'Uẩn khúc' vụ đấu giá gần 400 lô ‘đất vàng’ Thanh Hóa liên tục bị hủy?
Thủy Tiên -
30/10/2018 09:55 (GMT+7)
Gần 400 lô “đất vàng” nằm trong dự án Khu dịch vụ thương mại văn phòng và dân cư khu đô thị Đông Hương, TP. Thanh Hóa đã hai lần đưa ra đấu giá song đều bị hủy. Sau mỗi lần hủy, giá những lô đất này tăng hàng trăm tỷ đồng.
Hai lần hủy đấu giá
Dự án Khu dịch vụ thương mại văn phòng và dân cư Khu đô thị Đông Hương, TP. Thanh Hóa, thuộc Mặt bằng Quy hoạch số 3241/QĐ-UBND ngày 7/6/2013 của UBND TP. Thanh Hóa (gọi tắt là Dự án). Khu đất có diện tích gần 58.000 m2 được chia ra thành 375 lô đất, trong đó 200 lô đất liền kề và 175 lô biệt thự.
UBND tỉnh Thanh Hóa phê với giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho gần 58.000m2 nói trên là hơn 434 tỷ đồng; tính bình quân gần 7,5 triệu đồng/m2 đất.
Ngay sau khi được UBND tỉnh phê duyệt, UBND TP. Thanh Hóa giao lại cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố tổ chức ký kết hợp đồng với Công ty Bán đấu giá tài sản Năm Châu thực hiện việc bán đấu giá 375 lô đất trên.
Ngày 22/1/2018, Công ty Cổ phần Nakama Việt Nam do bà Mai Thị Thắm làm đại diện pháp luật đã trúng thầu với mức giá gần 438 tỷ đồng (chỉ cao hơn giá sàn gần 4 tỷ đồng). Tuy nhiên, do việc đấu giá đất gây nhiều bức xúc trong dư luận về giá đất cũng như cách tổ chức đấu giá, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng vào cuộc xác minh quá trình tổ chức bán đấu giá, phát hiện có nhiều vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện.
Ngày 14/3/2018, UBND TP. Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 1866/QĐ-UBND về việc hủy bỏ Quyết định số 13521/QĐ-UBND ngày 29/12/2017 của UBND TP Thanh Hóa về việc chỉ định đơn vị đấu giá QSDĐ và Hợp đồng bán đấu giá QSDĐ dự án.
Sau một thời gian kiểm tra cũng như hoàn thiện các hồ sơ pháp lý của các cơ quan chức năng, ngày 23/7/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ra quyết định phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá QSDĐ (đợt 1) dự án nói trên.
Lần này, Công ty đấu giá hợp danh Hoàng Nguyên (Công ty Hoàng Nguyên) do bà Lê Thị Hiền Lương làm Giám đốc được chọn làm đơn vị bán đấu giá tài sản trên.
Những tưởng, sau một lần bị hủy việc đấu giá lô “đất vàng” thuộc Mặt bằng Quy hoạch số 3241 sẽ diễn ra suôn sẻ. Nhưng, không hiểu vì lý do gì, Công ty Hoàng Nguyên của bà Lê Thị Hiền Lương liên tiếp ra các thông báo lùi lịch mở phiên.
Cụ thể, như ngày 13/9, Công ty đấu giá hợp danh Hoàng Nguyên này tiếp tục ra Thông báo số 163/TB-ĐGHDHN điều chỉnh thời gian, địa điểm tổ chức đấu giá vào lúc 14 giờ ngày 27/9. Nhưng đến ngày 20/9, Công ty này lại ra Thông báo số 235/TB-ĐGHDHN điều chỉnh thời gian, địa điểm tổ chức đấu giá vào 14 giờ ngày 9/10.
Đến 14 giờ ngày 9/10, buổi đấu giá theo lịch thông báo cũng không được diễn ra!? Tại đây, 15/19 hồ sơ của khách hàng tham gia dự nộp đã được thẩm định trước đó bị loại không rõ lý do? Bức xúc trước cánh làm “vô lối” không minh bạch, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đấu giá tài sản, các khách hàng đã cùng nhau làm đơn tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ.
Giá “đất vàng” tăng hàng trăm tỷ đồng
Sau khi phiên đấu giá 375 lô “đất vàng” thuộc Mặt bằng Quy hoạch số 3241 lần 1 bị hủy bỏ. Giá các lô đất này đã tăng gần 100 tỷ đồng theo dự kiến trong phiên đấu giá thứ 2.
Cụ thể, giá Công ty Cổ phần Nakama Việt Nam trúng thầu ở lần 1 là gần 438 tỷ đồng. Thế nhưng, giá khởi điểm cho phiên đấu giá lần 2 đã tăng lên hơn 521 tỷ đồng.
Do thông tin đấu giá lần 2 được công bố rộng rãi nên có rất nhiều doanh nghiệp tham gia mua hồ sơ đấu giá. Thế nhưng, có đến 15 doanh nghiệp bị loại ngay từ vòng nộp hồ sơ. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn bị gây khó dễ ngay từ khi đến mua hồ sơ dự thầu.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng có dấu hiệu không minh bạch trong việc đấu giá 375 lô đất thuộc mặt bằng 3241. Trong đơn tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa, các doanh nghiệp đã mạnh dạn đưa ra đề xuất nâng mức giá sàn từ 9 triệu đồng/m2 lên 15 triệu đồng/m2, tăng thu ngân sách từ 521 tỷ đồng lên 868 tỷ (tăng gần 350 tỷ đồng so với giá UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt trước đó).
Với những dấu hiệu khuất tất, không minh bạch trong hoạt động tổ chức đấu giá tài sản của Công ty đấu giá Hợp danh Hoàng Nguyên, Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hóa đã có công văn gửi các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đề nghị hoãn phiên đấu giá, điều tra những sai phạm về tổ chức đấu giá, tránh thất thoát tài sản cho ngân sách. Công ty đấu giá Hợp danh Hoàng Nguyên đã tự ý đưa ra quy chế đấu giá mập mờ, phức tạp, hoãn lịch nhiều lần, chấm gần 50 hồ sơ tham dự đấu giá chỉ trong một buổi sáng và sau đó loại nhiều hồ sơ không rõ lý do…
Trước những thông tin lình xình của phiên đấu giá 375 lô đất “vàng” nói trên, ngày 19/10, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có Công văn số 3600-CV-VPTU về việc giao chỉ đạo giải quyết việc đấu giá QSDĐ tại Mặt bằng Quy hoạch số 3241/UBND-QLĐT thuộc Khu đô thị Đông Hương, TP. Thanh Hóa.
Theo đó, Tỉnh ủy giao Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát lại toàn bộ quy trình, thủ tục thực hiện đấu giá QSDĐ tại Mặt bằng Quy hoạch số 3241/UBND-QLĐT thuộc Khu đô thị Đông Hương, TP Thanh Hóa; giao Công an tỉnh nắm chắc tình hình liên quan đến việc đấu giá QSDĐ, chủ động đảm bảo an ninh trật tự, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy những vấn đề phát sinh. “Nếu có vi phạm thì làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan và xử lý nghiêm theo quy định” - Tỉnh ủy Thanh Hóa nhấn mạnh.
Để tìm hiểu thêm thông tin về việc 375 lô đất thuộc mặt bằng quy hoạch 3241 liên tục bị hủy đấu giá, PV đã liên hệ với ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa, song ông Xứng cho biết đang đi công tác nước ngoài.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone