Vay Mượn tiếp tục vòng gọi vốn series A từ 5 - 10 triệu USD

Anh Phan - 26/07/2019 15:59 (GMT+7)

(VNF) - Nền tảng P2P Lending thuần Việt và lớn nhất Việt Nam - Công ty Cổ phần Vay Mượn vừa công bố hoàn tất vòng gọi vốn hạt giống và hợp tác chiến lược với Bảo hiểm VietinBank.

VNF
Mở rộng thị trường, Công ty Vay Mượn tiếp tục vòng gọi vốn series A từ 5 - 10 triệu USD. (Ảnh minh họa)

Theo đó, Bảo hiểm VietinBank sẽ giúp trả nợ cho các khoản vay mà người vay vốn không may gặp phải những rủi ro không lường trước (tai nạn, đau ốm, bệnh tật...). 100% khách hàng của Vay Mượn được mua bảo hiểm khoản vay của Bảo hiểm VietinBank.

Tại buổi lễ ký kết, Vay Mượn cũng công bố công ty vừa hoàn tất vòng gọi vốn hạt giống, đồng thời tiếp tục vòng gọi vốn series A từ 5 - 10 triệu USD.

Bà Đào Thị Trang, Giám đốc Công ty Vay Mượn cho biết Vay Mượn tiếp tục gọi vốn nhằm phát triển nền tài chính toàn diện tại Việt Nam, đồng thời mở rộng ra các thị trường mới trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, cũng như những thị trường mà Vay Mượn đã đặt chân tới trước đó như Myanmar, Campuchia và Thái Lan.

Vay Mượn khởi nghiệp từ nguồn vốn đầu tư hạt giống đến từ Tập đoàn NextTech - nhà đầu tư chiến lược hiện đang chiếm 20% cổ phần. Sản phẩm Vaymuon.vn của công ty là sàn giao dịch vay tiêu dùng tín chấp không gặp mặt đầu tiên tại Việt Nam, hoạt động theo mô hình tương tự Uber trong lĩnh vực tài chính cá nhân.

Ra mắt đâu tháng 12/2017, Vay Mượn cho biết sàn giao dịch này không phải ngân hàng cũng không phải công ty tài chính.

Được biết, thông qua sàn giao dịch này, các cá nhân có nhu cầu vay nhanh các khoản tiền nhỏ trong thời gian ngắn có thể đăng ký qua mạng internet. Khoản vay sẽ được xét duyệt và giải ngân trong khoảng thời gian là 4 giờ làm việc với lần vay đầu và 30 phút với các lần vay sau. Người vay tiền không cần thế chấp tài sản hay giấy tờ và không bị yêu cầu gặp mặt trực tiếp.

Cụ thể hơn, để vay tiền tại Vaymuon.vn, người vay chỉ cần cài ứng dụng "Vay Mượn" trên các kho tải ứng dụng vào điện thoại, đăng ký và tải lên ảnh chụp một số giấy tờ để làm thủ tục vay. Vaymuon.vn tự động hoá quá trình thẩm định tín dụng khách hàng bằng việc thu thập và phân tích dữ liệu lớn (Big Data) trên nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

Cũng thông qua Vaymuon.vn, người có tiền nhàn rỗi muốn cho vay tiền sẽ tải ứng dụng "VayMuon – Nhà đầu tư", đăng ký tài khoản rồi liên kết với ví điện tử Vimo.vn để trở thành nhà đầu tư.

Khi có một khoản vay được phê duyệt, nhà đầu tư nhận được thông báo trên điện thoại để mở ứng dụng và chấp thuận cho vay, khi đó số tiền sẽ được chuyển từ ví điện tử Vimo.vn của nhà đầu tư sang tài khoản ngân hàng của người vay. Khi đáo hạn, toàn bộ gốc và lãi sẽ được tự động hoàn trả lại vào ví điện tử Vimo.vn của nhà đầu tư.

"Dòng tiền giao dịch được lưu chuyển trực tiếp giữa nhà đầu tư và người vay thông qua nền tảng trung gian thanh toán bên thứ 3 được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Ngoài ra nhà đầu tư chỉ được biết tên người vay và mục đích khoản vay nên đảm bảo quyền riêng tư cho người vay", đại diện Vay Mượn cho biết.

Vaymuon.vn công bố chỉ cho vay từ 1 - 10 triệu đồng trong thời gian từ 7 - 45 ngày. Lãi suất hiện nay áp dụng 1,5%/tháng trả cho nhà đầu tư, tương đương 18%/năm. Đồng thời người vay còn trả thêm khoản phí 2.500 đồng/1 triệu đồng/ngày. Lãi suất và phí này có thể thay đổi theo từng thời điểm và sẽ được thông báo trước khi áp dụng.

Tại Vaymuon.vn, phí phạt quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn cộng với phí giới thiệu, thu xếp, kết nối và quản lý khoản vay. Trong trường hợp người vay không trả nợ, công ty và nhà đầu tư được quyền sử dụng mọi biện pháp cần thiết để thu hồi nợ bao gồm: công bố thông tin rộng rãi, bán nợ cho bên thứ ba hoặc kiện ra tòa dân sự.

Sau gần 2 năm ra mắt, đến nay VayMuon.vn là nền tảng vay tiêu dùng P2P Lending lớn nhất tại Việt Nam, đã kết nối hơn 2 triệu lượt khách hàng với gần 400.000 nhà đầu tư và tăng trưởng trên 20% mỗi tháng, trong đó tỷ lệ khách hàng trung thành lên đến 50%. Khởi nghiệp từ 5 thành viên, đến nay VayMuon.vn đã có hơn 200 nhân viên làm việc tại 4 văn phòng Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Thái Lan.

Cùng chuyên mục
Tin khác