TS Vũ Thành Tự Anh: ‘Găm giữ mặt hàng khẩu trang để trục lợi là thiếu nhân bản’

Lê Nguyễn - 05/02/2020 16:53 (GMT+7)

(VNF) – Bình luận về việc một số nhà thuốc găm giữ mặt hàng khẩu trang y tế để trục lợi khi đại dịch viêm phổi đang hoành hành, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng: “Nhân danh việc thực hành quyền tự do kinh doanh của mình để hạn chế khả năng thực hiện quyền tự nhiên chính đáng khác của người khác, đặc biệt trong bối cảnh bệnh dịch và sự sợ hãi ngày một lan tràn, là thiếu lương tâm và không nhân bản”.

VNF
TS Vũ Thành Tự Anh

Những ngày qua, câu chuyện khẩu trang y tế đã làm nóng dư luận xã hội. Những thông tin như: bán khẩu trang y tế với giá quá cao, nhà thuốc kêu gọi nhau không bán khẩu trang cho người dân hay chính quyền xử phạt nhà thuốc găm giữ khẩu trang… thu hút sự quan tâm lớn của dư luận.

Đã có nhiều tranh cãi xung quanh việc tăng giá bán khẩu trang và găm giữ mặt hàng khẩu trang trong bối cảnh đại dịch viêm phổi đang lan rộng. Những người tôn thờ chủ nghĩa thị trường tự do cho rằng việc xử phạt hành vi găm khẩu trang là vi phạm trắng trợn quyền tự do kinh doanh, trong khi nhiều người khác cho rằng đó là hành động cần thiết của chính quyền để trừng phạt hành vi phi đạo đức.

Từ phương diện quản lý kinh tế, TS Vũ Thành Tự Anh bày tỏ sự không ủng hộ việc xử phạt hành vi găm khẩu trang ở thời điểm này.

Cụ thể hơn, ông cho rằng: “Việc xử phạt chỉ nên là hành động bất đắc dĩ cuối cùng, khi các lựa chọn khác của chính quyền đã cạn kiệt mà vẫn không đủ để khắc phục thất bại của thị trường và/hoặc khi tình trạng dịch bệnh trở nên cấp bách đến mức khẩu trang trở thành ‘hàng hóa thiết yếu’, và do vậy buộc phải dùng đến biện pháp bất thường”.

Từ phía nhà thuốc, hành vi găm khẩu trang xuất phát từ động cơ lợi nhuận nhờ sự khan hiếm tạm thời về khẩu trang y tế. Nhìn từ góc độ kinh tế, TS Tự Anh cho rằng điều này không có gì sai. Nhưng nhìn từ góc độ con người, việc găm hàng để trục lợi từ sự lo lắng và sợ hãi của đồng loại là thiếu nhân bản.

“Suy đến cùng, quyền tự do kinh doanh là quyền do luật pháp tạo ra, còn quyền tự do được sống và mưu cầu an toàn là quyền tự nhiên của con người. Nhân danh việc thực hành quyền tự do kinh doanh của mình để hạn chế khả năng thực hiện quyền tự nhiên chính đáng khác của người khác, đặc biệt trong bối cảnh bệnh dịch và sự sợ hãi ngày một lan tràn, là thiếu lương tâm và không nhân bản”, TS Tự Anh bình luận.

Để ứng phó với tình trạng găm khẩu trang, TS Tự Anh cho rằng đầu tiên, chính quyền phải nỗ lực hết sức để ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh.

Trong quá trình này, quan trọng nhất là tạo được niềm tin nơi người dân bằng cách thông tin chính xác, đầy đủ, và kịp thời cho công chúng về tình trạng bệnh dịch, về những gì mình đã biết và chưa biết, về những gì mình đã làm và sẽ làm – bất kể những tin đó là tốt hay xấu. Niềm tin này sẽ giúp hạn chế sự bất an, từ đó giúp ổn định và kiểm soát tình hình. Khi ấy, nhu cầu khẩu trang sẽ không tiếp tục tăng đột biến, nhờ đó giảm bớt cơ hội và động cơ găm hàng.

Song song với đó, chính quyền cũng phải tìm cách tăng nguồn cung khẩu trang, thông qua hoạt động sản xuất trực tiếp, tạo khuyến khích để khu vực tư nhân tăng sản lượng, và nhập khẩu nếu có thể. Lượng cung dồi dào hơn sẽ thúc đẩy cạnh tranh, qua đó một lần nữa giảm cơ hội và động cơ găm hàng.

“Chắc chắn bệnh dịch sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi thuyên giảm, và trong thời gian tới chúng ta sẽ còn phải tiếp tục chung sống với nó. Tôi mong mỗi người chúng ta, nếu không giúp được người khác thì cũng không cố tình làm tổn thương họ, mỗi người hãy hết sức cẩn trọng nhưng không quá sợ hãi để cùng nhau bình tĩnh vượt qua dịch bệnh này”, TS Tự Anh bày tỏ.

Cùng chuyên mục
Tin khác