TS. Bùi Trinh: Tăng thuế xăng dầu người dân được hưởng lợi gì?

Thu Phương - 28/02/2018 18:34 (GMT+7)

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, việc tăng giá xăng sẽ làm giá thành sản xuất tăng theo, từ đó tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

VNF
Bộ Tài chính dự kiến tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.

Bộ Tài chính vừa đưa ra lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tăng thuế bảo vệ môi trường, trong đó có việc tăng mạnh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.

Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng từ 3.000 đồng/lít hiện nay lên mức kịch khung cho phép là 4.000 đồng/lít.

Bộ này cũng đề xuất tăng thuế môi trường với dầu diesel lên kịch khung 2.000 đồng/lít, thay cho mức 1.500 đồng/lít; thuế với dầu mazút, dầu nhờn tăng lên mức kịch khung 2.000 đồng/lít, thay cho mức 900 đồng/lít như hiện hành.

Đề xuất tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu của Bộ Tài chính được nhiều chuyên gia đánh giá là sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cuộc sống của người dân.

TheLEADER đã có cuộc trao đổi ngắn với chuyên gia kinh tế Bùi Trinh về vấn đề này.

- Ông đánh giá như thế nào về đề xuất tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu của Bộ Tài chính?

TS. Bùi Trinh: Theo tính toán, ngành vận tải không phải là ngành thải ra khí nhà kính lớn nhất. Ngành này thậm chí còn thải ra chất thải thấp hơn bình quân chung của nền kinh tế.

Ngành thải ra khí nhà kính lớn nhất chính là công nghiệp chế biến (thải ra mức thải cao hơn bình quân chung của nền kinh tế hơn 3 lần).

Bên cạnh đó là xuất khẩu, sản xuất hàng xuất khẩu thải ra khí nhà kính chiếm 51% tổng phát thải. Trong đó, sản xuất hàng xuất khẩu cơ bản thuộc lĩnh vực FDI, chiếm 73%.

Do đó, việc Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu nếu chỉ vì mục đích bảo vệ môi trường thì hoàn toàn không hợp tình hợp lý.

-Theo Bộ Tài chính lý giải, việc đề xuất tăng thuế xăng dầu là do thuế nhập khẩu giảm mạnh, số thu từ hoạt động nhập khẩu xăng dầu liên tục giảm qua các năm khi các nhà nhập khẩu chuyển sang nhập các thị trường có mức thuế ưu đãi đặc biệt. Ý kiến của ông như thế nào về việc này?

Bộ Tài chính lý giải việc giảm thuế nhập khẩu về 0 do hội nhập kinh tế, ký kết các hiệp định thương mại khiến nguồn thu ngân sách giảm phải tăng các nguồn thu khác đề bù vào khoản thiếu hụt, vậy câu hỏi đặt ra là "hội nhập" để làm gì?

Chúng ta "nháo nhào" đi ký kết các hiệp định hội nhập hợp tác quốc tế. Trong khi đó, nền sản suất của Việt Nam còn yếu, nền kinh tế chủ yếu là gia công. Khi hội nhập, thuế nhập khẩu về 0, hàng hoá từ các nước vào Việt Nam rẻ hơn, hàng hoá trong nước khó cạnh tranh được với nước ngoài như Trung Quốc, Thái Lan.

Không những thế, hụt thu ngân sách do thuế xuất nhập khẩu giảm lại được Bộ Tài chính tăng thuế, khiến người dân phải chịu ngày càng nhiều gánh nặng.

- Theo ông, việc tăng mạnh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ có tác động như thế nào đến nền kinh tế cũng như cuộc sống của người dân?

Năm vừa rồi một điều rất lạ là tất cả mọi người đều nhắc đến con số kỷ lục về tăng trưởng kinh tế 6,7%, cao nhất trong nhiều năm, tung hô thành tựu này như một bước đột phá trong tăng trường kinh tế. Câu hỏi đặt ra là với kỳ tích tăng trưởng đó người dân được hưởng lợi gì?

Ví dụ như Singarpo họ đạt vượt mức về tăng trưởng, ngân sách bội thu, họ thưởng cho dân. Trong khi Việt Nam, người dân không những không được hưởng từ kỳ tích ấy mà còn phải cõng thêm một loạt các loại thuế.

Vừa qua, Bộ Tài chính đã có đề xuất tăng thuế ở rất nhiều lĩnh vực, nhiều mặt hàng, không chỉ thuế bảo vệ môi trường mà còn một loạt các dự kiến tăng như thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt.

Đáng nói hơn, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống, là đầu vào của tất cả các ngành sản xuất trong nền kinh tế. Do đó, mặt hàng này có tăng giá như thế nào thì người dân và doanh nghiệp vẫn phải sử dụng.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khi những ngành này tăng giá sẽ làm giá thành sản xuất tăng theo, từ đó ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng.

Trong khi đó, giá các mặt hàng quá cao khiến người dân thắt chặt chi tiêu, doanh nghiệp không bán được hàng cũng không có động lực để phát triển sản xuất.

Sau cùng, sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và làm giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

- Xin cảm ơn ông!

Theo TheLEADER
Cùng chuyên mục
Tin khác