểm 2020 cũng chịu tác động không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của đơn vị. Tuy nhiên hoạt động kinh doanh năm 2020 vẫn đạt kết quả khả quan.

Theo đó, năm 2020, doanh thu phí của công ty đạt 2.447,7 tỷ đồng, tăng 10,2% so với 2019; phí giữ lại đạt 1.496,9 tỷ đồng, tăng 25,7% so với 2019 và đạt 102,4% khách hàng năm.

Cùng với đó, lợi tức trước thuế đạt 357,2 tỷ đồng và tăng 7,6% so với năm 2019; lợi nhuận gộp nghiệp vụ đạt 93,2 tỷ đồng, đạt 74,2% khách hàng năm; lợi nhuận thuần nghiệp vụ đạt 8,6 tỷ đồng, đạt 24% khách hàng năm;…

Về hoạt động đầu tư 2020, ông Mai Xuân Dũng cho biết tổng tài sản đầu tư đến 31/12/2020 tăng 96 tỷ đồng so với đầu năm. Trong quý IV/2020, Vinare đã tích cực tìm kiếm các cơ hội đầu tư trái phiếu, chuyển phân bổ vốn đầu tư sang danh mục trái phiếu (có lợi suất tốt hơn), giảm bớt ảnh hưởng của việc mặt bằng lãi suất giảm.

Tại hội nghị, đại diện các phòng ban của Vinare đã thảo luận đưa ra các giải pháp trong chiến lược kinh doanh năm 2021. Theo đó, chủ trương chung của Vinare năm 2021 là tiếp tục tăng cường quản trị rủi ro, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm. Công ty cũng sẽ từng bước mở rộng thị trường tái bảo hiểm, nâng cao năng lực cung cấp giá trị gia tăng cho thị trường (quản lý rủi ro, đào tạo, sản phẩm, chương trình tái bảo hiểm, các giải pháp phát triển bền vững).

Cụ thể, đối với lĩnh vực kinh doanh tái bảo hiểm, năm 2021, Vinare sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu, triển khai các lĩnh vực, sản phẩm mới: rủi ro thiên tai, bancassurance, các sản phẩm bảo hiểm cho khu vực công…; tiếp tục tìm kiếm giải pháp nâng thị phần phí nhận tái bảo hiểm kỹ thuật và các nghiệp vụ truyền thống có lãi. Đối với lĩnh vực đầu tư, Vinare tăng cường quản trị rủi ro, bảo toàn vốn, đồng thời tăng cường giám sát hoạt động ủy thác đầu tư và rà soát phân bổ lại tài sản đầu tư trên cơ sở tuân thủ các quyết định của Bộ Tài chính và quy chế đầu tư của Vinare.

Với vai trò là cổ đông lớn của Vinare, thay mặt SCIC, ông Đinh Việt Tùng, Phó giám đốc SCIC, cũng đưa ra một số kiến nghị trong chiến lược kinh doanh năm 2021 của Vinare đó là tiếp tục tăng doanh thu nhưng phải bền vững và đặc biệt quan tâm đến chất lượng sản phẩm; bên cạnh đó, có biện pháp phòng ngừa, phát hiện kịp thời, cảnh giác trục lợi bảo hiểm.

Ông Đinh Việt Tùng cũng khẳng định về phía SCIC, với tư cách là nhà đầu tư, một cổ đông nắm giữ 40% vốn, bên cạnh hỗ trợ nguồn nhân lực sẽ sẵn sàng hỗ trợ về các lĩnh vực khác trong đó có mối quan hệ về khách hàng.

Tin mới lên