TS Nguyễn Đình Cung: ‘Nên dành sân bay nhỏ cho tư nhân xây dựng’

Kỳ Thư - 12/10/2022 09:27 (GMT+7)

(VNF) - TS Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện CIEM đề nghị hai phần ba tổng số sân bay nhỏ nên giao cho địa phương kêu gọi xã hội hóa đầu tư vì nguồn lực của nhà nước hạn chế.

VNF
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.

“Các sân bay nhỏ nên để tư nhân đầu tư”

Nói về lợi ích sân bay tại tọa đàm “Sân bay thúc đẩy kinh tế địa phương” TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế trung ương cho rằng theo quy hoạch, hai phần ba tổng số sân bay nên giao cho địa phương kêu gọi đầu tư vì nguồn lực của ACV hạn chế. Các sân bay nhỏ phải để tư nhân đầu tư vì họ đánh giá phương án kinh doanh, phát triển đồng bộ cả vùng.

Bàn về việc nhiều địa phương đang đề xuất quy hoạch sân bay, TS Nguyễn Đình Cung nhận định đây là nhu cầu chính đáng của các địa phương. Do đó, quy hoạch hệ thống cảng hàng không toàn quốc đang được dự thảo là rất quan trọng. Nếu quy hoạch không hợp lý sẽ thành điểm nghẽn phát triển kinh tế xã hội của các địa phương.

Ông cho rằng nên có quy hoạch mở, không định vị 28 sân bay đến năm 2030 hay 31 sân bay đến năm 2050 mà có thể hoạch định nhiều hơn nữa để không mất thời gian điều chỉnh quy hoạch, tạo cơ chế xin cho.

Ngoài ra, theo ông Cung cũng không nên đặt trình tự xây dựng theo năm mà nên để địa phương tự quyết định theo nhu cầu.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đánh giá đầu tư sân bay cần nhìn tổng thể tiềm năng của địa phương. Nói rộng ra là cả điều kiện xã hội như tiếp cận cứu trợ thiên tai bão lũ.

"Khi quyết định bổ sung vào quy hoạch, hay ra quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, các cơ quan có thẩm quyền đánh giá cần nhìn rộng hơn theo lợi ích tiềm năng về phát triển kinh tế - xã hội thay vì giới hạn trong một dự án cụ thể", ông Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, hiện nay đã có tiêu chí về quy hoạch xây dựng sân bay nhưng cần phải có thêm các tiêu chí minh bạch hơn trong việc xác minh tính ưu tiên, để các địa phương khi đề xuất nếu không được cấp phép đồng thời sẽ không bị ấm ức. Và quy hoạch cũng cần được sớm thông qua để địa phương căn cứ vào đó thực hiện nhu cầu của họ.

“Thêm các sân bay nhỏ để phát triển kinh tế địa phương”

Nêu tầm quan trọng của sân bay nhỏ, TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, những thành công ban đầu tại Dự án Xây dựng cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) do Tập đoàn Sungroup đầu tư như một minh chứng cho hướng đi mới, thu hút đầu tư mang tính đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nói chung, trong phát triển hạ tầng hàng không nói riêng.

“Từ trước đến nay, chúng ta luôn mặc định đầu tư hạ tầng hàng không luôn là lĩnh vực đặc thù, yêu cầu khắt khe về năng lực tài chính, kinh nghiệm, nhạy cảm về an ninh quốc phòng nên chỉ dành cho các doanh nghiệp quốc doanh. Tuy nhiên, sân bay Vân Đồn được triển khai nhanh, hiện đại và được vận hành đúng theo tiêu chuẩn quốc tế đã phá vỡ định kiến đó”, TS. Trần Đình Thiên cho biết.

Đồng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, đề xuất xây dựng sân bay của các địa phương là hoàn toàn chính đáng. Lợi ích của sân bay không chỉ dừng lại ở hiệu quả kinh tế khai thác sân bay, mà còn mang tới lợi ích gián tiếp về việc phát triển kinh tế xã hội.

“Khi quyết định đánh giá một dự án phát triển sân bay tại địa phương, chúng ta cần nhìn tổng thế theo hướng này. Tuy nhiên, các địa phương cũng cần tính toán kỹ càng bài toán phát triển sân bay để có mô hình khai thác càng rõ ràng và chi tiết càng tốt, bởi nó sẽ giảm tối đa những sai sót”, ông Hiếu nêu quan điểm.

Cùng chuyên mục
Tin khác