'Tiếp bước' bitcoin, một công ty cho ra đời ứng dụng thanh toán điện tử bằng vàng

Hoàng Quân - 21/11/2017 07:09 (GMT+7)

Một công ty Fintech tại London có tên là Glint vừa cho ra đời ứng dụng cho phép người dùng sử dụng vàng để thanh toán các loại hàng hóa và dịch vụ khác nhau.

VNF
Vàng sẽ trở thành phương tiện thanh toán?

Một công ty Fintech tại London có tên là Glint vừa cho ra đời ứng dụng cho phép người dùng sử dụng vàng để thanh toán các loại hàng hoá và dịch vụ khác nhau. Khách hàng sẽ kết nối thẻ ghi nợ Mastercard với điện thoại của họ, và sau đó có thể sử dụng số tiền này để mua vàng thỏi được lưu trữ ở các hầm vàng Thụy Sĩ. 

Jason Cozens, giám đốc điều hành và đồng sáng lập của công ty cho biết các chính sách nới lỏng định lượng của Ngân hàng Trung ương cũng như sự sụp đổ của một số Ngân hàng đã khiến nhiều người nhận ra rằng các tài khoản ngân hàng truyền thống không còn là một sự lựa chọn an toàn.

Trên trang web của mình, Glint nói rằng một khi tiền hoặc vàng được liên kết với thẻ Mastercard, khách hàng có thể mua bất cứ thứ gì từ cà phê cho đến một chiếc xe hơi. Công ty cho biết thêm, người dùng cũng có thể sử dụng những kim loại quý khác để thực hiện thanh toán.

Cozens đánh giá thị trường vàng ở mức 8 nghìn tỷ đô và nói rằng mọi người sẽ ngạc nhiên bởi số lượng người muốn nắm giữ hoặc chi tiêu vàng. Ứng dụng của ông Cozens ban đầu sẽ nhắm vào đối tượng là những người giàu có đang tìm một phương thức trữ tiền thay thế cho các tài khoản ngân hàng truyền thống.

Trong vài tháng tới, Glint cũng sẽ cho phép người dùng giữ và chi tiêu bằng nhiều loại tiền tệ khác nhau. Người dùng có thể kiểm tra tỷ giá hối đoái trên điện thoại của họ trước khi chọn loại tiền tệ hay số lượng vàng họ sẽ sử dụng để mua hàng.

Cozens cho biết ông hy vọng ứng dụng sẽ được sử dụng phổ biến ở Ấn Độ và Đức. Trong năm tới, ứng dụng này dự kiến sẽ tiếp tục được triển khai tại Châu Á và Hoa Kỳ. Cựu CEO của Hội đồng Vàng Thế giới cũng như cựu chủ tịch của Goldman Sachs ở Châu Á đã sớm đầu tư vào dự án này.

Giá vàng đã tăng khoảng 12% trong năm nay và hiện đang ở mức dưới 1.300 USD / ounce.

Theo CNBC
Cùng chuyên mục
Tin khác