TS Trần Đình Thiên: 'Chúng ta sai lầm khi kéo dài việc sử dụng khái niệm cổ phần hóa'
Xuân Hải -
23/09/2019 14:28 (GMT+7)
(VNF) – “Cổ phần hóa là một khái niệm không có liên quan đến khái niệm thông thường của kinh tế học, một khái niệm hoàn toàn mang ý nghĩa định hướng xã hội chủ nghĩa”,TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nói.
Phải xem lại khái niệm kinh tế nhà nước
Theo TS Trần Đình Thiên, nói đến kinh tế nhà nước thì có 2 nhóm vấn đề: một là khái niệm kinh tế nhà nước, hai là cách đánh giá sứ mệnh của nó.
Bàn về khái niệm, ông Thiên cho rằng khái niệm kinh tế nhà nước không chỉ là “nó là thế nào” mà còn là “nó là gì trong cấu trúc của nền kinh tế’.
“Khái niệm kinh tế nhà nước đứng đối diện với kinh tế tư nhân, trong mối quan hệ với khu vực kinh tế tư nhân, đã bắt đầu có vấn đề rồi.
“Xưa nay, ta để doanh nghiệp nhà nước đối diện với doanh nghiệp tư nhân để khẳng định doanh nghiệp nhà nước chủ đạo. Sau ta thấy doanh nghiệp nhà nước không chủ đạo được thì lái sang khái niệm kinh tế nhà nước làm chủ đạo để khỏi ai cãi được. Bởi vì kinh tế nhà nước to như thế, nó chủ đạo thì ai cãi được. Nhưng khổ nỗi, khái niệm kinh tế nhà nước với khái niệm khu vực tư nhân (mà chỉ có mỗi doanh nghiệp) thì không tương đồng”, ông nói.
Thế nên ông Thiên cho rằng khái niệm kinh tế nhà nước có 2 yếu tố: một là tài sản, hai là cơ chế phân bổ.
Về tài sản, ông Thiên yêu cầu phân biệt tài sản của kinh tế nhà nước và tài sản nhà nước để cho doanh nghiệp nhà nước kinh doanh.
“Hai thứ này phải rõ ràng. Nếu hai thứ không ràng về cấu trúc, về cơ chế vận hành thì lập tức có chuyện méo mó ngay, lập tức khu vực nhà nước ăn tiền ngay, lạm dụng ngay”, ông Thiên nhấn mạnh.
Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nêu câu hỏi: tài sản của nhà nước, nhưng của nhà nước là của ai, lực lượng kinh tế nào có quyền sử dụng nó và dùng theo cơ chế nào. “Cho nên cơ chế phân bổ là điều quan trọng. Tài sản nhà nước như nguồn lực quốc gia, cơ chế phân bổ nguồn lực phải rõ”.
“Khi bàn đến khái niệm đó, ta thấy khái niệm kinh tế nhà nước làm chủ đạo, đứng đối lập với các lực lượng khác trở nên vô nghĩa. Còn ai nữa, tài sản ông nắm cả mà ông làm chủ đạo thì còn ai chủ đạo! Bởi vì khu vực tư nhân chỉ có doanh nghiệp không thôi. Cái doanh nghiệp đấy tương đương về mặt cấu trúc với khu vực chỉ có doanh nghiệp nhà nước thôi.
“Cho nên tôi nghĩ vấn đề đầu tiên là phải làm được khái niệm rõ ràng. Tôi cho rằng đến lúc này mọi thứ đặt ra rõ ràng rồi, có điều mình có dám nhận diện rõ không thôi. Còn cứ nhắm mắt bảo không có gì rõ ràng cả thì đất nước này có vấn đề về trí tuệ, không đáng được phát triển”, ông Thiên bình luận.
“Chủ đạo mà như thế thì đất nước chết à…”
Nói về việc đánh giá vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, ông Thiên cho rằng cần phải xem xét đến tổng thể nền kinh tế Việt Nam có sự thay đổi nào không.
“Công lao của kinh tế nhà nước phải được đánh giá bằng toàn bộ nền kinh tế chứ không phải ông cải thiện được một tí rồi bảo ‘mày thấy tao tốt chưa’. Đấy là mày tốt, nhưng với tư cách là mày thôi, còn mày với tư cách chủ đạo thì phải làm cho cả nền kinh tế tốt lên”.
“Chúng ta biết rằng nền kinh tế này có thể tăng trưởng nhưng về chất lượng thì không thay đổi bao nhiêu. Những vấn đề cấu trúc rất nặng thì phải xem vai trò của ông (kinh tế nhà nước – PV) là gì, từ đó mổ xẻ ra tại sao lại như vậy. Ông chủ đạo mà như thế thì đất nước chết à, phải cắt chức chủ đạo của ông đi chứ, để thằng khác thay… ví dụ thế’”, ông Thiên nói.
Ông Thiên nhấn mạnh rằng: “Chỗ này phải rất minh bạch. Cách chủ đạo, cách đối xử với không chủ đạo làm nền kinh tế này phân bổ nguồn lực hỏng hết. Và 10 năm tái cơ cấu để thay đổi cơ chế đấy mà không thay đổi được. Tôi nói đấy là vai trò của kinh tế nhà nước đấy, có vấn đề nghiêm trọng. Ông không thay đổi được thì ai thay đổi được. 10 năm rồi chỉ có thay đổi ông thôi mà không thay đổi được, hỏi sao nền kinh tế không phát triển. Phải nhìn như vậy! Mình nhân danh nhà nước quá nhiều, vì nhân danh nên ông cứ thế tùy tiện”.
Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam ngắn gọn: “Cải cách kinh tế Việt Nam chỉ có 2 vấn đề thôi: một là giải toả khu vực nhà nước, hai là chuyển nền kinh tế nông dân lạc hậu lên nền kinh tế hiện đại”.
Cổ phần hóa là khái niệm hoàn toàn mang định hướng xã hội chủ nghĩa
TS Trần Đình Thiên cho rằng việc thay đổi cấu trúc sở hữu (tức cổ phần hóa) doanh nghiệp nhà nước là yếu tố nền tảng để giải quyết vấn đề hiệu quả hoạt động/kinh doanh.
Tuy nhiên, ông nói ta sai lầm khi kéo dài việc sử dụng khái niệm cổ phần hóa. “Cổ phần hóa là một khái niệm không có liên quan đến khái niệm thông thường của kinh tế học, một khái niệm hoàn toàn mang ý nghĩa định hướng xã hội chủ nghĩa”.
“Vì sao? Vì khái niệm cổ phần hóa mong manh đến mức chỉ cần bán 1% cổ phần thôi cũng đã gọi là cổ phần hóa xong rồi. Khái niệm cổ phần hóa mà bán 1% ấy nó chả liên quan gì đến phân bổ nguồn lực và chả dính dáng gì đến cấu trúc sở hữu. Đó là một động tác giả”.
Đây chính là lý do vì sao Việt Nam có thể thực hiện kế hoạch cổ phần hóa 100% nhưng thực chất chuyển đổi sở hữu chỉ 5%, 7% hoặc 10%. Thậm chí trường hợp như ACV (Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam) bán xong cổ phần còn muốn mua lại.
“Khái niệm cổ phần hóa có vấn đề. Ta dùng nó để biện minh cho quá trình thay đổi nguồn lực nhưng không làm thay đổi cấu trúc sở hữu. Cấu trúc sở hữu không đổi thì quản trị không đổi, vì thế không thể có thị trường bình thường được. Định hướng xã hội chủ nghĩa đấy”, ông Thiên bình luận.
Theo ông Thiên, một hệ quả nguy hiểm của việc dùng khái niệm cổ phần hóa là cách viết “doanh nghiệp sau cổ phần hóa đã hiệu quả hơn”. Ông cho rằng việc bán một số cổ phần đúng là có làm doanh nghiệp tốt hơn nhưng nếu bán hẳn thì sẽ tốt hơn gấp 10 lần.
“Đất nước này cứ an ủi bằng cách tốt hơn như thế thì chết à! Lấy sự học 10 năm lên được lớp 5 rồi nói ‘Mày thấy tao tiến lên đấy chứ’. Ok, 10 năm có tiến lên nhưng 10 năm đấy người ta học Đại học được 2 lần rồi. Kiểu biện minh đấy là vô cùng nguy hiểm”.
Ông cho rằng cần thay khái niệm cổ phần hóa bằng tư nhân hóa. “Tư nhân hóa để nó trở thành động lực quan trọng và vượt qua cả động lực quan trọng. Đấy, chỉ khi nào khái niệm tư nhân hóa bình thường của loài người được áp dụng thì khi đó quá trình này may ra mới diễn ra hiệu quả”.
Ông cũng cho rằng trong cải cách kinh tế, Việt Nam cần đặt ra mục tiêu phản ánh được tính thị trường rõ ràng hơn.
“Phải có tính thị trường thực, chứ sao lại một bước tiến ra thị trường. Đất nước này mỗi năm tiến một bước ra thị trường thì bao giờ mới ra thị trường?”, ông nói.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.