TS. Lê Xuân Nghĩa: 'Chính sách cần mở để doanh nghiệp khởi nghiệp chủ động huy động vốn'

Bình An (ghi) - 14/12/2017 15:46 (GMT+7)

(VNF) - Bên lề hội thảo "Góp ý dự thảo sửa đổi nghị định 90 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp" TS. Lê Xuân Nghĩa đã nêu quan điểm khá "thoáng" liên quan đến vấn đề này.

VNF
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia Kinh tế.

Ông Nghĩa nói:

"Theo tôi, nguyên nhân thứ nhất có thể kể tới là vướng mắc pháp lý. Thực ra thị trường trái phiếu, nhất là trái phiếu phát hành riêng lẻ dựa chủ yếu vào lòng tin, dựa vào các quy định có tính pháp lý. Hiện nay, có thể thấy quy định của Nghị định 90 đang quá phức tạp về thủ tục, điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Thứ 2 là hiện nay ở ta việc công bố thông tin còn quá sơ sài nên bản thân nhà đầu tư và doanh nghiệp chưa thể gặp được nhau.

Thứ 3 là chúng ta vẫn đang có nhiều kênh đầu tư có hiệu quả như bất động sản, chứng khoán, tín dụng, nên nên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang bị lấn át, phát triển chậm chạp.

Tuy nhiên, dù gì thì lý do quan trọng nhất khiến trái phiếu doanh nghiệp kém phát triển vẫn là do cơ sở pháp lý hiện nay quá phức tạp".

Vậy theo ông, Dự thảo sửa đổi Nghị định 90 mà Bộ Tài chính đang đưa ra để lấy ý kiến có giải quyết được những vấn đề nêu trên, mở lối cho trái phiếu doanh nghiệp phát triển?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Tôi cho rằng nghị định sửa đổi này cũng không giải quyết được vấn đề gì như chúng tôi mong muốn. Có vẻ nó không dựa trên nền tảng phát hành trái phiếu riêng lẻ, mà lại mang màu sắc của đại chúng, từ chuẩn mực công bố thông tin, đăng ký lưu ký đến chế độ kiểm toán. Tất cả đều gần giống với phát hành trái phiếu đại chúng.

Những nhà soạn thảo nghị định không đặt trên nền tảng là doanh nghiệp khởi nghiệp, những đối tượng chỉ cần có ý tưởng là đã huy động vốn được rồi để làm luật. Và vì thế mà nghị định này bác bỏ hoàn toàn yếu tố khởi nghiệp.

Họ không chịu tham khảo kinh nghiệm quốc tế là với vai trò người có ý tưởng, tôi có bí kíp công nghệ muốn biến nó thành quy trình sản xuất và tôi huy động vốn để biến ý tưởng đó thành hiện thực. Ai tin tôi thì đầu tư mua trái phiếu riêng lẻ do tôi phát hành và những nhà đầu tư mạo hiểm sẽ nhảy vào.

Chúng ta đang làm một nghị định vô cùng phức tạp, dày tới vài chục trang để làm gì, trong khi nhà đầu tư chỉ muốn đọc 1- 2 trang thông tin trên mạng, để nắm được những vấn đề trọng yếu sau đó quyết định đầu tư nhanh chóng.

Tôi vừa nhận hồ sơ mời đầu tư của một trái phiếu đầu tư vào Trung Quốc khá nổi tiếng, được Bộ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc đặt cho cái tên là trái phiếu Gấu Trúc. Bất cứ doanh nghiệp, cá nhân nào đều có thể đầu tư vào Trung Quốc dễ dàng thông qua trái phiểu này. Và hồ sơ của loại trái phiểu này chỉ có vỏn vẹn 1 trang giấy. 

Tôi đọc xong thấy loại trái phiếu này có thể cao cấp hơn nhiều trái phiếu doanh nghiệp của ta, nhưng thủ tục, đăng ký vô cùng đơn giản. Nó như một khoản vay nợ bình thường, anh thích thì anh cho vay, không thì thôi và nó dựa vào niềm tin lẫn nhau.

Vậy thưa ông, với kinh nghiệm nghiên cứu về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, ông có góp ý gì cho dự thảo sửa đổi Nghị định 90 để Nghị định thực sự đi vào cuộc sống và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn qua kênh này?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Các nhà soạn thảo Nghị định cần đặt trên 2 nền tảng chính để sửa đổi toàn bộ Nghị định này.

Thứ nhất là làm sao để doanh nghiệp khởi nghiệp có thể huy động được vốn, để biến ý tưởng của họ thành hiện thực. Điều này có thể rủi ro cho cả nhà đầu tư và doanh nghiệp, nhưng đó là chuyện bình thường và đúng theo quy luật của thị trường.

Đây là trái phiếu phát hành riêng lẻ, không có ý nghĩa đại chúng, vì vậy nó không cần niêm yết, không cần kiểm toán. Ai tin thì đầu tư, cuộc chơi là giữa nhà phát hành và lòng tin của các nhà đầu tư. Nhà đầu tư rủi ro thì mới dám chơi trên sân chơi này.

Còn với các công ty phát hành trái phiếu như ngân hàng, tập đoàn lớn thì họ vẫn có quyền công bố thông tin bình thường và rất đàng hoàng. Họ có thể công khai báo cáo kiểm toán, kết quả kinh doanh 3 năm, thậm chí 10 năm. Điều đó càng tăng lòng tin cho nhà đầu tư, từ đó giúp họ có thể giảm lãi suất khi phát hành trái phiếu.

Theo tôi, chúng ta cần để Nghị định có dải bao quát rộng khắp, từ những doanh nghiệp khởi nghiệp đến các nhà phát hành có tầm vóc trên thị trường như các ngân hàng thương mại, tập đoàn lớn. Như vậy cuộc chơi mới thực sự công bằng với các star-up. 

Còn quy định như tại Dự thảo sửa đổi Nghị định 90 như hiện nay chỉ đang nhằm vào những đối tượng có 'máu mặt' trên thị trường thì Nghị định ra đời cũng chỉ là vô ích, không để làm gì cả!

Cùng chuyên mục
Tin khác