Thử nghiệm cho vay ngang hàng để kiểm soát

Thanh Xuân - 04/06/2020 07:14 (GMT+7)

Các hoạt động cho vay qua app, cho vay ngang hàng với lãi suất cao cắt cổ, đòi nợ khủng bố gây nhiều bức xúc trong xã hội sẽ được kiểm soát.

VNF
Ảnh minh hoạ.

Thế giới “ngầm” cho vay P2P

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa đưa ra dự thảo lấy ý kiến quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.

Trong đó, NHNN sẽ thực hiện giám sát các hoạt động thí điểm như thanh toán, tín dụng, cho vay ngang hàng (P2P lending, là loại hình dịch vụ trên nền tảng ứng dụng công nghệ số để kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay mà không thông qua trung gian tài chính như tổ chức tín dụng...), hỗ trợ định danh khách hàng, giao dịch lập trình ứng dụng mở (Open API), các giải pháp ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo như blockchain, các dịch vụ khác hỗ trợ hoạt động ngân hàng (chấm điểm tín dụng, tiết kiệm, huy động vốn...).

Đây là điều cần thiết bởi thực tế, các hoạt động cho vay ngang hàng, vay qua app thời gian qua biến tướng đủ mọi chiêu trò. Ngay ở thời điểm hiện tại, Công an TP.HCM đang điều tra vụ việc tại Công ty TNHH Cashwagon cho người dân vay tiền qua app với lãi cao và thực hiện các hành vi “khủng bố” khách hàng không trả nợ.

Ví dụ, để vay 5 triệu đồng ở Cashwagon, app chỉ giải ngân cho vay 3,5 triệu đồng, số tiền 1,5 triệu đồng bị trừ trước là phí, người vay phải trả đủ 5 triệu đồng trong khoảng thời gian ngắn 7 đến 14 ngày theo đăng ký.

Trường hợp không trả đúng hẹn, lãi sẽ tăng dần hằng ngày vài trăm ngàn đồng và chỉ mấy ngày sau có thể vượt cả con số nợ của người vay. Lãi vay qua app có khi lên đến 1.000%. Đi cùng theo đó là hình thức đòi nợ khủng bố, bêu riếu người nợ trên các trang mạng xã hội làm mất danh dự khiến nhiều người có ý định tự tử.

Là người hoạt động trong lĩnh vực P2P, ông Nguyễn (Q.1, TP.HCM) thừa nhận hoạt động này là một thế giới “ngầm” của giới cho vay. Khách hàng vay công ty A trả không được, thông tin này sẽ được chuyển cho công ty B. Công ty B tiếp tục mời chào người vay trên app của họ để trả khoản nợ trên. Theo cách này, có người vay đến 4 app khác nhau và số tiền vay sau lúc nào cũng cao hơn số tiền trước và lãi cũng gia tăng.

Cần làm rõ nguồn tiền cho vay

Ông Nguyễn Trí Hiếu, Cố vấn cấp cao Công ty VFL, nhận định nền kinh tế đang chờ khung pháp lý về P2P, thanh toán... Đây là chương trình thí điểm cần thiết, bởi hiện nay các sản phẩm tài chính sử dụng công nghệ được sử dụng rộng rãi mà chưa có quy định nào chi phối, dẫn đến các hoạt động cho vay không chính thức, “chui”, trá hình, lừa đảo... gây thiệt hại cho nền kinh tế, người dân.

Để các công ty tham gia thử nghiệm thực hiện tốt vai trò của mình, Chính phủ cần chỉ đạo sớm xây dựng dữ liệu định danh cá nhân quốc gia. Nghiên cứu xem xét cho phép chia sẻ thông tin dữ liệu, kết quả, đánh giá tín nhiệm khách hàng giữa Fintech và ngân hàng, có được công nhận các thông tin lẫn nhau hay không, từ đó tạo hệ sinh thái khách hàng. Đồng thời cần có quy định phương thức cơ chế, đảm bảo tiện lợi, an ninh mạng, dữ liệu về khách hàng…

“Trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, nhiều người lao động giảm hoặc không có thu nhập, do đó nhu cầu vay rất lớn. Nếu không tiếp cận được ngân hàng họ sẽ vay trên các app để trang trải cho cuộc sống. Do đó, quy định thử nghiệm càng trở nên cấp bách, sớm ban hành sẽ giúp cho thị trường lành mạnh hơn”, ông Hiếu nhận xét.

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, hiện có 4 mô hình P2P khác nhau gồm: Công ty ứng dụng công nghệ kết nối người đi vay và cho vay qua app; công ty kết nối và thẩm định khả năng trả nợ của người vay để thông báo cho người cho vay; công ty kết nối, đề xuất lãi suất cho vay, tư vấn quản lý rủi ro, pháp lý thu hồi nợ và cuối cùng là công ty biến tướng huy động vốn của người dân rồi cho vay lại, hoạt động như một ngân hàng.

Vì thế, cho thử nghiệm P2P hoạt động ở mô hình nào cũng cần được quy định rõ tại nghị định. Đồng thời, các công ty phải khai báo chính xác nguồn gốc vốn đầu tư, tránh những công ty có xuất xứ từ Trung Quốc hoặc núp bóng qua người Việt hoạt động trong lĩnh vực P2P lending.

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nhận xét: P2P lending là hình thức huy động vốn, có những công ty xử lý vài ngàn hồ sơ vay vốn mỗi ngày, tổng dư nợ có quy mô ngang bằng một ngân hàng. Do đó cần có khuôn khổ pháp luật hoàn chỉnh để thị trường tuân thủ và giúp người dân có thêm kênh đầu tư cũng như tiếp cận nguồn vốn đa dạng hơn ngoài hệ thống ngân hàng.

Theo Thanh niên
Cùng chuyên mục
Tin khác