Tổng giám đốc VNR: ‘Chuẩn bị thủ tục khởi kiện thu hồi đất vàng cho nhà nước’

Đinh Tịnh - 14/11/2020 09:52 (GMT+7)

(VNF) - Trao đổi với VietnamFinance, ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết: “Căn cứ theo kết luận của Phó thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình và Thanh tra Chính phủ, phía VNR đang tiến hành các thủ tục để khởi kiện Công ty TNHH Khách sạn thương mại Sài Gòn ra toà nhằm thu hồi đất vàng tại 80 Lý Thường Kiệt và số 22 Phan Bội Châu, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội)".

VNF
Ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR).

Góp vốn bằng tiền thuê đất 30 tỷ đồng

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, tháng 5/2013, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và đối tác là Công ty TNHH Hà Thành ký kết biên bản hợp tác đầu tư, sở hữu, quản lý và kinh doanh khách sạn tại khu đất số 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu với diện tích khoảng 1.000 m2.

Theo đó, hai bên đồng ý hợp tác góp vốn thành lập pháp nhân mới (Công ty TNHH Khách sạn thương mại Sài Gòn) để đầu tư xây dựng và khai thác khách sạn tiêu chuẩn 4 sao tại khu đất trên theo tỷ lệ góp vốn 50/50.

Trong khi Công ty TNHH Hà Thành góp vốn bằng tiền mặt, thì Tổng công ty Đường sắt Việt Nam góp bằng tài sản và quyền thuê đất tại 2 lô đất, được định giá 30 tỷ đồng, bằng 50% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Khách sạn thương mại Sài Gòn.

Hiện Công ty TNHH Khách sạn thương mại Sài Gòn đã được UBND TP. Hà Nội cho thuê đất để thực hiện dự án khách sạn 4 sao theo thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Công ty TNHH Hà Thành.

Tuy nhiên, đáng chú ý là hợp tác này không được suôn sẻ như mong muốn, vì dự án xây dựng khách sạn 4 sao đã dừng triển khai suốt 6 năm qua, nên Công ty TNHH Khách sạn thương mại Sài Gòn không có bất cứ nguồn thu nào, trong khi mỗi năm phải trả hàng tỷ đồng tiền thuê đất và chi phí quản lý.

Phó thủ tướng yêu cầu thu hồi “đất vàng”

Trong khi dự án đáng bế tắc, thì ngày 26/8/2016, Thanh tra Chính phủ có kết luận số 2222/KL-TTCP nêu rõ: “Việc góp vốn kinh doanh bằng quyền thuê đất và tài sản trên đất tại khu đất trên của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có nhiều bất cập như: không xây dựng phương án thành lập pháp nhân mới theo ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT; quá trình đàm phán góp vốn, hội đồng thành viên Tổng công ty đã quyết định giá trị góp vốn là 47 tỷ đồng thiếu cơ sở”.

"Thực chất, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã lợi dụng thủ tục góp vốn và thực hiện trái chủ trương quy định để hợp thức hóa việc chuyển nhượng tài sản, cơ sở kinh doanh có giá trị lớn ra ngoài doanh nghiệp không qua đấu giá, đấu thầu", Kết luận số 2222/KL-TTCP nêu rõ.

Tiếp đó, đến tháng 6/2020, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 4766/VPCP - VI truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng tại Thông báo số 165/TB-VPCP ngày 31/10/2018 của Văn phòng Chính phủ liên quan đến việc góp vốn của Tổng công ty tại khu đất số 80 Lý Thường Kiệt và số 22 Phan Bội Châu, đảm bảo thu hồi tài sản cho Nhà nước.

"Nếu các bên liên quan không chấp hành nghiêm sẽ chuyển cơ quan chức năng xem xét hình sự", Phó thủ tướng nêu rõ.

VNR đã sẵn sàng ra toà

Trao đổi với VietnamFinance, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, trong thời gian qua, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 165/TB-VPCP ngày 31/10/2018 và Công văn số 4766/VPCP-V.I ngày 15/6/2020 về ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về việc yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo VNR khẩn trương thu hồi tài sản về cho Nhà nước trong việc góp vốn tại khu đất 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu.

Thực hiện Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban đã tiếp nhận quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại VNR kể từ ngày 12/11/2018.

“Để triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp, có ý kiến chỉ đạo VNR khẩn trương triển khai thực hiện nhằm sớm hoàn thành việc thu hồi tài sản về cho nhà nước tại khu đất 80 - Lý Thường Kiệt và 22 - Phan Bội Châu (TP. Hà Nội)”, Công văn số 8594/BGTVT-QLDN do ông Nguyễn Ngọc Đông ký nêu rõ.

Sau khi nhận được Thông báo số 165, từ tháng 1/2019 đến ngày 3/9/2020, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã chủ động liên hệ và gửi 6 văn bản đề nghị Công ty TNHH Hà Thành cử đại diện hợp pháp làm việc với Tổng công ty để thỏa thuận hủy bỏ biên bản thỏa thuận hợp tác đã ký kết, nhưng không nhận được phản hồi của đối tác.

Sau nhiều lần liên hệ, ngày 15/9, đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và ông Phan Huy Lệ, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hà Thành mới có cuộc tiếp xúc, thảo luận đầu tiên để giải quyết Biên bản thỏa thuận hợp tác trên tinh thần hạn chế thấp nhất các thiệt hại phát sinh. Đến ngày 16/10, hai bên tiếp tục có cuộc đàm phán thứ hai.

Tuy nhiên, tại cuộc gặp mới nhất này, Công ty TNHH Hà Thành không đồng ý việc bãi bỏ thỏa thuận hợp tác đầu tư, quản lý, sở hữu, kinh doanh khách sạn tại khu đất 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu.

Đại diện Công ty TNHH Hà Thành khẳng định, họ chỉ thực hiện theo đúng nội dung biên bản thỏa thuận hợp tác đã ký với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Các việc khác, nhà đầu tư này đề nghị VNR theo pháp luật thực hiện.

Trước những động thái từ phía Công ty TNHH Hà Thành, ông Đặng Sỹ Mạnh cho biết: “Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang tiến hành thủ tục khởi kiện ra tòa án cấp có thẩm quyền. Đồng thời sẽ làm hết sức theo đúng quy định của pháp luật để sớm hoàn thành chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình”.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.