Tín dụng tiêu dùng thời bĩ cực: Khách rủ nhau 'bùng', nợ xấu tăng cao, tín dụng đen trỗi dậy
Khánh Tú -
31/10/2023 10:42 (GMT+7)
(VNF) - Thị trường tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam vẫn đang còn nhiều dư địa để phát triển. Tuy nhiên, sự xuất hiện của tín dụng đen cùng nhiều yếu tố khách quan khác đã đẩy nhiều công ty tài chính tiêu dùng rơi vào cảnh khó khăn khi khó tiếp cận người vay cùng tỷ lệ nợ xấu ngày càng tăng.
Muôn vàn cái khó của tín dụng
Trong 5 năm gần đây, thị trường tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam với tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm. Sự phát triển của nền kinh tế số, thương mại điện tử cùng nhiều yếu tố khác đã thúc đẩy cho tăng trưởng tín dụng tiêu dùng trong những năm qua.
Tại hội thảo “Gỡ khó cho vay tiêu dùng – đẩy lùi tín dụng đen”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, cho biết tính đến ngày 31/8/2023, dự nợ cho vay phục vụ đời sống toàn hệ thống đạt khoảng 2,67 triệu tỷ đồng, tương đương 21% tổng dư nợ nền kinh tế và tăng 2,93% so với cuối năm 2022. Trong đó, dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống của 16 công ty tài chính là 135.945,36 tỷ đồng (chiếm khoảng hơn 5% dư nợ cho cho vay phục vụ đời sống).
Tuy nhiên, thị trường tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo báo cáo của FiinGroup, nợ xấu tại các tổ chức tài chính đã tăng từ 10,7% trong cuối năm 2022 lên 12,5% trong 6 tháng đầu năm 2023. Nợ xấu của nhiều công ty tài chính đến nay đã lên đến 8 – 10%, cá biệt có công ty nợ xấu lên đến 20%.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nợ xấu tăng mạnh tại các tổ chức tài chính là do ảnh hưởng từ nền kinh tế gặp khó khăn. Trong 9 tháng năm 2023, GDP của Việt Nam tăng 4,24%, mức thấp nhất trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay (trừ năm 2020, 2021 do tác động của dịch Covid-19).
Kinh tế khó khăn, thu nhập giảm sút khiến người lao động có xu hướng cắt giảm chi tiêu, Trong nửa đầu năm 2023, thị trường bán lẻ tại Việt Nam chứng kiến mức tăng trưởng âm trong doanh thu, thể hiện rõ nhất qua sự sụt giảm doanh thu của 3 “ông lớn” trong ngành bán lẻ là Thế Giới Di Động, Điện máy xanh và FPT Shop.
Bên cạnh đó, sự bùng nổ của tín dụng đen với nhiều hình thức khác nhau, từ cho vay truyền thống đến tạo lập các ứng dụng “nhái” với địa chỉ truy cập giống hoặc gần giống với các công ty tiêu dùng chính thống, cũng khiến người tiêu dùng phần nào mất đi niềm tin vào tín dụng. Không ít người thậm chí còn đánh đồng các tổ chức tín dụng đen cho vay với lãi suất “cắt cổ” với các công ty tài chính được cấp phép hoạt động.
Từ đó, nhiều khách hàng đi vay nảy sinh tâm lý “người khác bùng được, mình cũng bùng được”. Không ít các hội nhóm hướng dẫn bùng nợ, dạy nhau cách bùng nợ tín dụng với số lượng thành viên lên tới hàng trăm nghìn người xuất hiện trên các trang mạng xã hội, dẫn đến tỷ lệ nợ xấu ngày càng tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các tổ chức tài chính.
Lời giải cho bài toán tín dụng đen
Đại diện Hiệp hội Ngân hàng cho biết, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện cho khách hàng và người dân tiếp cận vốn tín dụng.
Song song với đó, Ngân hàng Nhà nước còn chỉ đạo các ngân hàng thương mại, công ty tài chính tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép, tài chính vi mô, các quỹ tín dụng,… cải cách thủ tục hành chính, mở rộng mạng lưới và các sản phẩm dịch vụ tài chính số để người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa dễ dàng tiếp cận vốn vay.
Cũng trong hội thảo “Gỡ khó cho vay tiêu dùng – đẩy lùi tín dụng đen”, đại diện Bộ Công an nhận định tình hình kinh tế, lao động, việc làm vẫn gặp nhiều khó khăn trong khi nhu cầu tài chính cuối năm tăng cao, tình hình tội phạm liên quan đến tín dụng đen cũng sẽ tăng mạnh.
Để có thể đẩy lùi tín dụng đen, các cơ quan, tổ chức có liên quan cần tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được phân công, đẩy mạnh công tác phối hợp với các đơn vị liên quan, để phòng ngừa và phát hiện và triệt phá các tổ chức tín dụng đen.
Các ban ngành địa phương cũng cần phải đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền trên nhiều nền tảng về tác hại và hệ lụy của tín dụng đen; tạo điều kiện cho người lao động, công nhân tiếp cận các nguồn vốn vay an toàn, ưu đãi.
Đại diện Bộ Công an cũng nhấn mạnh cần phải đẩy mạnh tiến độ xác thực thông tin, làm sạch và loại bỏ tài khoản sim rác, tài khoản ảo, triển khai các giải pháp hỗ trợ tài chính cho người dân thông qua ứng dụng dữ liệu dân cư và sớm có giải pháp, văn bản chỉ đạo thực hiện việc xác thực thông tin người dùng trên các nền tảng mạng xã hội, các tài khoản trên không gian mạng.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Câu lạc bộ các Công ty Tài chính đề xuất Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất, triển khai các gói tín dụng ưu đãi, sử dụng linh hoạt chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn vay, từ đó tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là trên thị trường bất động sản, du lịch. Khi nền kinh tế phục hồi sản xuất, hoạt động kinh doanh tốt hơn, đơn hàng nhiều hơn, công nhân quay trở lại các nhà máy, đời sống người dân tốt hơn sẽ giúp kích cầu tiêu dùng cũng như tín dụng tiêu dùng, đại diện Câu lạc bộ các Công ty Tài chính cho biết.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone