TP. HCM: Phát hiện 381 vụ việc liên quan đến 'tín dụng đen' trong 3 năm

Trần Lê - 05/06/2022 10:57 (GMT+7)

(VNF) - UBND TP.HCM có báo cáo gửi Bộ Công an 3 năm thực hiện Chỉ thị số 12/2019 của Thủ tướng về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

VNF
Từ tháng 4/2019 - 4/2022, toàn TP. HCM đã tiếp nhận, phát hiện 381 vụ việc có liên quan "tín dụng đen" (ảnh minh họa)

Theo báo cáo, trong 3 năm qua, Công an TP. HCM phối hợp với các lực lượng chức năng thành lập đoàn liên ngành kiểm tra, thanh tra 1.280 lượt cơ sở kinh doanh liên quan "tín dụng đen", phát hiện 173 cơ sở vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 131 cá nhân.

Từ tháng 4/2019 - 4/2022, toàn TP. HCM đã tiếp nhận, phát hiện 381 vụ việc có liên quan "tín dụng đen", trong đó đã khởi tố 112 vụ, 268 bị can; 1.316 lượt đổ chất bẩn, chất thải xác định có mâu thuẫn bắt nguồn từ hoạt động cho vay lãi nặng.

Thống kê theo tội danh, tiếp nhận 13 vụ đe dọa giết người, 40 vụ cố ý gây thương tích, 3 vụ cướp tài sản, 23 vụ cưỡng đoạt tài sản, 123 vụ cho vay lãi nặng, 14 vụ bắt, giữ, giam người trái pháp luật…

Hoạt động vay tiền qua ứng dụng (app) ngày càng có chiều hướng phức tạp. Các đối tượng người nước ngoài đầu tư vốn, liên kết với doanh nghiệp tại TP. HCM hoạt động cho vay dưới nhiều hình thức biến tướng.

UBND TP. HCM dự báo các hoạt động "tín dụng đen" đang có xu hướng câu kết với đối tượng hình sự, lưu manh, cộm cán hình thành các băng, ổ nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động khép kín, lưu động trên địa bàn rộng hoặc sử dụng thủ đoạn “núp bóng doanh nghiệp” thành lập các công ty, doanh nghiệp hợp pháp làm bình phong che giấu hoạt động phạm tội.

Có thể kể đến công ty tư vấn tài chính, cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cửa hàng mua bán điện thoại... ngụy trang hành vi cho vay bằng các hợp đồng giả cách, cho khách vay ký giấy mượn nợ không đúng với lãi suất thực tế, dù ký giấy mượn nợ 5%/tháng nhưng thực tế lên đến 20 - 30%/tháng.

Sau khi dịch vụ đòi nợ bị cấm hoạt động từ tháng 1/2021 thì xuất hiện hình thức núp bóng dưới hình thức công ty bảo vệ, tư vấn luật, mua bán nợ, ủy quyền đòi nợ, sử dụng nhân viên của các công ty đòi nợ trước đây.

UBND TP. HCM đề xuất tăng mức phạt đối với hành vi cho vay lãi nặng, tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn để người dân có nhu cầu vay tiền chính đáng, phục vụ việc sản xuất, kinh doanh không phải tìm đến "tín dụng đen".

Cùng chuyên mục
Tin khác