TS Huỳnh Thế Du: Tôi chưa nhìn thấy cơ hội nào ở Vân Phong
Vĩnh Chi -
25/10/2017 12:42 (GMT+7)
(VNF) – "Phú Quốc có cơ hội về du lịch vì nó có lợi thế đặc biệt của nó và cũng đã có một số doanh nghiệp ở đó rồi. Theo triết lý phát triển cấp ngành thì Phú Quốc có cơ hội thành công ở cấp ngành liên quan đến du lịch. Vân Đồn có yếu tố là thị trường rất rộng lớn của Trung Quốc. Còn Vân Phong, nói thực tôi chưa thấy cơ hội ở đâu", TS Huỳnh Thế Du – Giám đốc Chương trình Thạc sĩ Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam, nói.
Nên tập trung cho Hà Nội và TP. HCM
Chia sẻ bên lề diễn đàn "Giải pháp chính sách tháo bỏ nút thắt và tạo động lực mới, thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng" do Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hôm 24/10, TS Huỳnh Thế Du cho rằng để phát triển kinh tế đất nước thì cần tập trung nguồn lực cho các trung tâm mà cụ thể là Hà Nội và TP. HCM.
"Mọi người thường nghĩ giao thông tại Hà Nội và TP. HCM tắc nghẽn là do đông dân và thiếu đường. Giải pháp đưa ra là giãn dân và xây dựng thêm đường mới. Nhưng hãy nhìn các đô thị 10 triệu dân trên thế giới, có thành phố nào đi theo cách đó mà thành công chưa?
Để giải quyết thì phải nén dân, cho nhiều nhà cao tầng lên và gắn với vận tải công cộng. Các nguồn lực cần tập trung cho cho Hà Nội và TP. HCM, trước tiên là đầu tư cho cơ sở hạ tầng", ông Du nói.
Theo ông Du, vào thập niên 90, khoảng cách giữa Hà Nội, TP. HCM và các đô thị của Trung Quốc như Thượng Hải, Bắc Kinh không quá xa, nhưng hiện tại Thượng Hải đã có 500km tàu điện ngầm trong khi Hà Nội và TP. HCM chưa xây dựng được km nào.
"Dĩ nhiên, năng lực quản trị của 2 thành phố của chúng ta có vấn đề nhưng cũng là do nguồn lực không đủ".
TS Huỳnh Thế Du cho rằng nên dồn nguồn lực cho các thành phố như Hà Nội và TP. HCM
Ông Du phân tích: tại Việt Nam có một điều đi ngược với triết lý phát triển mà người ta không bàn tới đó là có 65% dân số sống tại nông thôn. Với mục tiêu làm cho số dân này khá giả lên, người ta cho rằng phải tập trung đầu tư cho nông thôn. Tuy nhiên, đó là cách tiếp cận đi ngược xu hướng phát triển.
"Muốn phát triển thì phải gắn liền với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có nghĩa làm sao cho mọi người sống ở đô thị. Vào thập niên 80, tỷ lệ dân đô thị tại Trung Quốc tương đương Việt Nam (khoảng 20%), bây giờ họ đã gần 60% mà ta chỉ có 35%. Hay như tại Hàn Quốc, Đài Loan, về cơ bản 4/5 dân số sống ở đô thị. Sự tập trung đó tạo ra sức lan tỏa, còn ở mình thì đang vắt kiệt Hà Nội và TP. HCM. Tức là rải mành mành khắp nơi và không có cái nào ra tấm ra món cả", ông Du cho hay.
Đặc khu phải gắn với Hà Nội, TP. HCM
Theo ông Du, đặc khu tại Việt Nam cũng phải như khu Phố Đông của Thượng Hải, tức là phải gắn với Hà Nội, TP. HCM mà bung lên. Vì những người vào đấy đều là người giàu, người giỏi và doanh nghiệp. "Bây giờ hỏi có ai đi Phú Quốc, Vân Đồn, Vân Phong làm việc không?"
Đánh giá về tiềm năng của các đặc khu, ông Du nhận xét: "Phú Quốc có cơ hội về du lịch vì nó có lợi thế đặc biệt của nó và cũng đã có một số doanh nghiệp ở đó rồi. Theo triết lý phát triển cấp ngành thì Phú Quốc có cơ hội thành công ở cấp ngành liên quan đến du lịch. Vân Đồn có yếu tố là thị trường rất rộng lớn của Trung Quốc. Còn Vân Phong, nói thực tôi chưa thấy cơ hội ở đâu.
"Tức là tôi chưa thấy 3 yếu tố: doanh nghiệp, người giỏi, người giàu tập trung đến đó để mà tạo ra 1 đô thị, 1 đặc khu kinh tế phát triển trong thời gian dài".
Trả lời cho câu hỏi, với các cơ chế đặc thù được đề xuất, liệu các đặc khu như Vân Đồn, Phú Quốc, Vân Phong có thay đổi bộ mặt các vùng được không, ông Du cho rằng "có khả năng thành công ở một số khía cạnh nhất định".
"Để tao ra một cú hích thì cách nhìn của tôi là vẫn phải tập trung vào 2 trung tâm đó là TP. HCM và Hà Nội. Giống như Thượng Hải chọn Phố Đông thì TP. HCM có thể chọn Thủ Thiêm. Bởi vì quan trọng là thu hút được người giỏi mà người giỏi không phải là một người, đó là cả một cộng đồng. Đặc khu gần Hà Nội chẳng hạn thì có thể thu hút được rất đông người, còn ở Vân Phong thì làm sao thu hút được", ông Du nói.
Nên bỏ các khu kinh tế không hiệu quả
Theo ông Du, bài toán của Việt Nam trong 20 năm tới là giữ chân người giỏi, bởi đó chính là điều kiện cần cho sự phát triển.
"Kiều hối hiện nay khoảng 10 tỷ USD. Số này bằng 1/10 thu nhập mà thu nhập chỉ bằng 1/2 giá trị họ tạo ra. Như vậy giá trị mà đội ngũ người giỏi tạo ra khoảng 200 tỷ USD/năm. Số lượng người giỏi này sẽ tăng lên rất nhanh chóng trong 20 năm tới. Nhưng vấn đề là 20 năm nữa, chúng ta sẽ giữ họ ở đâu? Vân Phong, Vân Đồn, Phú Quốc có giữ được không? Tôi nghĩ chỉ giữ được một ít thôi, còn lại họ vẫn ở Hà Nội và TP. HCM".
"Hãy nhìn Trung Quốc, 30 năm qua họ tập trung đầu tư cho Bắc Kinh, Thượng Hải. Họ tập trung cho một thứ và làm ra tấm ra món, còn chúng ta thì làm ngược lại. Nên là hãy nhìn vào cơ bản, đừng có nói xa xôi, đừng nói mơ về một cái đặc biệt, cái quan trọng nhất là biết mình cần cái gì. Đó là cơ chế giữ lấy đội ngũ mà 20 năm nữa họ làm ra mấy trăm tỷ USD cho đất nước", ông Du phân tích.
Ông Du cho rằng cần bỏ các khu kinh tế, khu công nghiệp làm ăn không hiệu quả để dồn nguồn lực cho các trung tâm, tránh tình trạng tạo ra "mô hình quả mít", rốt lại không có thành phố nào đáng sống.
"Hình dung 10 năm nữa, Phú Quốc, Vân Đồn có cái này cái kia, nhưng liệu có thành đột phá để kích nền kinh tế lên không. Khả năng là khó. Nó chỉ được một ngành thôi. Muốn kích lên phải như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến, Tokyo, Osaka, Seoul.. Mình muốn kích cả nền kinh tế thì mình phải tập trung cho các thành phố lớn", ông Du kết luận.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone