TS. Nguyễn Đình Cung: 'Cần tìm kiếm động lực tăng trưởng cho những năm tiếp theo'

VNF (ghi) - 06/09/2018 07:31 (GMT+7)

(VNF) - TS. Nguyễn Đình Cung nói để tìm kiếm động lực tăng trưởng cho những năm tiếp theo, Việt Nam cần cũng cần tiếp tục thực hiện các giải pháp hiện có (NQ19, NQ35, xử lý nợ xấu,...), nhưng phải gia tăng quy mô, tốc độ và nhất là đảm bảo tính thực chất, tính đầy đủ, không hình thức nửa vời.

VNF
TS. Nguyễn Đình Cung

Phát biểu tại Hội thảo tham vấn “Đánh giá giữa kỳ kết quả cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020”, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết về tái cơ cấu nền kinh tế, đến nay đã có 25,8% nhiệm vụ đã triển khai và có kết quả rõ ràng; 57,5% nhiệm vụ đang triển khai nhưng chưa có kết quả rõ ràng, 16,7% nhiệm vụ đã triển khai nhưng chưa có kết quả. Đánh giá chung, có 24% mục tiêu cơ cấu lại dự kiến hoàn thành, 32% có khả năng hoàn thành và 41% khó hoàn thành.

Ông Cung cho rằng, việc cơ cấu lại nền kinh tế đất nước đã đạt được những kết quả tích cực như: kinh tế vĩ mô giữ được ổn định, tăng trưởng phục hồi và đạt mức tương đối cao, chất lượng tăng trưởng được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế còn bộc lộ những hạn chế như cách thức phân bố nguồn lực chưa thay đổi, chưa được phân bố lại theo hướng nâng cao hiệu quả.

Bên cạnh đó, các dòng chảy lớn chuyển dịch còn chậm như: chuyển nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ, nông thôn sang thành thị, nhà nước sang tư nhân, chính thức sang phi chính thức. Trong khi, các dòng chuyển dịch này là nhân tố quan trọng tạo động lực cho tăng trưởng.

Vẫn theo ông Nguyễn Đình Cung, để tạo động lực tăng trưởng cao và bền vững, Việt Nam cần thay đổi khác biệt về tư duy, cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực nhà nước và tạo cực tăng trưởng động lực cho nền kinh tế.

Theo đó, Việt Nam cần phát triển và hoàn thiện thị trường các nhân tố sản xuất, nhất là thị trường tài chính (thị trường vốn, thị trường tín dụng), thị trường quyền sử dụng đất; thực hiện phân bổ và sử dụng nguồn lực nhà nước theo quy tắc và quy luật thị trường.

Để tìm kiếm động lực tăng trưởng cho những năm tiếp theo, Việt Nam cần cũng cần tiếp tục thực hiện các giải pháp hiện có (NQ19, NQ35, xử lý nợ xấu,...), nhưng phải gia tăng quy mô, tốc độ và nhất là đảm bảo tính thực chất, tính đầy đủ, không hình thức nửa vời.

Để làm được điều này, cần phải có nhóm chuyên gia độc lập thẩm định các dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành trước khi trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Về phân bổ nguồn lực, cần thực hiện một số giải pháp mạnh và được thực hiện một cách khác biệt, như phát triển doanh nghiệp tư nhân, cụ thể là tập hợp các dự án đầu tư quy mô lớn của tư nhân trong nước trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, xây dựng hạ tầng giao thông...

Về tái cơ cấu doanh nghiệp, thay vì nỗ lực tái cơ cấu các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, cần tập trung thực hiện tái cơ cấu toàn diện, tập trung đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp tốt, doanh nghiệp có tiềm năng phát triển; đầu tư vào các doanh nghiệp quản trị tốt, kinh doanh hiệu quả (đạt tỷ suất lợi nhận/vốn chủ sở hữu ít nhất 20%/năm)…

Cùng chuyên mục
Tin khác