TS Nguyễn Trí Hiếu: Lẽ ra Ngân hàng Nhà nước phải giảm lãi suất điều hành ít nhất 0,5 điểm%

Tào Minh - 16/09/2019 11:10 (GMT+7)

(VNF) – Chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng mức giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (0,25%) là quá ít, lẽ ra tối thiểu phải giảm 0,5 điểm%.

VNF
TS Nguyễn Trí Hiếu

Như VietnamFinance đã thông tin, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã quyết định giảm lãi suất điều hành. Cụ thể: giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,25%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,25%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng từ 7,25%/năm xuống 7,0%/năm; lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm.

Liên quan đến vấn đề này, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Trí Hiếu:

- Ông đánh giá như thế nào về việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành trong bối cảnh hiện nay?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Tôi cho đó là một động thái hợp lý. Việc này nằm trong xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới. Các nước hiện đang nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế và thúc đẩy xuất khẩu. Việt Nam cũng vậy, chúng ta đang đối diện với sự bất ổn của kinh tế thế giới và để thúc đẩy tăng trưởng, chúng ta cần hạ lãi suất.

Việc hạ lãi suất có nhiều mặt lợi về vĩ mô. Đây cũng là thời điểm thuận lợi để hạ lãi suất bởi Chính phủ đang kiểm soát lạm phát rất tốt, do đó không sợ rủi ro lạm phát tăng cao. Đồng thời có thể thấy mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại tăng khá nhanh, nhất là kỳ hạn trung và dài, vì vậy việc giảm lãi suất điều hành đưa lại kỳ vọng giảm mặt bằng lãi suất cho cả nền kinh tế.

- Ông cho mức giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (0,25 điểm%) có hợp lý?

 Ít, quá ít.

- Theo ông nên giảm bao nhiêu điểm%?

Tối thiểu cũng phải 0,5 điểm%.

- Có ý kiến cho rằng việc giảm lãi suất điều hành không tác động nhiều tới mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại hiện nay, ông nghĩ sao?

Điều đó đúng. Chúng ta biết ngành ngân hàng có hai thị trường: thị trường 1 là giữa ngân hàng và người dân, thị trường 2 là giữa các ngân hàng với nhau và với Ngân hàng Nhà nước. Mỗi thị trường có một mặt bằng lãi suất riêng.

Việc lãi suất trên thị trường 2 có tác động đến lãi suất trên thị trường 1 hay không thì cần phải chờ. Nó đòi hỏi độ trễ nhất định và liều lượng phù hợp.

Vấn đề của hệ thống tài chính Việt Nam là không có sự liên thông về lãi suất giữa hai thị trường 1 và 2. Ở Mỹ có lãi suất tham chiếu (lãi suất qua đêm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - FED), các lãi suất khác đều xoay quanh lãi suất tham chiếu. FED chỉ cần tác động vào lãi suất tham chiếu là điều chỉnh được thị trường. Còn ở Việt Nam chỉ có lãi suất điều hành, mà lãi suất điều hành chỉ tác động ở thị trường 2, do đó rất có thể việc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành chẳng tác động mấy đến thị trường 1. Tức là ông đi đường ông, tôi đi đường tôi, chẳng liên quan đến nhau.

- Liệu từ nay đến cuối năm 2019, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giảm lãi suất điều hành?

Tôi không loại trừ khả năng đó nhưng tôi cho rằng khả năng giảm thêm lần nữa trong năm nay là không cao.

- Việc giảm lãi suất có ảnh hưởng như thế nào tới tỷ giá?

Việc này có thể tạo điều kiện cho tỷ giá tăng lên song chúng ta không cần lo lắng về các rủi ro, ví dụ như rủi ro với Mỹ trong việc bị xem xét là nước thao túng tiền tệ. Việt Nam không giống Trung Quốc.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Cùng chuyên mục
Tin khác