Tái cơ cấu chỉ có ý nghĩa khi nâng cao năng lực quản trị DNNN

Huy Thắng - 02/12/2018 12:29 (GMT+7)

(VNF) - Hai thách thức lớn của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là tuy khoác áo cơ quan Nhà nước nhưng tinh thần lại phải hoạt động như một nhà đầu tư có tính chuyên môn cao và chuyên nghiệp cao.

VNF

Chia sẻ tại diễn đàn “Quản trị sự thay đổi và tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước trong bối cảnh toàn cầu hóa” vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, TS. Nguyễn Văn Khách - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn còn rất chậm.

Theo ông, trong giai đoạn 2011 – 2018, cả nước đã cổ phần hóa được hơn 600 DNNN, tổng giá trị thu về cho ngân sách Nhà nước từ bán vốn Nhà nước thông qua cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước đạt khoảng 200.000 tỷ đồng.

Các DNNN có quy mô lớn, là lực lượng nòng cốt thực hiện những cân đối lớn trong nền kinh tế, song vẫn có nhiều tồn tại, trong đó vẫn chưa phân định rõ giữa chức năng chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước, TS. Nguyễn Văn Khách chỉ rõ.

Có cùng một lúc có nhiều cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước như một số bộ, ngành chủ quản, địa phương, SCIC, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, phối hợp chưa nhuần nhuyễn.

Cùng quan điểm, PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, tiến độ cổ phần hóa DNNN diễn ra chậm và vẫn còn tình trạng "bình mới rượu cũ", vì sau cổ phần hóa, doanh nghiệp đã có cơ cấu vốn mới nhưng đội ngũ lãnh đạo hầu như vẫn là những người cũ.

Bày tỏ quan điểm, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thành lập Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Đây là bước tiến cụ thể thực hiện chủ trương, nỗ lực của Chính phủ trong đó cần tách bạch quyền chủ sở hữu và quản lý nhà nước, một bước để thiết lập khuôn khổ quản trị hiện đại, minh bạch, mang tính chất của một nhà đầu tư.

“Trước nay chúng ta quản lý doanh nghiệp Nhà nước theo kiểu tăng cường thanh tra, kiểm tra, mà chúng ta không nói đến cái gốc của tái cơ cấu, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước là quản trị tốt. Đây mới là mấu chốt để góp phần cải thiện vấn đề tái cơ cấu, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước”, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh tầm quan trọng của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để tránh sự chồng chéo, trùng lặp trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước và chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp dẫn tới đòi hỏi phải cải cách.

Tuy nhiên, có hai thách thức lớn của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Đó là, Ủy ban này khoác áo cơ quan Nhà nước nhưng tinh thần lại phải hoạt động như một nhà đầu tư có tính chuyên môn cao và chuyên nghiệp cao.

Cơ quan nhà nước nhưng với những đòi hỏi cao như vậy, công việc của Ủy ban sẽ rất nhiều, rất nặng nề, vượt qua thách thức này trước mắt rất cần sự nỗ lực.

Nêu giải pháp nâng cao chất lượng quản trị và hiệu quả hoạt động của DNNN, ông Nguyễn Văn Khách, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, cần có cơ chế để khẳng định thái độ dứt khoát rằng, nhanh chóng đạt đến mục tiêu thoái vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp hậu cổ phần hóa, bán doanh nghiệp Nhà nước cho các cổ đông, thu tiền về, trả cho các đối tượng đã làm nên tổng giá trị doanh nghiệp Nhà nước cho đến ngày bán.

“Siêu Ủy ban” quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp mới thành lập cần phải công khai minh bạch về chức năng, nhiệm vụ, chịu trách nhiệm trong việc thúc đẩy tốc độ, hiệu quả của quá trình thoái vốn Nhà nước ra khỏi các doanh nghiệp đã cổ phần hóa.

Theo VGP
Cùng chuyên mục
Tin khác