Ví điện tử Momo, Moca và ZaloPay được dùng phổ biến tại TP. HCM và Hà Nội

Huỳnh Nguyễn - 26/03/2020 17:08 (GMT+7)

Người dùng ví điện tử chi tiêu 230.000 - 274.000 VND/giao dịch, với tần suất khoảng 1,6 - 2,2 giao dịch/ngày.

VNF
Ví điện tử Momo, Moca và ZaloPay được dùng phổ biến tại TP. HCM và Hà Nội. (Ảnh minh hoạ)

Công ty nghiên cứu thị trường Cimigo vừa công bố kết quả nghiên cứu về nhận định và hành vi của người dùng đối với các thương hiệu ví điện tử phổ biến tại Việt Nam.

Kết quả được đưa ra dựa trên cuộc khảo sát với 505 khách hàng tại TP. HCM và Hà Nội đã từng sử dụng ít nhất một ví điện tử trong quý IV/2019. Nghiên cứu bước đầu cho thấy, Momo, Moca và ZaloPay là 3 ví điện tử được sử dụng phổ biến nhất ở 2 thành phố. 3 ví này chiếm 90% thị phần người dùng ví điện tử.

Đồng thời, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các ví điện tử phổ biến trên thị trường hiện được dùng nhiều nhất để nạp tiền điện thoại, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn định kỳ, thanh toán dịch vụ giao đồ ăn và đặt xe công nghệ.

Trong đó, Momo và ZaloPay được dùng nhiều nhất để nạp tiền điện thoại, chuyển tiền và thanh toán hóa đơn định kỳ. Moca được dùng chủ yếu cho nhu cầu thanh toán xe công nghệ, nạp tiền điện thoại, chuyển tiền và giao đồ ăn.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, các chỉ số về tần suất sử dụng và giá trị chi tiêu trung bình hàng ngày của các ví điện tử phổ biến trên thị trường đều đang ở mức cao. Cụ thể, người dùng chi tiêu trung bình 230.000 - 274.000 VND/giao dịch, với tần suất khoảng 1,6 - 2,2 giao dịch/ngày.

Trong đó, người dùng Moca hiện đang có tần suất sử dụng ví thường xuyên nhất. Trung bình mỗi ngày, người dùng Moca thực hiện 2,2 giao dịch, cao hơn người dùng Momo với 2,0 giao dịch và người dùng ZaloPay với 1,6 giao dịch.

Về giá trị giao dịch, người dùng Momo có số chi tiêu bình quân trong ngày là 520.000 đồng, theo sau là người dùng Moca với giá trị giao dịch trung bình trong ngày là 506.000 đồng và ZaloPay là 441.600 đồng.

Theo nghiên cứu, xét về mức độ hài lòng khi sử dụng, Moca, Momo và ZaloPay có số điểm gần như ngang nhau. Tuy nhiên, lý do ảnh hưởng đến điểm số này có phần khác nhau.

Theo đó, “Ít gặp lỗi khi thanh toán” tác động nhiều nhất lên sự hài lòng của người dùng đối với ví Momo và Moca, trong khi yếu tố “dễ sử dụng” đóng vai trò chính đối với sự hài lòng của người dùng với ZaloPay. Cũng trong 3 ví này, người dùng Moca có mức độ sẵn lòng giới thiệu thương hiệu tốt, với điểm số là 8,6, nhỉnh hơn ZaloPay và Momo lần lượt có điểm số 8,5 và 8,3.

Xét về mức độ gắn bó của người dùng, Moca hiện cũng đang là ví điện tử dẫn đầu với 95% khách hàng sử dụng Moca nói rằng họ vẫn tiếp tục sử dụng ví này cho dù không có khuyến mãi. Tỷ lệ này của Momo là 89% và ZaloPay là 84%.

Cũng theo kết quả nghiên cứu, có 6 yếu tố chính tác động đến quyết định lựa chọn thương hiệu ví điện tử của người dùng bao gồm: giao diện thân thiện, dễ sử dụng; có chương trình khuyến mãi đa dạng, thường xuyên; an toàn và bảo mật; liên kết với nhiều ngân hàng khác nhau; được chấp nhận thanh toán tại quầy ở nhiều nơi; đa dạng về các loại dịch vụ thanh toán.

Tại Việt Nam, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán chỉ mới đạt được 14%, theo nhận định của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trong tình hình dịch Covid-19 đang chuyển biến ngày càng phức tạp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã khuyến cáo người dân hạn chế dùng tiền mặt và tăng cường sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh. Các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó bao gồm ví điện tử, theo đó sẽ ngày càng trở thành xu thế thanh toán được nhiều người dùng ưa chuộng.

Theo TGTTO
Cùng chuyên mục
Tin khác