TS. Nguyễn Trí Hiếu: Các gói hỗ trợ doanh nghiệp chưa thực tế, chỉ mang ý nghĩa 'tâm lý'

Việt Anh - 18/07/2020 13:40 (GMT+7)

(VNF) - Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, các gói hỗ trợ doanh nghiệp vượt đại dịch Covid-19 hiện nay đang kém hiệu quả và thiếu thực tế. Để "giải cứu" doanh nghiệp kịp thời, tránh tình trạng phá sản hàng loạt, Chính phủ cần tìm biện pháp mới để bơm tiền vào nền kinh tế, bơm tiền cho doanh nghiệp.

VNF
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Các gói hỗ trợ doanh nghiệp chưa thực tế, chỉ mang ý nghĩa 'tâm lý'

Gói hỗ trợ doanh nghiệp thiếu thực tế, khó tiếp cận

Đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng và mạnh mẽ đến cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu, không ngoại trừ cộng đồng doanh nghiệp Việt. Hậu quả rõ nét mà đại dịch để lại là tình cảnh hàng loạt doanh nghiệp buộc phá sản, ngừng hoạt động. Những doanh nghiệp cầm cự được thì phải chật vật mưu sinh, cố duy trì, chờ sự hỗ trợ từ Chính phủ.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã ban hành các gói tín dụng và chính sách thuế nhằm kích thích, phục hồi hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, các gói hỗ trợ này không chỉ khó khăn trong việc tiếp cận, mà còn thiếu ý nghĩa thực tế.

Nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ là do các quy định về điều kiện được hưởng các chính sách rất khắt khe, doanh nghiệp khó đáp ứng được. Cụ thể, với gói hỗ trợ tín dụng lãi suất thấp, có ngân hàng thương mại yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh được thiệt hại do Covid-19 gây ra, chứng minh khả năng trả nợ.

Hay đối với gói hỗ trợ trả lương cho người lao động, doanh nghiệp phải đáp ứng được điều kiện là trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc và phải chứng minh đang gặp khó khăn về tài chính, không có nguồn thu... Các doanh nghiệp cho rằng, để thực hiện được những việc này là vô cùng phức tạp và mất nhiều thời gian, không khác gì "đánh đố".

Mặt khác, tính thực tế của những biện pháp kích thích kinh tế cũng chưa như kỳ vọng của doanh nghiệp. Theo lãnh đạo của một công ty đang hoạt động trong lĩnh vực vận tải, đơn cử như chính sách giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, mặc dù là cần thiết, nhưng chỉ phù hợp với nhóm doanh nghiệp đang kinh doanh có lãi.

Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, đa phần doanh nghiệp quy mô nhỏ, siêu nhỏ đều điêu đứng, đối mặt với nguy cơ phá sản, giải thể, chứ hiếm có doanh nghiệp nào có lãi. "Tôi thấy chủ trương này không có nhiều tác dụng, bởi doanh nghiệp không có doanh thu, thì có giảm đến 100%, họ cũng không có cơ sở để nộp thuế", vị này cho biết.

Tương tự, lãnh đạo của một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cũng cho rằng, Chính phủ và Bộ Tài chính nên cân nhắc cho miễn, giảm các loại thuế khác, như thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập cá nhân,... Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, nên kéo dài thêm thài gian, có thể sang năm sau để doanh nghiệp giảm bớt khó khăn và tăng ý nghĩa của chính sách hỗ trợ này.

Cần biện pháp mới để "bơm" tiền cho doanh nghiệp

Chia sẻ quan điểm về các gói hỗ trợ doanh nghiệp hiện nay với VietnamFinance, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định: "Các gói cứu trợ cho tới bây giờ chỉ mang ý nghĩa về mặt "tâm lý", giúp doanh nghiệp có thêm động lực, niềm tin để tiếp tục duy trì hoạt động, chứ không nhiều tác dụng thực tế".

Hiện có 3 gói hỗ trợ chính, bao gồm gói 300.000 tỷ đồng do Ngân hàng Nhà nước tung ra để hỗ trợ doanh nghiệp; gói 180.000 tỷ đồng nhằm miễn, giảm thuế và gói cho vay 16.000 tỷ với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động.

TS. Hiếu cho biết, với gói vay 300.000 tỷ đồng, các ngân hàng nói là họ cũng đóng góp rất nhiều, quy mô hiện nay lên tới gần 800.000 tỷ, đặc biệt, một số tổ chức tín dụng thậm chí đã hạ lãi suất cho vay từ 2,5% lên tới 4%/năm so với trước khi có dịch.

"Tuy nhiên, bao nhiêu khách hàng được hưởng gói hỗ trợ này là nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, đối tượng đang lao đao, điêu đứng vì dịch bệnh? Hay chỉ là những doanh nghiệp có tiềm năng, có tài sản thế chấp lớn, những khách hàng đóng góp nhiều cho lợi nhuận của ngân hàng? Tôi nhận thấy gói này không có nhiều ý nghĩa, "có tiếng mà không có miếng"", TS. Hiếu nhấn mạnh.

Đối với gói 180.000 tỷ đồng, đối tượng hỗ trợ chủ yếu cũng là các doanh nghiệp làm ăn có lãi, chứ doanh nghiệp đang thua lỗ, sắp giải thể thì không có ý nghĩa gì. Cuối cùng, gói 16.000 tỷ tới nay vẫn chưa có doanh nghiệp nhận được hỗ trợ, trong khi gói này rất quan trọng, để doanh nghiệp có tiền trả lương, giữ chân người lao động. "Nhiều doanh nghiệp kêu ca là họ đã xin, nhưng chưa thấy hồi âm", TS. Hiếu nói.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, phải giúp doanh nghiệp khôi phục tính thanh khoản. Chính phủ cần tìm mọi biện pháp, để bơm tiền vào cho nền kinh tế, bơm tiền cho các doanh nghiệp đang bị tác động bởi dịch bệnh, bằng một biện pháp hiệu quả hơn, thực tế hơn. Và một trong những biện pháp đó là cải tổ lại quỹ bảo lãnh tín dụng.

Theo đó, quỹ bảo lãnh tín dụng hiện nay theo Nghị định 34 là quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương, vốn điều lệ chỉ khoảng 100 tỷ đồng và không được bảo lãnh quá 3 lần vốn điều lệ. Đồng thời, quỹ hoạt động theo nguyên tắc bảo toàn vốn, tức là người đứng đầu quỹ phải chịu trách nhiệm, nếu khoản vay không được thanh toán, người vay "xù nợ".

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng quỹ bảo lãnh tín dụng đang hoạt động kém hiệu quả, cần phải cải tổ, nâng quy mô trở thành quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia, lấy ngân sách từ Nhà nước, chứ không phải từ ngân sách địa phương.

Với vốn điều lệ lớn, quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia này mới có thể bảo lãnh quy mô lớn, qua đó giúp các doanh nghiệp vay ngân hàng dễ dàng hơn. "Cách đó mới có thể bơm tiền cho doanh nghiệp nhanh và hiệu quả nhất", TS. Hiếu nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục
Tin khác